Nhật Bản sẽ triển khai chương trình hỗ trợ để khuyến khích các nhà sản xuất của nước này chuyển cơ sở xuống Đông Nam Á, sau khi đại dịch COVID-19 gây gián đoạn nghiêm trọng cho các chuỗi cung ứng phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.
Chương trình trị giá 23,5 tỷ yen, kết hợp với gói hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ để giảm bớt tác động của đại dịch, sẽ giúp các công ty đa dạng hoá các chuỗi cung ứng bằng cách hỗ trợ họ về tài chính để xây dựng cơ sở sản xuất mới cũng như tiến hành nghiên cứu khả thi ở các nước ASEAN.
Sáng kiến này được triển khai sau khi nhiều hãng ô-tô và các hãng sản xuất khác gặp tình trạng thiếu linh kiện để hoàn thiện sản phẩm sau khi virus corona khiến các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc bị gián đoạn.
“Ngay cả trước khi xảy ra dịch bệnh, các doanh nghiệp Nhật đã có nhu cầu thiết lập cơ sở sản xuất ở ASEAN. Chương trình hỗ trợ cũng sẽ giúp nước ta xây dựng quan hệ tốt hơn với ASEAN”, Kyodo dẫn lời một quan chức của Bộ Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế.
Để tránh nhiều rủi ro khi phải phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, như biểu tình chống Nhật Bản, lương tăng và cuộc chiến thuế quan với Mỹ, các doanh nghiệp Nhật cũng đã có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất xuống Đông Nam Á theo chiến lượng “Trung Quốc + 1”.
Trong nỗ lực nhằm củng cố các chuỗi cung ứng, chính phủ Nhật sẽ chi 220 tỷ yen để thúc đẩy sản xuất tại chỗ các mặt hàng đang chủ yếu phải nhập khẩu từ một số nơi. Chương trình hỗ trợ cũng sẽ giúp các doanh nghiệp muốn chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài về nước.
Chương trình này sẽ nhằm vào các nhà sản xuất những mặt hàng thiết yếu với người dẫn Nhật Bản để bảo đảm “cuộc sống khoẻ mạnh” trong tình hình dịch bệnh, bao gồm các mặt hàng khẩu trang và nước khử trùng tay. Những doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ để mở nhà xưởng mới hoặc tăng cường sản xuất trong nước.
Theo Hiệp hội công nghiệp các sản phẩm vệ sinh Nhật Bản, khoảng 80% khẩu trang mà nước này sử dụng được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Khẩu trang trở nên khan hiếm từ khi virus corona tấn công nước này, khiến Thủ tướng Abe Shinzo phải triển khai chương trình phát khẩu trang cho người dân.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, linh kiện và phụ tùng ô-tô từ Trung Quốc chiếm 36,9% tổng lượng hàng nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2019, trong khi linh kiện và thiêts bị điện thoại từ Trung Quốc chiếm tới 85,5% tổng giá trị nhập khẩu.
GS Takahiro Fujimoto, công tác tại Trường cao học kinh tế thuộc ĐH Tokyo, cho rằng các chương trình hỗ trợ nói trên hợp lý nếu nhìn theo quan điểm dài hạn, vì sẽ khuyến khích các nhà sản xuất cân bằng giữa Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN.