William A. Stanton, phó chủ tịch Đại học Quốc gia Yang-Ming, đã từng có 34 năm làm việc trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ, có bài viết “Virus Vũ Hán làm thay đổi nhận thức toàn cầu về chính quyền Trung Quốc” trên Taiwan News, ngày 08/05/2020. Sau đây là toàn văn bài viết của ông:
Hai mươi chín năm trước, vào ngày 18/4/1991, tôi đã tìm thấy trong số các bài báo của mình, một cuộc nói chuyện không chính thức tại Viện Hoover về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều làm tôi ngạc nhiên khi đọc lại bài nói chuyện này, các quan điểm tôi đưa ra lúc đó đã được chứng minh bằng thực tế trong suốt ba thập kỷ qua.
Phản ánh về vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra hai năm trước, tôi đã viết:
“Đối với nhiều người trong chúng tôi làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, sự tàn bạo của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không có gì đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, nhiều người trong chúng tôi đã lường trước một kết quả bạo lực, không nhất thiết là do chúng tôi có nhận thức đặc biệt gì về những gì đang diễn ra trong đầu các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, mà bởi những trải nghiệm hàng ngày của chúng tôi ở Trung Quốc, đã khiến chúng tôi dự kiến về điều tồi tệ nhất. Chúng tôi không dễ bị ảo tưởng bởi những quan niệm sai lầm về Trung Quốc đã định hình dư luận ở phương Tây và… cũng tiếp tục định hình suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Tôi ngày càng nhận thấy sự xung đột về bản chất tự nhiên giữa các mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc, những giả định cho xã hội Trung Quốc, sự trừu tượng trong chính sách của Hoa Kỳ với kinh nghiệm thực tế khi sống ở Trung Quốc và phải đối phó với chính phủ Trung Quốc hàng ngày. Sự xung đột này mạnh mẽ nhất khi tôi lắng nghe những bình luận sôi nổi về Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ trong số những người Mỹ, cho dù họ là chính trị gia, học giả hay khách du lịch, nghe những đánh giá quá lạc quan về tương lai của Trung Quốc và quan hệ của Hoa Kỳ với đất nước mà chúng ta đang mời gọi.
Chúng ta luôn hành động như thể người Trung Quốc, nếu không phải là đồng minh, thì cũng là bạn bè; nhưng người Trung Quốc chắc chắn không đối xử với chúng ta theo cách tương tự. Cho dù vấn đề là thương vụ bán tên lửa của Trung Quốc đến Trung Đông, các nỗ lực để bắt đầu đối thoại về nhân quyền, hay chỉ đơn giản là đối xử của chính quyền Trung Quốc với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, tôi đã thấy một khoảng cách lớn giữa những gì Trung Quốc mong đợi từ chúng ta và những gì họ sẵn sàng đáp ứng chúng ta.
Tôi tin rằng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chung một cái nhìn đầy lạc quan về Trung Quốc sau khi Đặng Tiểu Bình nói đến “cải cách mở cửa” Trung Quốc, và tỏ vẻ như không có gì có thể thay đổi con đường này. Chắc chắn sau vụ thảm sát Thiên An Môn, đã có nhiều quốc gia tạm dừng quan hệ với PRC, nhưng rõ ràng là những nền dân chủ phương Tây tự do nhất đã mong muốn vượt qua vụ Thiên An Môn để trở lại làm ăn như thường lệ với Trung Quốc”.
Quá nhiều hành vi sai trái của chính quyền Trung Quốc
Tuy nhiên, liên tục có vô số hành vi sai trái của chính quyền Trung Quốc bị thế giới lên án: Cuộc đàn áp không ngừng đối với Tây Tạng và Phật giáo Tây Tạng; Tống giam hàng loạt hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ; Đàn áp các nhà thờ Thiên chúa giáo và nhà thờ Hồi giáo; Bắt bớ không ngừng các nhà bất đồng chính kiến, luật sư nhân quyền và các nhà báo; Trục xuất phóng viên và báo chí nước ngoài; Các báo cáo liên tục về mổ cướp nội tạng; Phá bỏ dần nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông; Trộm cắp tài sản trí tuệ diện rộng; Xuất khẩu lượng lớn fentanyl gây nghiện; Tiếp tục quân sự hóa Biển Đông bất chấp phán quyết của Tòa án Quốc tế năm 2016 rằng các yêu sách của chính quyền Trung Quốc là bất hợp pháp; Cố ý đánh chìm tàu cá Việt Nam và Philippines; Hỗ trợ các chương trình hạt nhân và tên lửa ở Pakistan, Iran và Bắc Triều Tiên; Vận chuyển nhiên liệu và hàng xa xỉ tới Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc mà chính quyền Trung Quốc đã tham gia; Dụ dỗ của các nước đang phát triển vào cái “bẫy nợ” Vành đai và Con đường của chính quyền Trung Quốc,…
Danh sách các vi phạm cứ ngày một dài hơn. Nhìn toàn diện, thế giới đã hành động một cách không hiệu quả.
Tại sao chính quyền Trung Quốc lại có tầm ảnh hưởng như vậy
Lý do chính khiến thế giới không sẵn sàng hành động để phản ứng với các hành vi vi phạm, đó là sự khuất phục của các giá trị [dân chủ và nhân quyền] trước các vấn đề lợi ích, cho dù là lợi ích chiến lược hay lợi ích kinh tế. Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger (1973-77) là một tiêu biểu, khi ông chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với chính quyền Trung Quốc để đáp trả vụ thảm sát tại Thiên An Môn, và liên tục kêu gọi giữ gìn mối quan hệ đặc biệt Trung-Mỹ. Để biện minh cho hàng ngàn người bị giết tại Thiên An Môn, Kissinger lập luận trong một bài xã luận vào ngày 30/7/1989, rằng “Không chính phủ nào trên thế giới sẽ chấp nhận việc quảng trường chính của thủ đô bị chiếm giữ trong tám tuần bởi hàng chục ngàn người biểu tình”.
Đáp lại Kissinger, nhà bình luận Anthony Lewis đã chỉ ra vào ngày 19/12/1989 trên tờ Thời báo New York rằng: “Nếu vậy, việc chính quyền Tiệp Khắc đưa xe tăng đàn áp hàng trăm ngàn người biểu tình ở Quảng trường Wenceslas vào tháng trước, Hoa Kỳ có lẽ cũng nên hiểu cho họ. Rốt cuộc, chính phủ phải có khả năng cai trị. Nhưng bài học về Đông Âu thì ngược lại. Các chính phủ chuyên chế không thể được tiếp tục cai trị. Người dân, mặc dù dường như bất lực, nhưng họ có thể mang lại sự thay đổi. Những lý tưởng về dân chủ và nhân quyền có một sức mạnh của riêng chúng”.
Quan điểm chiến lược của Henry Kissinger gần như chắc chắn được hậu thuẫn bởi các lợi ích kinh tế. Sau khi rời chính phủ, Kissinger tiếp tục phục vụ như một người ủng hộ nhiệt thành các chính sách xoa dịu đối với Trung Quốc mà ông khởi xướng. Mặc dù ít ai nghi ngờ niềm tin cá nhân của Kissinger vào tầm quan trọng chiến lược của các mối quan hệ Trung-Mỹ, nhưng sự thật đằng sau nó là, công ty tư vấn mà ông thành lập – Kissinger Associates, đã kiếm được hàng triệu đô la trong những năm đó nhờ sắp xếp các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo cao cấp ở Bắc Kinh với các tập đoàn của Hoa Kỳ. Thật không may, nhiều cựu quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ – cả đảng Dân chủ và Cộng hòa – đã đi theo con đường mà Kissinger tiên phong như một nhà môi giới được vinh danh.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng trực tiếp tìm kiếm “tình bạn” với Bắc Kinh để theo đuổi những lợi ích kinh doanh của họ. Một ví dụ điển hình gần đây là cựu Thị trưởng New York và trùm truyền thông, tỷ phú Michael Bloomberg, người với tư cách là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, hồi năm ngoái đã lập luận rằng ông Tập Cận Bình “không phải là một nhà độc tài cai trị”. Mặc dù Bloomberg có khuynh hướng tự do, công ty của ông – vì lo sợ mất những doanh số tài chính cực kỳ béo bở ở Trung Quốc – vào năm 2012 đã kiểm duyệt các báo cáo của Bloomberg News về sự giàu có của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả Tập Cận Bình và gia đình.
Thái độ đối với chính quyền Trung Quốc đã thay đổi
Theo một cuộc khảo sát tháng 3/2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng không ngừng trong cộng đồng người Mỹ. Hai phần ba người Mỹ được thăm dò cho biết họ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Đây là đánh giá tiêu cực nhất kể từ khi Pew bắt đầu thăm dò dư luận vào năm 2005. Hơn nữa, những quan điểm tiêu cực này đã liên tục vượt lên quan điểm tích cực kể từ năm 2013. Có thể thấy xu hướng này liên quan đến sự thăng tiến năm 2012 của Tập Cận Bình với tư cách là Tổng bí thư của đảng cộng sản Trung Quốc, người đã ban hành các chính sách đối nội thậm chí còn đàn áp hơn, và các chính sách đối ngoại thậm chí còn hung hăng hơn.
Theo khảo sát của Pew, người Mỹ xem xét một loạt các mối đe dọa từ Trung Quốc là “rất nghiêm trọng”, hoặc “khá nghiêm trọng”. Các mối đe dọa gồm: Tác động của Trung Quốc đến môi trường toàn cầu (91%); Các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc (87%); Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ (85%); Mất việc làm của Hoa Kỳ cho Trung Quốc (84%); Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự (84%); Chính sách của Trung Quốc về quyền con người (82%); Sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc (78%); Căng thẳng Trung Quốc-Hồng Kông (76%). Với những đánh giá như vậy, không có bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào trong mọi vấn đề, lại được đổ thêm dầu vào lửa bởi sự lây lan tàn khốc của virus Vũ Hán, quan điểm của người Mỹ về chính quyền Trung Quốc khó có thể được cải thiện.
Chắc chắn, với quan điểm công chúng phản ánh tiêu cực như vậy, cũng là kết quả của các chính sách cứng rắn của chính quyền Trump và sự đồng thuận hiếm có tại lưỡng Viện, Washington đã buộc đóng cửa Viện Khổng Tử tại nhiều trường đại học, bằng cách đe dọa giữ lại tài trợ từ Bộ Quốc phòng dành cho nghiên cứu.
Sự bất mãn đối với chính quyền Trung Quốc cũng được thể hiện rõ hơn ở các quốc gia khác. Vào giữa tháng Tư, Thụy Điển đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử và một lớp học Khổng Tử. Quyết định này một phần xuất phát từ quyết định của Bắc Kinh vào ngày 25/2/2020, kết án Quế Mẫn Hải, một người Hoa có quốc tịch Thụy Điển, mười năm tù vì tội xuất bản sách đã bị cấm ở Hồng Kông. Ông bị buộc tội “cung cấp thông tin tình báo ở nước ngoài bất hợp pháp”. Những quyết định như vậy cũng phản ánh sự không tin tưởng chung về quan điểm mà các viện Không tử đang truyền bá cho sinh viên Thụy Điển.
Virus Vũ Hán sẽ thay đổi cuộc chơi về thái độ toàn cầu
Lý do chính của bất kỳ sự xem xét lại các chính sách đối với chính quyền Trung Quốc, tất nhiên là do virus Vũ Hán. Tới thời điểm này, đã có hơn 3.5 triệu trường hợp nhiễm virus và hơn 250 ngàn trường hợp tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới. Virus vẫn đang tiếp tục lây lan mà chưa thấy có kết thúc. Hơn nữa, có một sự đồng thuận – ít nhất là ở hầu hết các quốc gia dân chủ – như Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo nói vào ngày 3/5, “đảng Cộng sản Trung Quốc đã có cơ hội ngăn chặn tất cả những tai họa đang xảy ra trên thế giới. Nhưng thay vào đó, Trung Quốc đã hành xử theo cách các chế độ độc tài làm. Nó đã cố gắng giữ bí mật, che giấu và mập mờ. Nó sử dụng Tổ chức Y tế Thế giới như một công cụ để làm điều tương tự. Đây là những thứ đã gây ra cuộc khủng hoảng to lớn này, một sự mất mát to lớn về sinh mạng, và tổn thất kinh tế to lớn trên toàn cầu”.
Chỉ trích sự che đậy và thông tin sai lệch ban đầu của Trung Quốc dẫn đến bùng phát toàn cầu đã được đúc kết tại nhiều quốc gia không hài lòng với Trung Quốc về nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu đã đang tồn tại. Sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất thuốc và vật tư y tế cũng củng cố những nghi ngờ mạnh mẽ về toàn cầu hóa khi nó đã mang lại lợi ích rất lớn cho Trung Quốc. Các nhà ngoại giao và nhà báo “chiến lang” của PRC tấn công gay gắt bất cứ ai chỉ trích cách chính phủ Trung Quốc xử lý khủng hoảng, rằng họ chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ. Ngay từ ngày 3/3, Tân Hoa Xã đã đăng một bài bình luận đe dọa cấm vận Hoa Kỳ với các lô hàng vật tư y tế và một tương lai chứa đầy bệnh tật:
“Nếu Trung Quốc trả đũa Hoa Kỳ vào thời điểm này, ngoài việc tuyên bố cấm du lịch Hoa Kỳ, [TQ] cũng sẽ tuyên bố kiểm soát chiến lược đối với các sản phẩm y tế và cấm xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Rồi Hoa Kỳ sẽ chìm trong đại dương corona virus mới”.
Ngôn ngữ như vậy đã là một hồi chuông cảnh tỉnh. Như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và cựu ứng viên tổng thống, ông Mitt Romney đã viết trong một bài xã luận cho tờ Washington Post vào ngày 23/4:
“Nước Mỹ đang thức tỉnh đối với chính quyền Trung Quốc. Đại dịch covid-19 đã tiết lộ rằng, ở một mức độ lớn, sức khỏe của chúng ta nằm trong tay chính quyền Trung Quốc; từ thuốc điều trị đến khẩu trang y tế, chúng tôi đang phụ thuộc vào lòng thương xót của Bắc Kinh,… nhưng Trung Quốc siết cổ về dược phẩm chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược lớn của nó cho sự thống trị về kinh tế, quân sự và địa chính trị. Phản ứng của phương Tây phải mở rộng hơn nữa, [hơn là chỉ khắc phục sự phụ thuộc y tế của chúng ta] – nó sẽ đòi hỏi một chiến lược thống nhất giữa các quốc gia tự do để chống lại tham vọng thương mại của Trung Quốc và mối đe dọa của nó về an ninh chung”.
Hơn nữa, những doanh vụ bán hàng của PRC – mà nó gọi là “hàng cứu trợ” – bao gồm mặt nạ y tế, máy thở bị lỗi và các nguồn cung cấp khác cho các quốc gia như Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Hà Lan và Pakistan, chỉ khoét sâu thêm sự không tin tưởng và không hài lòng.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Thụy Điển, Úc và giám đốc điều hành Ủy ban châu Âu EU, trong số những nước khác, đã kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về cách thức virus bắt đầu. Ngược lại, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này sẽ chỉ thực hiện một “hậu đánh giá” khi đại dịch kết thúc.
Ngoài ra, Tổng thống Trump, các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và cả bang Missouri đã nói về việc tìm kiếm sự bồi thường thiệt hại từ phía chính quyền Trung Quốc. Những người khác đã nói về, và đang viết bài về, những gì có thể khả thi về mặt pháp lý. Trong khi đó, tờ báo nổi tiếng Bild của Đức đã đăng một bài viết trên trang nhất vào ngày 15/4 yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải trả cho Đức 148 tỷ euro cho những thiệt hại do virus Vũ Hán gây ra.
Vào ngày 17/4, cựu phó chủ tịch của Khu vực Châu Phi của Ngân hàng Thế giới đã viết một bài xã luận trên tờ Washington Post kêu gọi Trung Quốc xóa nợ hơn 140 tỷ đô la mà chính phủ, ngân hàng và nhà thầu của Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay từ năm 2007 đến năm 2017 để đền bù cho tác động nghiêm trọng mà virus Vũ Hán đang và sẽ tiếp tục gây ra ở Châu Phi.
Chính quyền Trung Quốc sẽ đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng
Mặc dù tôi nghi ngờ chính quyền Trung Quốc sẽ trả tiền bồi thường, nhưng chắc chắn nó sẽ tiếp tục đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, nếu không nói là thảm khốc, từ đại dịch. Chúng tôi biết rằng nhiều quốc gia hiện đã mất niềm tin vào chuỗi cung ứng tập trung ở Trung Quốc, và điều này gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc xem xét lại sản xuất ở đó. Gần như chắc chắn sẽ có luật pháp yêu cầu các công ty sản xuất các sản phẩm quan trọng rời khỏi nước này. Nhật Bản đã dành 2 tỷ đô la Mỹ cho gói kích thích kinh tế cho các công ty để đưa sản xuất trở lại Nhật Bản, theo báo cáo ngày 8/4 của Bloomberg. Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Thái Anh Văn năm 2016, các doanh nghiệp Đài Loan đã ngày càng đa dạng hóa năng lực sản xuất ở các nước khác.
Nhà báo chuyên mục Bưu điện Hoa Nam SCMP Cary Huang trong một bài bình luận ngày 3/5 cũng nhận thấy rằng “Một trong những hậu quả đáng lo ngại hơn của corona virus là nó có khả năng trở thành chất xúc tác cho việc xóa bỏ toàn cầu hóa… Trung tâm của điều này sẽ là sự tách rời giữa kinh tế Trung Quốc với các nền kinh tế phát triển, và đặc biệt là Hoa Kỳ. Ba nền kinh tế tự do lớn nhất thế giới – Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản – đều đang lên kế hoạch riêng để lôi kéo các công ty của họ ra khỏi Trung Quốc… Trung Quốc đã là người hưởng lợi lớn nhất khi sự phát triển kinh tế của nó đi đôi với toàn cầu hóa”. Là kết quả của toàn cầu hóa, Trung Quốc có thể chắc chắn sẽ trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất.
Ngoài việc toàn cầu hóa, chính quyền Trung Quốc còn là một trong những chủ nợ lớn nhất thế giới, và do hậu quả của đại dịch, hàng chục quốc gia đang phát triển mắc nợ Trung Quốc hiện đang phải đối phó với đại dịch sẽ khó có thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ của họ. chính quyền Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi cõng thêm gánh nặng nợ nần để kích thích nền kinh tế, nhưng cũng là vấn đề đau đầu để tìm kiếm bất cứ ai sẵn sàng mua lại nợ của chính quyền Trung Quốc tại thời điểm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này đang rớt xuống.
Khi phần còn lại của thế giới đang vật lộn với nền kinh tế đang suy yếu của mình, chính quyền Trung Quốc sẽ ngày càng khó bảo đảm nguồn khách hàng với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình.
Đài Loan, Virus và WHO
Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết định của WHO, sẽ tổ chức cuộc họp thường niên tại Geneva vào ngày 18/5. Đây có thể là một cuộc họp cực kỳ gây tranh cãi. Tất nhiên, một vấn đề chủ chốt sẽ là câu hỏi về sự tham gia của Đài Loan. Đài Loan tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên từ năm 2009 đến năm 2016, nhưng không được mời kể từ khi Tổng thống Thái nhậm chức. Trung Quốc cũng ngăn chặn sự tham gia của Đài Loan sau khi dịch SARS bùng phát năm 2003. EU, Nhật Bản, Canada, Úc và Hoa Kỳ đều kêu gọi Đài Loan tham gia WHO, trong khi Trung Quốc phản đối, thậm chí đưa cả vấn đề tham gia của Đài Loan vào chương trình nghị sự.
Một yếu tố quan trọng dẫn đến sự ưu ái mà toàn thế giới dành cho Đài Loan là thành công rực rỡ mà họ đã giành được trong việc kiểm soát đại dịch – chắc chắn là tốt nhất trong số các quốc gia phát triển trên thế giới. Hơn nữa, sự hào phóng của Đài Loan trong việc chia sẻ nguồn cung cấp y tế với các quốc gia khác, hệ thống y tế công cộng tuyệt vời và chuyên môn khoa học của họ trong việc đẩy lùi bệnh tật được công nhận rộng rãi. Ngoài ra, những cáo buộc sai trái về phân biệt chủng tộc mà Tổng Giám đốc WHO Tedros nhắm vào Đài Loan, và bằng chứng về các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc đối với người châu Phi sống và làm việc tại Trung Quốc, có thể khiến một số nước châu Phi ủng hộ Đài Loan.
Có thể sẽ có một trận chiến lớn tại WHA khi có yêu cầu của nhiều quốc gia về một cuộc điều tra ngay lập tức về vụ dịch. Hội nghị cũng sẽ phải giải quyết lời kêu gọi của Thủ tướng Úc Morrison thành lập một hệ thống thanh tra độc lập của WHO, tương đương với thanh tra vũ khí, với quyền truy cập vào một quốc gia để tiến hành điều tra ngay lập tức khi có bằng chứng về dịch bệnh.
Chính quyền Trung Quốc sẽ phản đối những đề xuất hợp lý này. Phản ứng ngay lập tức của đại sứ Trung Quốc tại Canberra trước lời kêu gọi một cuộc điều tra của thủ tướng Úc là đe dọa tẩy chay các sản phẩm của Úc và ngăn chặn dòng sinh viên Trung Quốc vào nước này. Chính quyền Trung Quốc bị buộc tội đã ngăn chặn và buộc sửa đổi một báo cáo nội bộ của Liên minh châu Âu nói rằng Trung Quốc đã truyền bá thông tin sai lệch nhằm loại bỏ cảm giác tội lỗi về vai trò của nó trong đại dịch.
Những sự phản đối liên tục như vậy để xác minh sự thật, sẽ tự nó là một lời nhắc nhở rằng, chính quyền Trung Quốc đang không muốn sự thật được biết đến. Nó cũng sẽ củng cố nhận thức ngày càng tăng trên toàn thế giới rằng chính quyền Trung Quốc chính là nguồn gốc, chứ không phải là giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.