Sunday, September 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViện Quan hệ Quốc tế Đương đại TQ: Bắc Kinh cần chuẩn...

Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại TQ: Bắc Kinh cần chuẩn bị cho cuộc chiến với Mỹ

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mỹ và các nước trên thế giới, Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), một tổ chức nghiên cứu có liên hệ với Bộ An ninh Trung Quốc (MSS) đã công bố báo cáo khuyến cáo Chính quyền Trung Quốc cần chuẩn bị cho kịch bản đụng độ vũ trang với Mỹ

Theo thông tin trên, Bộ An ninh Trung Quốc nhận định xu hướng chống Trung Quốc trên toàn cầu lên mức cao nhất kể từ năm 1989. Báo cáo nhìn nhận, Bắc Kinh đang đối diện với làn sóng bài Trung Quốc do Mỹ đứng đầu sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và khuyến nghị cần phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là đụng độ vũ trang giữa hai cường quốc. Báo cáo cũng cho rằng xu hướng chống Trung Quốc khởi nguồn từ đại dịch COVID-19 có thể gây trở ngại cho các dự án đầu tư hạ tầng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Từ đây, Washington có thể tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho các đồng minh khu vực, khiến tình hình an ninh ở châu Á bất ổn hơn. Báo cáo kết luận Mỹ xem sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa về kinh tế và an ninh quốc gia, là một thách thức với các nền dân chủ phương Tây.

Được biết, Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), một tổ chức nghiên cứu có liên hệ với Bộ An ninh Trung Quốc (MSS) soạn thảo. CICIR là tổ chức nghiên cứu có ảnh hưởng, chuyên tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc về chính sách đối ngoại và an ninh. Trước đây, CICIR 1980 thuộc MSS – cơ quan tình báo chủ chốt của Trung Quốc. 

Khi được hỏi về thông tin liên quan báo cáo trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “không nắm được thông tin trên”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định Trung Quốc có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc thông báo cho người dân và thế giới biết tính chất nghiêm trọng của dịch COVID-19 vì Trung Quốc là những người đầu tiên nắm được tình hình. Bà Ortagus chỉ trích Bắc Kinh chỉ tìm cách buộc các nhà khoa học, nhà báo và công dân im lặng; đưa thông tin sai lệch, làm trầm trọng thêm những nguy cơ của cuộc khủng hoảng y tế này.

Trung Quốc đã nỗ lực ngăn chặn COVID-19 lây lan trong nước và đang tìm cách khẳng định vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch. Nổi bật là việc Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động hỗ trợ, bán vật tư y tế và chia sẻ kinh nghiệm chống dịch cho Mỹ và nhiều nước khác. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng từ những người chỉ trích và ngày càng có thêm những tiếng nói cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19. Giới quan sát cho biết Bắc Kinh vừa qua đã tiến hành tham vấn các cơ quan phân tích, cố vấn chính sách, giới học giả và nhiều giới khác trong xã hội về phương hướng, giải pháp đối phó với môi trường toàn cầu ngày càng thù địch hơn; khuyến khích “tự vấn lương tâm” trong giới quan chức, cán bộ nhà nước, giới phân tích tình báo và chuyên gia truyền thông về vai trò của Trung Quốc trong thế giới hậu dịch bệnh. Giám đốc Viện phân tích an ninh toàn cầu Gal Luft và chuyên gia phân tích George Magnus của Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford nhận định khủng hoảng hiện nay “phủ bóng đen” và có tác động tiêu cực lên quan hệ Mỹ – Trung Quốc hơn bất kỳ vấn đề nào khác cho đến nay. Quan hệ quốc tế trong thế giới hậu đại dịch sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Một trong những bóng đen đó thể hiện ở việc Tổng thống Donald Trump đe dọa Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả nếu người ta chứng minh được Trung Quốc chịu trách nhiệm gây ra đại dịch. Phát biểu của Tổng thống Trump được Thủ tướng Đức A. Markel ủng hộ, đồng thời bà còn kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về nguồn gốc của virus. Chính phủ Anh cáo buộc Trung Quốc không thông tin đầy đủ về “quy mô, bản chất và khả năng lây nhiễm” của dịch bệnh. Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc Ken Jarret nhận định rằng mất mát thực sự của đại dịch là sự đối kháng và thiếu tin tưởng lẫn nhau ngày càng trở nên sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thái độ tiêu cực về Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng khi Mỹ bước vào chu kỳ bầu cử tổng thống. Cuộc bầu cử càng đến gần, Tổng thống Trump càng khó có thể xuống thang trong cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc. Cố vấn Cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Scott Kennedy cho rằng cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump đều có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa nên khó có thiên hướng hợp tác với nhau.

Giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc Shi Yinhong cho rằng sự tuyên truyền vừa qua của Bắc Kinh về sự thành công của mình trong khi các nước khác đang bị mắc kẹt trong dịch bệnh đã dẫn đến thái độ thù địch của các nước với Trung Quốc. Bên cạnh đó, xung đột quyền lực giữa Mỹ – Trung Quốc sẽ làm thay đổi các kết cấu kinh tế. Trong bối cảnh Trung Quốc – Mỹ ngày càng công khai hơn trong việc áp dụng tư duy cạnh tranh chiến lược cường quốc, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro ngày càng gia tăng khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và Mỹ như là những điểm kết nối trong chuỗi cung ứng của mình. Hậu quả tiêu cực nhất của khủng hoảng là kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng giảm can dự với Trung Quốc.

Ngoài ra, cùng với cuộc chiến thương mại, khủng hoảng làm tổn hại đến hợp tác Mỹ – Trung Quốc trong các lĩnh vực khác bao gồm cả nghiên cứu, giao lưu văn hóa và giáo dục. Theo chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie – Tsighua Zhao Tong, những người hoạch định chính sách đối ngoại của cả Trung Quốc và Mỹ dường như đang sống trong những “thế giới song song”, ngày càng trở nên không hiểu những lập luận của nhau và cũng đang phải đối mặt với rủi ro “phân tách”. Sự khác biệt ngày càng lớn về tư duy hoạch định chính sách hai nước là mối đe dọa rất lớn đối với quan hệ Mỹ – Trung Quốc. Cách xử lý khủng hoảng dịch bệnh kém hiệu quả của Chính quyền Tổng thống Trump càng làm tăng niềm tin của nhiều nhà bình luận Trung Quốc rằng mô hình của Trung Quốc có nhiều điểm ưu việt và sẽ vượt trội mô hình của Mỹ về dài hạn. Trung Quốc đẩy các nhà ngoại giao của mình ở khắp nơi trên thế giới ra sức tuyên truyền về mô hình Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Hiện đại dịch được coi là phép thử đối với quan hệ của Trung Quốc với những nước vốn được coi là hữu nghị. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc với sự tham gia của gần 70 nước ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh bị tác động nặng nề bởi đại dịch. Về lâu dài, Trung Quốc cần phải quen với thực tế hiển nhiên rằng “Vành đai, Con đường” cũng là tuyến đường lây lan của virus.

RELATED ARTICLES

Tin mới