Tiếp sau hàng loạt chính trị gia lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, Cao ủy Australia tại Ấn Độ Barry O’Farrell đã bày tỏ lo ngại về hành vi quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, trong đó lên án mạnh mẽ thái độ và cách hành xử của Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn tờ Economic Times của Ấn Độ hôm 18/5, Cao ủy Barry O’Farrell cho rằng “Tàu chiến và máy bay Australia sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông và ủng hộ các nước khác có hành động tương tự”. Ông lo ngại về hành vi quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.
Ông O’Farrell cho rằng có nhiều quan ngại về những hành động “cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác”, cùng việc sử dụng tàu hải cảnh và tàu dân binh phục vụ cho các hoạt động “nguy hiểm và mang tính bắt nạt”. Ông hối thúc các bên có những động thái ý nghĩa để hạ nhiệt căng thẳng, xây dựng lòng tin thông qua đối thoại.
Theo ông, các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế, bởi bất cứ hành động mang tính bắt nạt hay cưỡng ép nào cũng có thể dẫn tới leo thang tình hình. Bình luận được quan chức Australia đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19.
Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh, tàu dân binh hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan West Capella của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Việt Nam và các nước kiên quyết phản đối các hành động phi pháp này của Trung Quốc, đồng thời đề nghị các nước tuân thủ quy định liên quan của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông. Hải quân Mỹ trong tháng 4 đã triển khai nhiều tàu chiến duy trì hiện diện và tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Tàu chiến Mỹ và Australia cũng đã tiến hành cuộc diễn tập chung ở khu vực gần tàu khoan West Capella.
Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, khẳng định Mỹ “cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”, kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt kiểu bắt nạt các nước Đông Nam Á trong hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt và đánh bắt hải sản. Sinh kế của hàng triệu người dân trong khu vực này phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đó”.
Giới chuyên gia Đông Nam Á nhận định các thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang từng bước hướng tới một lập trường chung và nhất quán hơn để phản đối Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng, trong đó đáng chú ý là cùng là tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi tháng 7/2016. Điều này cho thấy sự cần thiết phải thống nhất lập trường chung giữa các thành viên ASEAN để tạo thành một nền tảng trong xử lý vấn đề Biển Đông với Trung Quốc trong tương lai.
Việc ngày càng nhiều các quan chức, lãnh đạo các nước thể hiện quan điểm bất bình trước chính sách và hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó cho thấy dư luận đang đứng về luật pháp và các chuẩn mực trong ứng xử quốc tế và trách nhiệm của các quốc gia nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Nếu các nước để Trung Quốc “tự tung tự tác” ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ áp dụng cách hành xử như vậy với tất cả các nước khác trên thế giới. Bởi vậy, các nước cần đề cao trật tự dựa trên luật lệ, điều mang lại lợi ích chung cho cộng đồng quốc tế.