BienDong.Net: Ấn Độ đã chính thức trang bị một tầu ngầm hạt nhân loại K-152 Nerpa (phương Tây gọi là tàu Akula II) cho hải quân, trở thành nước thứ sáu trên thế giới có loại vũ khí này, sau Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc.
Con tàu mới này, trọng tải 8.140 tấn, được thuê của Nga trong 10 năm với hợp đồng trị giá gần 1 tỉ USD, nhằm “ mở rộng các chân trời đại dương và đáp lại mối đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc vốn đang tăng cường hải quân”- theo lời nhà bình luận Jonathan Marcus của BBC.
Tàu ngầm hạt nhân loại K-152 Nerpa ( Ảnh AFP)
Mang tên tàu INS Chakra, tàu ngầm hạt nhân này có thuỷ thủ đoàn 80 người, sẽ không được trang bị các vũ khí hạt nhân theo qui định của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, mà chỉ mang theo tên lửa hành trình.
Trước đó, cho đến năm 1991, New Delhi cũng đã thuê một tàu ngầm nguyên tử của Nga với mục đích huấn luyện.
Được cho là niềm tự hào giúp nâng cao năng lực của hải quân Ấn Độ, Tàu INS Chakra có khả năng hoạt động liên tục ba tháng dưới nước.
Phát biểu tại buổi lễ ở cảng Vishkhapatnam miền đông,Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony nói tàu INS Chakra sẽ tăng cường an ninh và chủ quyền đất nước, gia tăng năng lực của hải quân để bảo vệ quyền lợi của Ấn Độ trong vùng Ấn Độ Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony ( Ảnh AFP)
Theo VOA, mặc dầu Ấn Độ coi cả Pakistan và Trung Quốc là các mối đe dọa tiềm tàng, trong mấy năm gần đây nhiều chuyên gia quốc phòng đã bắt đầu gọi Bắc Kinh là một đối thủ chính. Đặc biệt, New Delhi rất lo ngại về những tuyến đường của Bắc Kinh đi sâu vào Ấn Độ Dương, mà Ấn Độ coi như sân sau chiến lược của họ.
Chuyên gia về an ninh tại Trung tâm Khảo cứu Chính sách Bharat Karnad nói chiếc tầu ngầm loại Akula II vừa được phiên chế vào hải quân sẽ giúp chống lại sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc gần Ấn Độ.
Ông Karnad nhận định: “Trong trường hợp hải quân Trung Quốc tăng quân số trong phần thế giới này và chắc chắn trong vùng Ấn Độ Dương, thì Akula sẽ là loại tầu ngầm săn đuổi ở biển sâu có khả năng ngăn chặn bất cứ loại hoạt động bất thường nào của Trung Quốc.”
Trung Quốc đã tài trợ cho việc xây dựng các cảng ở Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan, và một số chuyên gia quốc phòng cảm thấy những cảng này có thể được Hải quân Trung Quốc sử dụng trong trường hợp xảy ra một vụ xung đột trong vùng.
Ấn Độ hiện cũng đang tự phát triển một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân – chiếc Arihant, dự kiến sẽ nhận nhiệm vụ vào cuối năm nay.
Thông tin về tàu ngầm Ấn Độ chắc chắn sẽ gây chú ý cho các quốc gia trong khu vực.
Hoa Biển ( theo BBC và VOA)