Wednesday, May 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBốn năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài: TQ tiếp tục...

Bốn năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài: TQ tiếp tục gây hấn, gia tăng căng thẳng trong khu vực

Bốn năm sau khi Tòa Trọng tài Liên hợp quốc theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển (UNCLOS) ra phán quyết mang tính lịch sử liên quan vụ kiện Trung Quốc của Philippines về Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục không thực thi phán quyết của Tòa, vẫn ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên biển.

Trong bốn năm qua, Bắc Kinh vẫn tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trên 7 đá mà nước này đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển nằm giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough; tiến hành ngăn chặn, bắt giữ, xua đuổi (phi pháp) ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân các nước đánh bắt hải sản hợp pháp ở Biển Đông. Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy các dự án thăm dò, khảo sát và tìm cách khai thác trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông. Trong đó nổi bật nhất là việc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong EEZ của Việt Nam, Malaysia. Ngoài ra, Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”, hai quận hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Không những vậy, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, phần lớn số này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Nhìn chung, Trung Quốc đang triển khai đồng bộ các hoạt động phi pháp trên Biển Đông theo những hướng sau: (1) Mở rộng các hoạt động xây dựng trên các đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, nhằm tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông một cách tổng thể. (2) Lợi dụng những bước đột phá về mặt khoa học kỹ thuật, Bắc Kinh triển khai hàng loạt những dự án để tăng cường giám sát, khai thác kinh tế và hỗ trợ lực lượng quân đội đang đồn trú phi pháp trong khu vực như xây dựng các nhà máy hạt nhân trên các đảo nổi, thành lập một mạng lưới giám sát đối với các tàu hàng hải, phát triển công nghệ mới để tìm và có thể khai thác “băng cháy”. (3) Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi để ngăn cản việc thực hiện phán quyết trọng tài. Các biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện là rất khác nhau, bao gồm việc ban hành chính sách “bốn không”, thông qua các luật và quy định mới như sửa đổi Luật An toàn giao thông hàng hải năm 1984 và củng cố các tuyên bố thông qua học thuyết “Tứ Sa”. (4) Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế, viện trợ không hoàn lại… nhằm cải thiện quan hệ và gia tăng ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, từ đó Bắc Kinh tìm cách chia rẽ đoàn kết trong ASEAN về vấn đề Biển Đông. (5) Bắc Kinh đang cố gắng sử dụng các cuộc đàm phán của COC để ngăn chặn các nước bên ngoài khu vực tìm cách can thiệp, tăng cường hiện diện ở Biển Đông. (6) Đáng chú ý, gần đây Trung Quốc tiến hành cải cách, cơ cấu lại các lực lượng chấp pháp trên biển để tạo tiền đề pháp lý gia tăng các hoạt động trấn áp (phi pháp) và khẳng định “chủ quyền” trên Biển Đông. Vừa qua, Trung Quốc đã chính thức vũ trang hóa lực lượng Cảnh sát biển bằng cách đặt lực lượng này dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc và trang bị súng cho các tàu chấp pháp.

Sau bốn năm, tình hình căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp diễn, ô nhiễm môi trường biển ngày càng trầm trọng. Về an ninh hàng hải, cùng với tần suất các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên thực địa đang ngày càng gia tăng, nhất là việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, triển khai vũ khí sát thương trên các thực thể nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và tự do hàng hải trong khu vựu.

Về vấn đề môi trường sinh thái, hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với môi trường sinh thái. Ngoài ra, cùng với việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và đưa lượng lớn binh lính ra đồn trú phi pháp ở Biển Đông cũng gián tiếp tác động, phá hủy môi trường sinh thái. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển.

Thời gian qua, cộng đồng quốc tế liên tục có các tuyên bố, hành động cụ thể nhằm ngăn chặn, kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Mỹ thường xuyên đưa ra các tuyên bố chính thức (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc; triển khai nhiều kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; cử tàu sân bay, tàu chiến, máy bay trinh sát, máy bay ném bom B-52 áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và một số đảo, đá ở Hoàng Sa; tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực tiến hành tập trận, giao lưu hải quân nhằm nâng cao năng lực tác chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên biển; tích cực triển khai chính sách viện trợ kinh tế, vũ khí (tàu chiến, máy bay, súng…) cho một số nước trong khu vực, như Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia…, nhằm hỗ trợ những nước này nâng cao năng lực tuần tra, giám sát và bảo vệ hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngoài ra, các cơ quan luật pháp của Mỹ đã đưa ra nhiều dự luật kêu gọi trừng phạt những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ (Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia…) đều đưa ra những tuyên bố, hành động thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông, nhất là hoạt động tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc. Một số nước trong khu vực cũng tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là đầu tư cho hải quân để nâng cao năng lực phòng thủ và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Nhìn chung, bốn năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, diễn biến tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng. Những nội dung mang tính lịch sử của phán quyết đã không được Trung Quốc, một trong năm nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuân thủ. Bắc Kinh vẫn dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế để chèn ép, bắt nạn những nước nhỏ trong khu vực, tìm cách củng cố “chủ quyền” ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và đi ngược lại luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới