Sau khi tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc – Sơn Đông đi vào hoạt động, khiến lượng máy bay chiến đấu J-15 biên chế cho hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc bị thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện đang có nhiều đồn đoán cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay chiến đấu một động cơ JL-9G cho các tàu sân bay.
JL-9 là máy bay huấn luyện chiến đấu được thiết kế chủ yếu để đào tạo các phi công điều khiển máy bay cao cấp của Trung Quốc, nhưng nó có khả năng tác chiến trong các nhiệm vụ cường độ thấp. JL-9 được xếp hạng thứ ba về khả năng chiến đấu trong số các máy bay huấn luyện trên thế giới. Theo Military Watch, máy bay có tốc độ leo 150m/s, tốc độ Mach 1,5 và trần bay 16km. Nó có thể mang cả tên lửa không đối không PL-8 và PL-9.
Quý Châu JL-9, còn được gọi là Sơn Ưng FTC-2000, là máy bay huấn luyện chiến đấu siêu âm hai chỗ ngồi do Công ty xuất nhập khẩu công nghiệp hàng không Quý Châu (GAIEC) phát triển cho không quân và Không quân Hải quân Trung Quốc. Dự án FTC-2000 bắt đầu như một liên doanh tư nhân của GAIEC để phát triển một máy bay huấn luyện rẻ tiền cho các dòng máy bay thế hệ thứ tư. Máy bay này đã đã được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không & Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc năm 2001. Máy bay được nói là được sản xuất tại dây chuyền lắp ráp GAIC ở An Thuận, Quý Châu. FTC-2000, với tên gọi JL-9, đã cạnh tranh với một máy bay khác là Hongdu JL-10 để đáp ứng các yêu cầu huấn luyện nâng cao của không quân và không quân hải quân Trung Quốc. JL-10 tiên tiến hơn về công nghệ, nhưng cũng đắt hơn so với JL-9. Năm 2013, cả hai đã đi vào sản xuất.
Giới chuyên gia nhận định, ưu điểm của JL-9/FTC-2000G là được trang bị động cơ mạnh mẽ, cho phép đạt tốc độ siêu âm, đi kèm với khả năng thao diễn khá linh hoạt và thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, vì vậy khi cần thiết nó hoàn toàn đủ khả năng đảm nhiệm vai trò của một chiếc chiến đấu cơ đích thực. Bên cạnh đó, truyền thông quốc tế cho rằng JL-9 đạt tốc độ cận âm để đào tạo lực lượng phi công phù hợp với tàu sân bay Type-002 mà Trung Quốc đang phát triển. Theo tờ South China Morning Post, máy bay JL-9 vốn đã được quân đội Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, để có thể dùng đào tạo cho phi công của tàu sân bay thì loại máy bay này cần được nâng cấp. Việc thay đổi sẽ giúp JL-9 có thể triển khai cùng bộ phóng máy bay được tích hợp trên tàu sân bay Type-002. Tuy nhiên, khả năng của nó vẫn còn kém hơn nhiều so với những máy bay chiến đấu hạng nặng trên tàu sân bay như J-15 và có nhiều ý kiến cho rằng JL-9G không phù hợp cho việc hạ cánh bằng móc hãm và bị giới hạn trong các hoạt động trên đất liền.
Bắt đầu được đóng vào năm 2018, tàu sân bay Type-002 của Trung Quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2021, nhưng Bắc Kinh chưa tiết lộ thời điểm hạ thủy, thử nghiệm và biên chế chính thức tàu này. Tuy nhiên, qua một số thông tin rò rỉ trước đó thì tàu sân bay Type-002 có độ choán nước khoảng 70.000 tấn và vẫn có thiết kế mũi hếch lên để máy bay cất cánh, và phải đến thế hệ tàu sân bay Type-003 thì Trung Quốc mới đặt mục tiêu mang thiết kế mũi tàu phẳng, đồng thời tích hợp bộ phóng máy bay tương tự các hàng không mẫu hạm của Mỹ hiện nay. Trước mắt, tàu sân bay Type-002 của Trung Quốc có thể sẽ mang theo dòng chiến đấu cơ J-15 mà nước này đang triển khai trên 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.
Hồi tháng 3, tờ Hoàn Cầu thời báo từng ám chỉ việc Bắc Kinh đang hướng đến mục tiêu sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình phiên bản dùng cho tàu sân bay. Qua đó, giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể đang phát triển thêm phiên bản tàu sân bay đối với dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-31 mà nước này đang thử nghiệm. Theo tờ South China Morning Post, trong kế hoạch đề ra, Trung Quốc dự kiến sở hữu 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. Mục tiêu này đòi hỏi Bắc Kinh phải chuẩn bị sẵn sàng khoảng 200 máy bay các loại, cùng hơn 500 phi công chuyên lái máy bay dành cho hàng không mẫu hạm.
Theo Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada), Trung Quốc đang quyết tâm xây dựng một lực lượng tàu sân bay nhằm đảm bảo cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích của nước này ở nước ngoài. Tất nhiên, về mặt dân sự thì tàu sân bay là khá cần thiết trong các hoạt động khẩn cấp đối với một nền kinh tế lớn và nhiều ảnh hưởng như Trung Quốc. Trong giai đoạn xảy ra Cách mạng Mùa xuân ở châu Phi, Trung Quốc phải dựa hoàn toàn vào tàu thương mại để sơ tán công dân khỏi các vùng bất ổn. Nếu có tàu sân bay thì có thể hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để Trung Quốc đẩy nhanh lực lượng tàu sân bay vẫn là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực Thái Bình Dương. Sau khi đầu tư lớn vào chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ, thì Trung Quốc phát triển mạnh vào tàu sân bay. Bên cạnh đó, như giới chuyên gia từng nhận định tàu sân bay cũng là công cụ quan trọng để Bắc Kinh theo đuổi tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.