Việc Trung Quốc bất chấp sự phản đối của các nước và luật pháp quốc tế để đưa trái phép máy bay do thám KJ-500, KQ-200 và trực thăng Z-8 ra đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là nhằm chuẩn bị thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Tăng cường năng lực trinh sát
Hãng ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel công bố ảnh chụp đề ngày 9/5 cho thấy các máy bay do thám KJ-500 và KQ-200, cùng một trực thăng Z-8 của Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. ISI cho biết các máy bay này, thuộc loại thu thập tình báo, giám sát và do thám (ISR), được đưa ra khỏi kho chứa và đậu ở bên ngoài “trong kế hoạch tăng cường sự sẵn sàng của Trung Quốc để đối phó với hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực”. ISI cũng cho biết nhà chứa máy bay gần đường băng trên Đá Chữ Thập đã được lắp đặt máy điều hòa không khí, một dấu hiệu cho thấy việc sẵn sàng tiếp nhận máy bay quân sự ra đồn trú.
Máy bay trinh sát điện tử KQ-200 (hay còn được gọi là Y-8Q) một loại máy bay chuyên dụng của không quân hải quân Trung Quốc. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2011 và sản xuất loạt từ năm 2015. Máy bay được chế tạo dựa trên chiếc máy bay vận tải Y-8 ( phiên bản An-12 của Trung Quốc), với tầm bay hơn 5000km và có thể bay liên tục trong 10 tiếng. Các máy bay được trang bị một radar tìm kiếm bề mặt (ở dưới mũi), thiết bị cảm biến điện từ (dưới thân) và thiết bị tìm kiếm tín hiệu từ trường (ở đuôi máy bay). Các máy bay này sẽ đảm đương trọng trách trinh sát, cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và thu thập dữ liệu tình báo. KQ-200 cũng được trang bi vị trí để có thể mang theo các phao thủy âm và có thể mang theo cả ngư lôi chống ngầm. Một số tin đồn còn cho rằng nó còn có thể mang theo 4 tên lửa chống hạm YJ-83K tuy nhiên vẫn chưa được kiểm chứng.
Máy bay chỉ huy cảnh báo sớm KJ-500 là loại máy bay cảnh báo sớm mới nhất do Trung Quốc chế tạo. Máy bay được phát triển dựa trên máy bay vận tải Y-9, lần đầu tiên nó ra mắt là vào năm 2014. Máy bay được trang bị bốn động cơ cánh quạt cho phép nó có thể đạt vận tốc tối đa 550km/h và tầm bay 5700km, có thể hoạt động liên tục trong tối đa 12h. Máy bay được thiết kế với một Radar ở trên lưng, với khoảng cách phát hiện máy bay khác trong tối đa 470km. Nhưng đối với các loại máy bay tàng hình thì khoảng cách phát hiện sẽ ngắn hơn. Đây chính là khắc tinh của những loại máy bay tàng hình hiện nay như F-35, F-22, Su-57,… Không những sở hữu radar mạnh mẽ, tải trọng của KJ-500 cũng vô cùng ấn tượng. Trọng lượng cất cánh tối đa lên đến 77 tấn, ấn tượng hơn cả C-130 Hercules của Hoa Kỳ chỉ có trọng lượng cất cánh tối đa hơn 70 tấn.
Chuẩn bị thiết lập ADIZ
Ông Yen Te-fa – lãnh đạo Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, dù đến thời điểm này Trung Quốc vẫn chưa thông báo chính thức. Thực ra thông tin Trung Quốc định lập ADIZ đã râm ran trên truyền thông từ giữa năm 2016. Theo thông tin từ truyền thông thì vùng ADIZ mà Trung Quốc định lập sẽ bao gồm vùng trời trên vùng biển đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
Truyền thông Đài Loan cũng đưa ra cảnh báo tương tự, cho rằng việc Trung Quốc đưa máy bay ra Trường Sa có thể là dấu hiệu Bắc Kinh chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự hành động đơn phương năm 2013 trên biển Hoa Đông. Cùng quan điểm trên, chuyên gia phân tích chính của chuyên san quốc phòng Anh Sean O’Connor cho rằng việc phi cơ tuần thám Trung Quốc được phát hiện trên Đá Chữ Thập hai lần trong vòng một tháng có thể là dấu hiệu là Trung Quốc bắt đầu cho đặt căn cứ không quân trên Đá Chữ Thập.
Trong khi đó, Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng KJ-500 là dòng máy bay quân sự cho phép Bắc Kinh dễ dàng nhận diện máy bay hoặc tàu chiến nổi từ xa. Thậm chí, loại máy bay này còn có thể phát hiện tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp. Khi được triển khai ở bãi đá Chữ Thập thì KJ-500 có thể hoạt động rộng khắp, ngay cả vùng ngoài rìa của Biển Đông, để Trung Quốc dễ dàng kiểm soát cả một khu vực rộng lớn. Bên cạnh đó, máy bay KJ-500 có thể giúp hải quân Trung Quốc “che giấu” các tàu ngầm hoạt động trong vùng biển. Ông Nagao phân tích và cảnh báo “không chỉ sử dụng cho công tác phòng thủ, loại máy bay này còn có thể được triển khai hỗ trợ tấn công, nên sẽ trở thành mối đe dọa cho các quốc gia xung quanh Biển Đông”.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh triển khai máy bay săn ngầm KQ-200 đến bãi đá Chữ Thập, là một động thái nhằm kiểm soát khu vực bên dưới mặt nước, cụ thể là hậu thuẫn để tàu ngầm Trung Quốc có thể nắm thông tin tàu ngầm của các nước khác trong khu vực. Điều này nhằm điều động tàu ngầm đến khu vực phục vụ cho mưu đồ độc chiếm vùng biển, hình thành một vành đai tàu ngầm, thậm chí có thể mang theo cả tên lửa hạt nhân. Để có thể bảo vệ tàu ngầm của Trung Quốc, Bắc Kinh muốn giám sát được tàu ngầm các nước khác, vì một trong các khắc tinh của tàu ngầm cũng chính là tàu ngầm.
Thực tế thời gian qua, nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang âm mưu điều động tàu ngầm hoạt động mạnh mẽ ở Biển Đông. Bên cạnh đó, như đã nói, theo hình ảnh của ISI thì còn có cả trực thăng tác chiến đa nhiệm Z-8. Đây là loại trực thăng được nhiều loại tàu chiến cũng như tàu hải cảnh Trung Quốc mang theo. Trực thăng Z-8 được trang bị nhiều loại tên lửa tấn công tàu chiến hoặc ngư lôi dùng để tấn công tàu ngầm. Loại trực thăng này có thể được triển khai tác chiến khẩn cấp đến các vùng biển xung quanh căn cứ của Trung Quốc. Do đó, khi triển khai Z-8 cùng với các loại máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay săn tàu ngầm KQ-200, thì đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang muốn thiết lập một vành đai kiểm soát toàn diện từ tầm xa đến tầm gần, cả trên mặt nước lẫn trong lòng biển.
Phản ứng cứng rắn của Việt Nam
Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (14/5) khẳng định: “Về thông tin hình ảnh máy bay do thám của Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tôi xin khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Nhìn chung, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp trong lãnh hải được thành lập dựa trên UNCLOS. Nếu Trung Quốc ngang nhiên lập ADIZ ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, an ninh và lợi ích của Việt Nam ở trong khu vực. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước có lợi ích ở Biển Đông cũng sẽ “không để yên” cho Trung Quốc tự ý thiết lập ADIZ ở Biển Đông.