Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngCăng thẳng khu vực biên giới giáp Ấn Độ: TQ đang khiêu...

Căng thẳng khu vực biên giới giáp Ấn Độ: TQ đang khiêu khích toàn diện

Bằng việc chủ động gây hấn ở vùng giáp biên, Trung Quốc đang khiêu khích các nước láng giềng như Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam… Hành động này cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược gây rối toàn diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trên đất liền

Quân đội Ấn Độ cho biết một số binh sĩ nước này đã có các vụ ẩu đả trong hai ngày 9-10/5 với các binh sĩ Trung Quốc ở khu vực hẻo lánh trên biên giới hai nước, tại vị trí chiến lược gần Tây Tạng. Người phát ngôn Bộ Tư lệnh phía Đông của Ấn Độ Mandeep Hooda cho biết, vụ việc diễn ra tại khu vực Naku La, gần cửa khẩu Nathu La cao 4.572 mét ở bang Sikkim phía Đông Bắc Ấn Độ, khu vực tiếp giáp với cả Bhutan, Nepal và Trung Quốc. Hành động hung hăng của cả hai bên khiến cho các binh sĩ bị thương nhẹ. Sự việc sau đó đã được giải quyết bằng “đối thoại và tương tác” ở cấp địa phương. Bên cạnh đó, ông Hooda cũng cho biết, cuộc đụng độ ngắn và bộc phát giữa các binh sĩ biên phòng diễn ra do ranh giới chưa được xác định.

Một vụ đụng độ khác giữa binh sĩ hai bên diễn ra sáng 10/10 tại Ladakh. Theo New Indian Express, “người Trung Quốc đã động chạm với người Ấn Độ và các binh sĩ Ấn Độ đã can thiệp, dẫn tới ẩu đả”. Vụ việc diễn ra bên phía Ấn Độ gần thị trấn Nallah. Vụ việc đã được giải quyết nhưng binh línhcả hai bên vẫn đang hiện diện ở khu vực này. Trong khi đó, tờ China Times của Đài Bắc đã công bố một đoạn video về cuộc ẩu đả hôm 9/5 cho thấy quân lính hai bên đã xáp lá cà hỗn chiến trong một khu vực khá bằng phẳng, dường như cuộc chiến đã diễn ra xung quanh việc giành giật và giữ một lá cờ Trung Quốc. China Times cho biết, có nguồn tin nói ngoài ẩu đả tay không, hai bên còn ném đá vào nhau.

Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã kéo dài và đôi khi vẫn có các cuộc đụng độ nhỏ giữa binh sĩ hai nước. Hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân và từng có cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1962 để tranh giành lãnh thổ ở khu vực dãy Himalaya tại bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Sự kiện hôm 9/5 là lần đầu tiên binh sĩ hai nước đụng độ kể từ năm 2017, khi lính biên phòng hai bên cãi lộn ở khu vực tây bắc Ladakh. Cùng năm đó, có một cuộc chạm trán khác diễn ra khi Ấn Độ gửi quân tới vùng Doklam của Bhutan để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường ở đó.

Đến dưới biển

Tại khu vực Biển Đông, từ tháng 3 đến nay, để củng cố yêu sách “chủ quyền” trên Biển Đông và định hướng dư luận trong nước, Trung Quốc đã gia tăng một loạt các hoạt động phi pháp trên thực địa. Theo đó, Hải quân Trung Quốc đã điều đội tàu gồm tàu khu trục Taiyuan và Jingzhou thực hiện bài tập cứu tàu bị hải tặc tấn công và phối hợp hoạt động chống hải tặc ở khu vực quần đảo Trường Sa, đi qua eo biển Miyako và kênh Bashi. Không chỉ diễn tập chống cướp biển, các máy bay chống ngầm thuộc Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành sứ mệnh tuần tra và chống ngầm trên khu vực Biển Đông.  Trước đó, Trung Quốc cũng đã có nhiều hoạt động phi pháp, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Ngày 2/4, Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam hoạt động ở Hoàng Sa. Trong khi vấp phải sự chỉ trích của Việt Nam và thế giới, Trung Quốc đưa ra một lời giải thích vô lý rằng chính tàu cá của Việt Nam đã húc vào tàu hải cảnh của Trung Quốc rồi chìm. Ngày 14/4, Trung Quốc xua tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra biển Đông, con tàu “tai tiếng” đã cắm cọc ở vùng biển Việt Nam suốt nhiều tháng với mục tiêu được cho là quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam. Ngày 18/4, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”, hai quận hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, phần lớn số này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Trên biển Hoa Đông, Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản cho biết, khoảng 18 giờ 5 phút hôm 9/5 (giờ địa phương), 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển này ở phía Tây đảo Uotsuri thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Đến khoảng 21 giờ 40 phút (giờ địa phương), các tàu này đặc nằm cách 11km về phía Bắc – Tây Bắc đảo Uotsuri. Trước đó, 4 tàu hải cảnh Trung Quốc (08/5) đã vào vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Sau đó, 2 tàu hải cảnh này đã tiếp cận và nhanh chóng đuổi 1 tàu cá Nhật Bản đang hoạt động trên khu vực này.

Âm mưu xuyên suốt

Đi kèm với các tuyên bố, quyết định gây tranh cãi về thành lập các đơn vị hành chính trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, Trung Quốc đồng thời tiến hành nhiều hành động quyết đoán trên thực địa. Có thể kể đến việc Trung Quốc điều tàu thăm dò và hải cảnh xuống Biển Đông, tập trận hải quân ở vùng biển khu vực, cho xuất hiện tàu hải quân ở eo biển Đài Loan, thậm chí có động thái gây chú ý ở Biển Hoa Đông, gần Nhật Bản.Các động thái này báo hiệu một đổi mới nâng cấp “dọn đường” trong kế hoạch và ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực trong giai đoạn mới, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 chưa chấm dứt.

Hành động này của Trung Quốc đã cho thấy họ sẽ không bao giờ từ bỏ các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông hay trên đất liền với Ấn Độ, bất chấp đã bị cộng đồng quốc tế nhiều lần bác bỏ. Giới chuyên gia nhận định ý đồ “đục nước béo cò” của Trung Quốc đến giờ đã thể hiện rõ trên Biển Đông.

Trên mặt giấy tờ, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc vu cáo Việt Nam “chiếm đóng trái phép các đảo thuộc Trung Quốc”. Các động thái trên giấy tờ lẫn ngoài thực địa diễn ra một cách dồn dập và gói gọn trong vòng 3 tuần đầu của tháng 4, khiến nhiều người tin rằng Trung Quốc đang lợi dụng tình cảnh các nước bận đối phó với dịch bệnh để thúc đẩy yêu sách trên Biển Đông. Nhưng theo giới quan sát, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện các hành vi khiêu khích và đe dọa nước khác như vậy trên Biển Đông. Ông Gregory B. Poling – giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) – khẳng định Trung Quốc sẽ không vì đại dịch mà từ bỏ kế hoạch quấy rối dài hạn trên Biển Đông. Các hành vi của Bắc Kinh mà chúng ta đang thấy trên Biển Đông đã từng diễn ra trước đó và chắc chắn sẽ lặp lại trong tương lai. Rõ ràng là sau khi hoàn tất việc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, tức tăng cường hiện diện thường xuyên trên Biển Đông, Bắc Kinh bắt đầu lập kế hoạch dài hơi để củng cố yêu sách chủ quyền vô lý và liên tục bổ sung các “chiêu thức” mới qua từng năm. Chẳng hạn, Trung Quốc ban đầu sử dụng tàu hải cảnh để đe dọa tàu cá nước khác thì hiện tại đã chuyển sang kết hợp tàu hải cảnh và tàu khảo sát để cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của quốc gia khác trên Biển Đông. Những hành động có chủ ý, có tính toán như vậy chỉ tạo ra thêm căng thẳng với các nước ASEAN và làm dấy lên sự nghi ngờ về cái gọi là sự chân thành của Trung Quốc trong việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trong khi đó, ở khu vực Biển Hoa Đông và khu vực giáp biên với Ấn Độ, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích nhằm thu hút sự chú ý để định hướng dư luận trong nước, cũng như hướng lái sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cứng rắn

Trái ngược với Trung Quốc, Việt Nam là nước duy nhất có đầy đủ chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã lập hai huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào tháng 12/1982. Đấy là một thủ tục pháp lý, đồng thời là một biểu tượng cần thiết về chủ quyền. Khác hoàn toàn với hành động tương tư của Trung Quốc (17/4/2020).

Bên cạnh đó, Việt Nam đã chuẩn bị đáp ứng mọi tình huống trong quan hệ với Trung Quốc, trong đó có các quan hệ liên quan đến Biển Đông. Truyền thống Việt Nam cho thấy, nếu Việt Nam bị xâm lược, Việt Nam sẽ bảo vệ đất nước, giáng trả và đánh đuổi xâm lược.

Ngay sau khi Trung Quốc thông qua quyết định thành lập hai huyện đảo đặt trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, Việt Nam đã có phản ứng, ra tuyên bố lên án Trung Quốc. Theo đó: Ngày 19/4/2020, trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.

RELATED ARTICLES

Tin mới