Sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Australia đe dọa “người Trung Quốc tẩy chay sinh viên, du khách và hàng hóa Australia” vì theo đuổi điều tra độc lập về đại dịch Covid-19, khiến chính quyền Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ phải xem xét lại chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn báo Australian Financial Review, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp (27/4) thẳng thừng tuyên bố Bắc Kinh nghĩ chính phủ Thủ tướng Scott Morrison “có động cơ chính trị” trong việc kêu gọi điều tra quốc tế về dịch bệnh, nghe theo lời của “một số thế lực ở Washington”; cho rằng chiến dịch của ông Morrison đã bị người Trung Quốc nhìn nhận không tốt và có thể dẫn đến các hệ lụy về kinh tế. Đáng chú ý, ông Thành Cạnh Nghiệp đe dọa: “Cha mẹ của các học sinh cũng sẽ nghĩ liệu nơi mà họ thấy là không thân thiện, thậm chí thù địch này có phải là nơi tốt nhất để gửi con họ tới hay không. Công chúng sẽ là người quyết định. Có thể người dân bình thường sẽ nói ‘Tại sao chúng ta lại uống rượu Australia? Ăn thịt bò Australia?”
Không chỉ đưa ra đe dọa, Chính phủ Trung Quốc (18/5) thông báo áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với tổng mức thuế 80,5% đối với sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Australia trị giá hàng tỷ USD mỗi năm. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, một cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2018 đã đưa ra kết luận, Australia đã bán phá giá và gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp nội địa của nước này. Theo Bộ này, mức thuế chống bán phá giá 73,6% sẽ được áp dụng đối với tất cả các công ty, trong đó có bốn nhà xuất khẩu lúa mạch là Iluka Trust, Kalgan Nominees Pty Ltd, JW & JI Mcdonald & Sons và Haycroft Enterprises, cũng như mức thuế chống trợ cấp là 6,9%. Hai loại thuế quan trên đối với lúa mạch sẽ được áp dụng ngay từ ngày 19/5 và có hiệu lực trong vòng 5 năm. Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu vào khoảng 1,5-2 tỷ AUD (tương đương 800 triệu-1,3 tỷ USD) mỗi năm, chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu lúa mạch của Australia. Lúa mạch xuất khẩu được sử dụng trong sản xuất bia và làm thức ăn chăn nuôi.
Theo nhận định của giới nghiên cứu, sự phụ thuộc chiến lược đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu quan trọng khiến Australia dễ bị tổn thương từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19. Hơn một thập kỷ trôi qua, sự phụ thuộc của Australia vào Trung Quốc dần dần được coi là chứa đựng nhiều rủi ro hơn thay vì lợi ích. Trao đổi thương mại hai chiều hàng năm với Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại toàn cầu của Australia và nhiều loại hàng hóa chiến lược cũng phụ thuộc vào thị trường này đang khiến nền kinh tế Australia rất dễ tổn thương trong trường hợp xảy ra gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc. Báo điện tử Người Australia (21/5) trích dẫn kết quả một nghiên cứu mới của Hội Henry Jackson cho thấy, tình trạng phụ thuộc chiến lược vào chuỗi cung ứng nước ngoài của các quốc gia thành viên Nhóm Five Eyes là đáng báo động. Trong số năm thành viên của Liên minh tình báo gồm: Australia, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand, Australia phụ thuộc chiến lược nhiều nhất vào Trung Quốc, với gần 600 loại hàng hóa, trong khi con số của Mỹ là 414 và của Anh là 229.
Nghiên cứu cho thấy, Australia phụ thuộc 167 loại hàng hóa quan trọng vào thị trường Trung Quốc, trong đó có 35 loại sản phẩm thiết yếu được sử dụng cho các công nghệ và quy trình của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Truyền thông Australia cũng dẫn lời ông Andrew Hastie, Chủ tịch Ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội nước này cho biết, mối đe dọa thương mại từ Trung Quốc đã tồn tại từ trước cuộc khủng hoảng Covid-19. Và sự phụ thuộc chiến lược đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu quan trọng khiến Australia dễ bị tổn thương từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và các biện pháp trả đũa kinh tế. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, trong năm 2019, tổng trao đổi thương mại hai chiều của nước này với Trung Quốc đạt gần 213 tỷ AUD, chiếm gần 31% tổng trao đổi thương mại toàn cầu của Australia và Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Australia trong nhiều năm trở lại đây.
Giới chuyên gia nhận định, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để trả đũa về chính trị là cách thức hành động của Trung Quốc. Đây là cách họ gây ảnh hưởng và đây là một loại bình thường mới. Bên cạnh đó, đây không phải lần đầu Trung Quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế để trừng phạt các đối tác thương mại. Năm 2017, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc tẩy chay không chính thức đối với ngành du lịch Hàn Quốc, sau khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa trên đất của họ. Cuộc tẩy chay gây thiệt hại ước tính 7.500 tỷ won (6,7 tỷ USD), trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm đó. Các cửa hàng Lotte Mart cũng bị buộc phải đóng cửa tại Trung Quốc. Chuyên gia Malcolm Davis, nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng, đối với Australia, những diễn biến gần đây là “lời cảnh báo” về sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc; Australia sẽ cần nghiêm túc nhìn lại các lỗ hổng do sự phụ thuộc quá mức vào các chuỗi cung ứng ở xa, đặc biệt là các chuỗi xuất phát từ Trung Quốc. Điều này có dẫn đến việc tách khỏi các chuỗi cung ứng đó hay không? Chuyện đó sẽ phụ thuộc vào mức độ Australia có thể thay thế nguồn cung Trung Quốc bằng lựa chọn tương tự ở các nước khác, và mức độ Australia có thể tăng cường khả năng phục hồi thông qua việc thúc đẩy sản xuất trong nước.
Được biết, Chính phủ Australia đã kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh, cũng như cải tổ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt nói một cuộc điều tra độc lập sẽ phục vụ lợi ích của cả nước này và thế giới. Cho đến nay, Canberra vẫn giữ vững lập trường về cuộc điều tra, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ muốn vướng vào một cuộc thương chiến với đối tác thương mại lớn nhất của mình. Vì thế, họ đã kiềm chế việc trực tiếp cáo buộc Bắc Kinh trả đũa kinh tế.