Hạm đội tàu ngầm 6 chiếc cùng các chiến hạm Việt Nam được nói là mang lại sự uy hiếp không nhỏ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trạng mạng Trung Quốc đánh giá cao khả năng tác chiến liên hợp của hải quân Việt Nam
Theo trang mạng Trung Quốc qq.com, Việt Nam là quốc gia có năng lực phòng vệ trên biển tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Qq.com, một trong những trang mạng đông người truy cập nhất Trung Quốc, cho rằng với đường bờ biển dài 3.200km, việc phòng vệ bờ biển được Hà Nội hết sức quan tâm.
Dưới đây là tóm tắt nội dung bài viết trên qq.com:
“Việt Nam chiếm ưu thế địa lý với nhiều cảng tự nhiên, khoảng cách tới quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) đang có tranh chấp cũng rất gần. Trải qua 60 năm phát triển, năng lực phòng vệ trên biển của Việt Nam rất mạnh”, trang mạng qq, viết.
Trang mạng này cho rằng Việt Nam hiện có 3 chiếc máy bay tuần tra biển C-212-400 và 12 chiếc máy bay PZL M28 Skytruck của Ba Lan sản xuất. Việt Nam cũng có nhiều radar bờ biển, tàu trinh sát, kết hợp thành hệ thống phòng vệ, trinh sát trên biển.
Hình ảnh về tàu ngầm Việt Nam trên trang mạng Trung Quốc |
Hà Nội còn đang sở hữu 24 chiến đấu cơ đa dụng Su-27, Su-30, 50 chiếc Su-22, 150 chiếc tiêm kích Mig-21. Chiến đấu cơ Việt Nam không chỉ bảo vệ vùng trời mà còn phát huy tác dụng bảo vệ trên biển.
Chỉ có điều là Su-22 Việt Nam được Liên Xô cũ sản xuất từ thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước nên đã cũ kỹ. Vũ khí có uy lực mạnh nhất của không quân Việt Nam chính là 4 chiếc Su-30MK2 và 20 chiếc Su-30MKV, vốn được quân đội Nga cải tiến từ chiếc Su-30MKK2 chuyên dùng cho chiến đấu trên biển.
Chiến hạm Việt Nam chủ yếu là tàu hộ vệ hạng nhẹ như tàu hộ vệ tên lửa Gepard, tàu tên lửa Sigma v.v. Những chiến hạm này có thể mang nhiều tên lửa, nhưng hạn chế là khả năng tự bảo vệ kém, chỉ có thể phòng thủ gần bờ.
Nhìn chung, vũ khí có tính uy hiếp mạnh mẽ nhất của hải quân Việt Nam chính là những vũ khí dưới nước. Có thể kể đến đội tàu ngầm lớp Kilo gồm 6 chiếc mà Hà Nội mua của Matxcơva với trị giá hơn 1,8 tỷ USD.
Trang mạng Trung Quốc nói căn cứ hải quân Tam Á của nước này nằm trong tầm bắn của tên lửa trên tàu ngầm Việt Nam |
Theo ‘Kế hoạch phát triển hải quân thế kỷ 21’ của Bộ Quốc phòng Việt Nam, nước này xác định rằng trước năm 2010, phải nỗ lực mua sắm thêm các tàu chiến thế hệ mới, dần loại bỏ các tàu cũ, phát triển tàu ngầm và lực lượng đổ bộ đường không.
Để thực hiện điều này, ngay từ những năm 90, Việt Nam đã ‘phối hợp’ với nước chịu nạn đói là Triều Tiên để đổi gạo lấy vũ khí. Cụ thể là Hà Nội đã mua được hai tàu ngầm cỡ nhỏ của trong đội tàu ngầm 40 chiếc của Bình Nhưỡng.
Tàu ngầm Triều Tiên chủ yếu dùng để đổ quân trong các hoạt động tác chiến đặc biệt, dài 20m, lượng giãn nước khi nổi là 76 tấn, khi lặn là 100 tấn.
Trung Quốc cũng có trong tay 10 chiếc Kilo lớp 636 mua từ năm 1995 và 2 chiếc Kilo lớp 877. Trong tương lai, rất có thể sẽ xảy ra giao tranh giữa tàu ngầm của Trung Quốc và Việt Nam.
Một nhân tố khác là Ấn Độ, nước luôn có sự đề phòng với Trung Quốc và có kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm lớp Kilo.
Những bức ảnh đăng trên một diễn đàn quân sự Ấn Độ từ năm 2011 cho thấy, học viên Việt Nam đang được đào tạo tại căn cứ hải quân Ấn Độ.
Bức ảnh được trang mạng Trung Quốc cho là các sĩ quan hải quân Việt Nam đang tập huấn tại một căn cứ tàu ngầm của hải quân Ấn Độ |
Mặc dù New Delhi chỉ có 10 chiếc Kilo lớp 877, nhưng đây chính là loại tàu ngầm thế hệ trước của Kilo 636 nên thủy thủ Việt Nam sau khi được đào tạo sẽ dễ dàng tiếp cận tàu ngầm mới.
Cần nói thêm là tàu ngầm Việt Nam là tàu ngầm lớp Kilo 636-3, loại tàu được biên chế trong Hạm đội Biển Đen của Nga. Do đó, vũ khí và tiêu chuẩn tác chiến đều không kém gì tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen.
Việc Việt Nam đặt tên các tàu ngầm là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, cho thấy nước này kỳ vọng rất lớn vào đội tàu ngầm.
Tháng 1/2014, khi tàu ngầm Hà Nội (HQ-182) và tàu ngầm Hồ Chí Minh (HQ-183) chính thức biên chế trong hải quân thì Việt Nam đã đạt được cột mốc quan trọng trong phát triển hải quân.
4 tình huống tác chiến của tàu ngầm Việt Nam
Thứ nhất, tác chiến đặc biệt, bởi Hà Nội có kinh nghiệm phong phú khi đối đầu đối thủ có lực lượng hải quân mạnh.
Thứ hai, phát hiện tàu ngầm trên biển là cực khó, bất cứ quốc gia nào cũng không mạo hiểm đưa tàu chiến của mình vào những khu vực ‘nhạy cảm’ trên biển.
Thứ ba, phục kích. Tàu ngầm có thể ẩn nấp gần quân cảng đối phương, điều này phù hợp với tư duy đánh chặn của Việt Nam.
Thời gian qua, các trang báo và trang tin quân sự Trung Quốc tỏ ra chú ý đặc biệt đến tàu ngầm Việt Nam |
Thứ tư, phong tỏa. Tình huống giả định là khi có chiến tranh, Việt Nam có thể đưa đội tàu ngầm ra Biển Đông, uy hiếp tuyến giao thông đường biển cực kỳ quan trọng này của Trung Quốc. Thậm chí, Việt Nam có thể phong tỏa toàn bộ eo biển Malacca nối Biển Đông với Thái Bình Dương.
Điều nguy hiểm nữa là quân cảng Tam Á của Trung Quốc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 280km, hoàn toàn nằm trong tầm bắn lên tới 300km của các tên lửa trang bị cho tàu ngầm Việt Nam.
Tàu ngầm Việt Nam có thể xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, nhờ sự hỗ trợ của tàu mặt nước để tuần tra trên biển, gây khó khăn rất lớn cho khả năng chống tàu ngầm từ xa của hải quân Trung Quốc.
Với những nhận xét nói trên, trang mạng qq.com nhận định năng lực tác chiến của hải quân Việt Nam là không thể coi thường.
Tuy nhiên, với thứ tư duy bá quyền, hiếu chiến thường thấy trên các trang mạng Trung Quốc, trang qq.com lớn lối cho rằng: “Tàu ngầm không phải tất cả. Nếu phải đối đầu năng lực tác chiến mạnh mẽ của Trung Quốc thì Việt Nam quá yếu đuối, không thể chịu nổi dù chỉ một đòn”.
Đây không phải lần đầu tiên trang mạng Trung Quốc hoặc báo chính thống như Hoàn Cầu thời báo có những lời nhận xét hiếu chiến, bôi nhọ với hải quân Việt Nam hoặc xuyên tạc tình hình ở Trường Sa, Hoàng Sa – nơi Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi.