Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM, 11/5) ra thông cáo cho biết hai máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và 4 máy bay ném bom chiến lược B-52 từ các căn cứ ở Mỹ được triển khai đồng thời tới châu Âu và các khu vực phụ trách của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo thông tin trên, Mỹ đã điều 6 máy bay ném bom chiến lược B-2 và B-52 tới châu Âu và Thái Bình Dương. STRATCOM cho biết đợt triển khai này nhằm “thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và năng lực vươn khắp toàn cầu của lực lượng máy bay ném bom chiến lược tầm xa”. Việc chủ động điều các máy bay ném bom chiến lược và máy bay hậu cần là minh chứng Mỹ đủ khả năng triển khai năng lực răn đe chiến lược với tính sát thương cao đến bất kỳ đâu trên thế giới. Mặc cho sự bùng phát của đại dịch COVID-19, Mỹ cam kết vẫn hoạt động trên mọi không gian (không phận, hải phận, đất liền, vũ trụ và không gian mạng) và sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh, đối tác. Tuy nhiên, STRATCOM không cho biết cụ thể về đường bay, cũng như khu vực hoạt động của 6 máy bay ném bom trên.
Trước đó, hai chiếc B-1B Lancer (10/5) đã bay diễn tập trên Biển Đông và một oanh tạc cơ B-1B (12/5) tham gia diễn tập chung cùng lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Đây các máy bay B-1B được Mỹ triển khai tới căn cứ Andersen trên đảo Guam từ hồi đầu tháng. Số B-1B Lancer xuất hiện ở hai khu vực này là phản ứng của Mỹ trước hàng loạt động thái mở rộng ảnh hưởng gần đây của Trung Quốc. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương khẳng định việc điều máy bay ném bom là nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Giới quan sát nhận định, hiện Mỹ vẫn đang duy trì bộ ba máy bay ném bom chiến lược bao gồm B-1B, B-2 và B-52. Các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ khi được tiếp liệu trên không, chúng có thể tấn công bất cứ nơi đâu trên thế giới. Với bộ ba máy bay ném bom chiến lược cực mạnh này, không quân Mỹ tiếp tục duy trì ưu thế trên không trước các đối thủ.
Được biết, B-1 Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cụp cánh xòe của Không quân Mỹ, sử dụng 04 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102, tốc độ bay tối đa lên đến 1.448 km/h và có khả năng mang tên lửa hành trình AGM-86B và tên lửa tấn công tầm ngắn AGM-69 cùng nhiều loại bom khác. Hiện tại, Không quân Mỹ đang sở hữu 67 chiếc Lancer, số máy bay này dự kiến sẽ hoạt động đến năm 2025. Phiên bản B-1A được phát triển vào đầu năm 1970, nhưng việc sản xuất hàng loạt đã bị hủy bỏ và chỉ có bốn nguyên mẫu được chế tạo. Năm 1980, dự án B-1 lại được để ý đến do nó được phát hiện có khả năng đánh bom xâm nhập thấp chớp nhoáng. B-1B đã được phê duyệt và bắt đầu phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ vào năm 1986. Các máy bay B-1B đầu tiên đã bắt đầu phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ như là một kiểu máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tốc độ cao. Vào những năm 1990, nó đã được chuyển đổi sang sử dụng ném bom thông thường. B-1 được sử dụng trong chiến đấu lần đầu tiên năm 1998 trong chiến dịch Cáo sa mạc. Nó tiếp tục hỗ trợ quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan và Iraq.
B-2 Spirit, do Northrop Grumman sản xuất, là loại máy bay ném bom đa nhiệm vụ được trang bị công nghệ tàng hình trang bị bom thông thường và bom hạt nhân. Chiếc máy bay ném bom này là một mốc quan trọng trong chương trình hiện đại hóa máy bay ném bom của Mỹ. B-2 áp dụng kỹ thuật tàng hình thế hệ 2 giúp loại máy bay này có thể thâm nhập qua các hệ thống tên lửa phòng không không được áp dụng công nghệ chống tàng hình. Sự pha trộn giữa kỹ thuật tàng hình và hình dáng khí động học cũng như khả năng chất tải lớn mang lại cho B-2 những ưu thế to lớn so với các loại máy bay ném bom trước đó. Tầm hoạt động của nó đạt xấp xỉ 6.000 hải lý (11.100 km) mà không cần tái nạp nhiên liệu, tính năng tàng hình khiến cho B-2 có khả năng hoạt động tự do hơn ở những độ cao lớn, nhờ thế tăng tầm hoạt động và có vùng quan sát tốt hơn cho các cảm biến gắn trên nó. Với Hệ thống hỗ trợ mục tiêu GPS (GATS) cùng với những quả bom hỗ trợ GPS như Vũ khí tấn công điều khiển chung (JDAM), nó có thể sử dụng radar APQ-181 để sửa các lỗi GPS về các mục tiêu và có độ chính xác cao hơn các loại vũ khí điều khiển laser với những quả bom trọng lực “câm” và một hệ thống hỗ trợ dẫn đường GPS “thông minh” gắn ở đuôi. Nó có thể ném bom 16 mục tiêu trong mỗi nhiệm vụ. Khả năng tàng hình của B-2 có được nhờ sự phối hợp giữa việc giảm thiểu tín hiệu âm thanh, hồng ngoại, điện từ, quang học và radar phát ra, khiến đối phương rất khó phát hiện, theo dõi và tiêu diệt. Nhiều đặc tính tàng hình vẫn được xếp vào hàng tối mật; tuy nhiên các vật liệu composite chế tạo B-2, đặc biệt và các lớp phủ và thiết kế kiểu cánh bay cũng góp phần tăng khả năng tàng hình của nó. B-2 có tổ lái hai người; một phi công ngồi bên trái và một chỉ huy ở bên phải, so với đội bay bốn người của B-1B và năm người của B-52. Hiện tại có 20 chiếc phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ.
Boeing B-52 Stratofortress (Pháo đài chiến lược) là máy bay ném bom chiến lược phản lực được Không quân Hoa Kỳ (USAF) sử dụng từ năm 1955, thay thế cho các kiểu Convair B-36 và Boeing B-47. Được chế tạo để mang vũ khí hạt nhân cho một cuộc Chiến tranh hạt nhân, nhưng nó chưa bao giờ thực hiện vai trò này trong thực tế, mà thay vào đó nó được dùng để thả các loại bom, tên lửa thông thường trong các cuộc chiến tranh. B-52 là chiếc máy bay ném bom có tầm bay xa không cần tiếp nhiên liệu dài nhất và mang được đến 27 tới 33 tấn (60.000 – 73.000 lb) vũ khí. Tầm bay rất xa ở tốc độ cận âm và chi phí vận hành tương đối rẻ đã duy trì chiếc B-52 trong phục vụ cho dù đã có những đề nghị để thay thế nó bằng kiểu máy bay siêu âm Mach 3 XB-70 Valkyrie, kiểu siêu âm B-1B Lancer, và kiểu tàng hình B-2 Spirit. Tổng cộng đã có 744 chiếc B-52 được chế tạo. Tính đến năm 2018, chỉ còn 75 chiếc B-52 tiếp tục phục vụ trong không quân Mỹ, số còn lại đã bị phá hủy trong chiến đấu, do tai nạn hoặc do bị tháo dỡ, một số ít thì được đưa vào bảo tàng.