Sau các sự kiện năm 2010 khi các công ty phát hành bản đồ như Google và Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic) chú thích sai đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đường biên giới Việt – Trung, dư luận người Việt trong và ngoài nước, các cơ quan chính phủ đã mạnh mẽ lên tiếng buộc hai công ty này phải đính chính lại những nội dung chưa phù hợp.
Tuy nhiên, đến nay lại xuất hiện tình trạng một số tổ chức phát hành bản đồ trực tuyến có uy tín khác trên thế giới là Yahoo và Wikimapia tiếp tục đưa các hình ảnh, chú thích sai lệch đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Khi truy cập vào trang bản đồ trực tuyến của hãng Yahoo tại địa chỉ www.maps.yahoo.com, di chuyển đến khu vực quần đảo Trường Sa, có thể dễ dàng nhận thấy tại vị trí một số đảo trên khu vực này đều có ghi chú là “Nansha Qundao” (phiên âm tiếng Trung Quốc, dịch sang tiếng Việt là Quần đảo Nam Sa) là cách Trung Quốc gọi tên quần đảo này (hình 1).
Hình 1: Yahoo đã sai sót trong việc ghi chú các đảo ở Trường Sa là Nansha Qundao
Đối với bản đồ Wikimapia tại địa chỉ www.wikimapia.org, mặc dù trên bản đồ chỉ chú thích hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Paracel và Spratly song nếu vào mục tìm kiếm và lần lượt điền hai từ khóa là Paracel và Spratly vào thì có thể thấy sai sót của bản đồ này là rất nghiêm trọng. Từ khóa tìm kiếm Paracel trả lại kết quả là hàng loạt các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa như Đá Lồi, đảo Quang Hòa, đảo Duy Mộng, đảo Hữu Nhật, đảo Phú Lâm và Nhóm Bảy Chị Em đều có ghi chú phía dưới là thuộc thành phố Wanning, Trung Quốc (hình 2). Trong khi đó, từ khóa Spratly trả lại kết quả là các đảo Song Tử Đông, Song Tử Tây, Ba Bình, Bình Nguyên… đều có chú thích là thuộc về Phillipines. Xét về góc độ khoa học thì cách chú thích như trên của Wikimapia là không thể chấp nhận được (hình 3).
Hình 2: Kết quả tìm kiếm trên trang Wikimapia với từ khóa Paracel
Hình 3: Kết quả tìm kiếm trên trang Wikimapia với từ khóa Spratly
Cần nhấn mạnh một điều là mặc dù các bản đồ nêu trên hoàn toàn không có ý nghĩa pháp lý song lại làm cho nhiều người hiểu sai bởi đây là nguồn tham khảo đối với hàng triệu người sử dụng Internet trên toàn thế giới. Từ kinh nghiệm rút ra sau sự kiện Google và National Geographic phát hành bản đồ thế giới có nội dung sai liên quan đến đường biên giới Việt – Trung và quần đảo Hoàng Sa, bài viết này mong muốn sẽ đóng góp một phần tiếng nói để dư luận người Việt cả trong và ngoài nước biết và cùng lên tiếng để Yahoo và Wikimapia điều chỉnh lại cho đúng sự thật.
Sơn Hà