Sunday, October 6, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhi các cường quốc tìm cách tăng cường hiện diện ở Bắc...

Khi các cường quốc tìm cách tăng cường hiện diện ở Bắc Cực

Khu vực Bắc Cực rộng lớn có vị trí địa chiến lược quan trọng và có nguồn tài nguyên phong phú đang trở thành một trong những điểm nóng mới trong cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc.

Trung Quốc lại trở thành “quốc gia cận Bắc Cực”

Xét về vị trí địa lý, Trung Quốc là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Á, cách rất xa mới có thể đến được Bắc Cực. Tuy nhiên, với lòng tham của mình, Trung Quốc đang tìm mọi cách để biến mình trở thành “quốc gia cận Bắc Cực” – một khái niệm mới mà chỉ có người Trung Quốc mới nghĩ ra.

Theo đó, năm 2018, Trung Quốc công bố chính sách Bắc Cực, tự nhận là “một quốc gia cận Bắc Cực” bất chấp khoảng cách địa lý, đồng thời công khai ý định tham gia vào các vấn đề trong khu vực như một “cổ đông lớn”. Trong hàng thập kỷ qua, Bắc Kinh gia tăng hoạt động đáng kể ở Bắc Cực, kể cả nghiên cứu và thương mại, với hy vọng tận dụng các tuyến đường tắt vận chuyển hàng hóa toàn cầu cũng như các nguồn tài nguyên đang dần lộ ra vì biến đổi khí hậu. Bắc Kinh thậm chí đổi tên nhiều tuyến đường hàng hải nơi đây thành “Con đường Tơ lụa Bắc Cực”, liên kết với các hoạt động khác trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở lục địa Á – Âu và Bắc Mỹ. Việc Trung Quốc tự xưng là “quốc gia cận Bắc Cực” bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, bởi họ không có lịch sử khám phá khoa học trong khu vực hay biên giới địa lý.

Theo nhận định của giới nghiên cứu, ngoài việc nhòm ngó về tài nguyên, địa chiến lược ở Bắc Cực, Trung Quốc còn đang tìm cách biến khu vực này trở thành địa điểm hoạt động quân sự sự trong tương lại. Cuối năm 2019, Đan Mạch cùng các cơ quan tình báo quốc phòng của nhiều nước khác cảnh báo quân đội Trung Quốc (PLA) đang sử dụng chương trình nghiên cứu tại Bắc Cực vì “mục đích kép”, ám chỉ các cơ sở nghiên cứu khoa học của nước này trong khu vực có thể phục vụ ý đồ quân sự.

Nga đã quay trở lại

Vào những năm 1990, quy mô của hầu hết các đơn vị quân đội Nga đồn trú tại Bắc cực đều bị thu hẹp. Về cơ bản, không có sự hiện diện của quân đội dọc theo bờ biển trải dài từ Murmansk đến Chukotka. Nga đã mất kiểm soát phần lớn khu vực rộng lớn này. Hiện nay, Nga đang quay trở lại đầu tư vào Bắc Cực với việc sử dụng các giải pháp công nghệ mới để củng cố cho các tuyên bố của mình. Các lực lượng vũ trang Nga đang gia tăng nhanh chóng tiềm lực quân sự và sự hiện diện tại Bắc cực. Moscow có hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới tại đây và hiện giờ đang đẩy mạnh xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay, cải thiện hệ thống hỗ trợ trên không, hệ thống bảo vệ phòng không và nâng cấp radar.

Nhưng không chỉ có Nga, các quốc gia khác ở vùng Bắc cực cũng tham gia vào cuộc chạy đua. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu những xung đột về lợi ích trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn hay không. Trên thực tế, có nhiều bất đồng giữa các nước ở khu vực Bắc cực vào thời điểm hiện tại và một số bất đồng đó tiềm ẩn những nguy hiểm. Cần phải lưu ý rằng, ranh giới giữa các vùng đặc quyền kinh tế ở Bắc cực vẫn chưa được xác định rõ ràng do sự mơ hồ của một số điều khoản trong luật pháp quốc tế và điều này đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau cũng như làm nảy sinh nhiều bất đồng.

Vấn đề quan trọng tiếp theo tại Bắc cực là sự tranh cãi về chủ quyền của các quốc gia đối với “hành lang Đông Bắc” (NEP) hay tuyến đường biển phương Bắc theo cách gọi của Nga. Tuyến đường này đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận với tàu thuyền thương mại do lớp băng bề mặt tan dần. Thời gian gần đây, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng hạn chế sự hiện diện của Nga và thúc đẩy ý tưởng biến NEP thành một tuyến đường quốc tế, phản đối việc biến tuyến đường này thành một phần thuộc cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia của Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tìm cách tăng cường hoạt động tại Bắc cực. Một trong những chiến lược được Mỹ sử dụng là triển khai một số lượng lớn các đơn vị bảo vệ bờ biển trong khu vực. Về phía Nga, Moscow cho rằng nước này có chủ quyền đối với NEP, vốn chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của họ và bất cứ tàu thuyền nào muốn sử dụng tuyến đường này cũng cần phải có sự cho phép của Moscow. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, lập trường của Nga đối với NEP chưa thực sự thuyết phục, đôi khi vẫn xuất hiện một số cáo buộc cho rằng Moscow vi phạm luật hàng hải quốc tế, đi ngược lại với quy tắc sử dụng biển và đại dương một cách hòa bình.

Mỹ và NATO không bỏ qua

Tạp chí The Economist của Anh (11/5) ra báo cáo “Mỹ, Anh và Nga diễn tập Chiến tranh Lạnh ở Bắc Cực”, nội dung nhấn mạnh, biển Barents không phải là một nơi “dễ chịu”, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một tàu ngầm ở Anh được điều đến để trinh sát vùng biển này và đã báo cáo rằng, vùng biển này bị bao phủ bởi tuyết và băng giá trong nhiều giờ liền. Đây là một “khối băng” khổng lồ và không có gì đáng ngạc nhiên khi các tàu chiến Mỹ không đặt chân đến vùng biển này kể từ giữa những năm 1980. Tuy nhiên, gần đây, các tàu chiến Mỹ đã quay trở lại Biển Barents như một phần trong kế hoạch của Hải quân NATO để tiến dần về phía Bắc. Năm 2018, NATO đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh ở Na Uy – cuộc tập trận mang tên Trident Juncture, Thụy Điển và Phần Lan cũng tham gia cuộc tập trận này. Đây là lần đầu tiên sau 30 năm Mỹ điều một tàu sân bay tiếp cận khu vực Bắc Cực, sau đó, các tàu chiến phương Tây thường xuyên ghé thăm Bắc Cực.

Vào ngày 1/5, hai tàu khu trục, một tàu ngầm hạt nhân, tàu tiếp tế và máy bay tuần tra hàng hải tầm xa của Hải quân Mỹ đã hình thành một “lữ đoàn chiến đấu mặt nước”, cùng một tàu khu trục của Hải quân Anh đã tiến hành diễn tập nâng cao các kỹ năng chống ngầm ở biển Na Uy. Cuộc tập trận này không có gì bất thường, tuy nhiên, sau đó vào ngày 4/5, một số tàu chiến trong số này cùng một khu trục hạm khác và tiếp tục đi về phía bắc vào Biển Barents. Mặc dù các tàu ngầm của Mỹ và Anh vẫn thường ẩn nấp trong môi trường xung quanh, bí mật trinh sát các cơ sở quân sự của Nga và do thám các cuộc tập trận của Nga, nhưng các tàu mặt nước đã không làm như vậy trong 20 – 30 năm trở lại đây.

Động thái của NATO có ý nghĩa quan trọng, việc điều động các tàu khu trục với hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến và tên lửa hành trình tấn công đối đất mạnh mẽ đã tạo ra khả năng răn đe rất lớn đối với Nga, biển Barents là “trái tim” của sức mạnh Hải quân Nga bao gồm cả vũ khí hạt nhân phóng từ tàu ngầm. Hạm đội phương Bắc của Nga đóng quân ở Severomorsk trên bán đảo Kola, phía tây là biên giới phía bắc với Na Uy.

Ngoài ra, Bắc Cực ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chính sách quốc phòng của NATO. Trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường sức mạnh của Hạm đội phương Bắc, bổ sung các thiết bị phòng không, kho vũ khí tên lửa và mở rộng quy mô Hạm đội này. Michael Coffman thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ cho biết, mặc dù số lượng tàu ngầm Nga không bằng Mỹ, nhưng tàu ngầm Nga ngày càng trở nên “bận rộn” ở Bắc Cực.

RELATED ARTICLES

Tin mới