Mỹ dự định phóng 150 vệ tinh có thể theo dõi vũ khí siêu thanh trong quỹ đạo từ 2024 nhằm hỗ trợ Lầu năm Góc kiểm soát tài sản trong vũ trụ và theo sát hoạt động của các nước đối thủ.
Cơ quan Phát triển Vũ trụ Mỹ (SDA) đã đề xuất tìm kiếm một nhà thầu thiết kế và sản xuất 8 vệ tinh có cảm biến theo dõi được vũ khí siêu thanh. Mục tiêu của cơ quan này là sở hữu hàng trăm vệ tinh hoạt động quỹ đạo thấp. Trong 2 năm tới, SDA dự kiến bổ sung thêm những vệ tinh tiên tiến hơn. Trong khi đó, Cơ quan Phòng vệ Tên lửa Mỹ (MDA) vào tháng 2 cũng đã đề nghị tìm kiếm nhà thầu có thể thiết kế và sản xuất tên lửa đánh chặn phòng vệ trước mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh.
Trước đó, chứng kiến năng lực siêu thanh vượt bậc của Nga và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai khoảng 12 chương trình nhằm đối phó vũ khí siêu thanh. Cơ quan các dự án nghiên cứu tiên tiến thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) đã giới thiệu dự án vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh mang tên Glide Breaker. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, thiết bị bay này sẽ hoạt động như một viên đạn, hạ gục tên lửa siêu thanh của đối phương bằng động năng của chính nó.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo, trong đó yêu cầu khoản tiền 2,6 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm. Khoản tiền này nằm trong gói ngân sách 7,5 tỷ USD dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ quốc phòng mới của Mỹ. Chương trình vũ khí siêu vượt âm của Mỹ đặt mục tiêu chế tạo thêm các mẫu thử nghiệm cho không quân, phát triển các phiên bản tên lửa siêu vượt âm phóng từ chiến hạm và đất liền. Bên cạnh chương trình vũ khí siêu vượt âm, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn đầu tư nhiều cho các chương trình phát triển vũ khí thế hệ mới.
Theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, “với đề xuất cho nghiên cứu và phát triển lớn nhất trong vòng 70 năm qua, ngân sách mang tính chiến lược này bao gồm những khoản đầu tư cần thiết cho công nghệ thế hệ mới, tên lửa, năng lực tác chiến trong vũ trụ và trên không gian mạng”. Bản đề xuất này dành 3,7 tỷ USD cho chương trình phát triển hệ thống tự động và không người lái như robot quân sự hoặc máy bay không người lái (UAV), 1,2 tỷ USD còn lại được chia cho chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển năng lượng định hướng như pháo laser trong tổ hợp phòng thủ tên lửa thế hệ mới.
Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch triển khai hệ thống vệ tinh chuyên phát hiện vũ khí siêu âm. Phát biểu trong cuộc điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách John Rood (4/4) cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch triển khai vệ tinh cảm biến giá rẻ trên quỹ đạo nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa siêu vượt âm và theo dõi chúng. Quan chức này không cung cấp thông tin chi tiết về phương án đánh chặn loại vũ khí này, cho biết quỹ đạo bay của nó rất phức tạp và gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa, tiết lộ quân đội Mỹ đang nghiên cứu giải pháp “tác động đến mục tiêu trong hành trình”. Trong phiên điều trần dành cho các yêu cầu ngân sách quân sự, ông Rood đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển “hệ thống phòng thủ chống tên lửa vượt siêu âm”. Nguyên nhân là vì cả Nga và Trung Quốc đều đang phát triển vũ khí tinh vi, bao gồm cả vũ khí vượt siêu âm. Quan chức quốc phòng Mỹ cũng đồng thời lưu ý rằng các tên lửa như vậy có khả năng cơ động trong bầu khí quyển nên chúng cực kỳ nguy hiểm và khó đánh chặn.
Không những vậy, Mỹ và Nhật Bản cũng đã cùng phát triển radar đối phó tên lửa siêu vượt âm. Theo đó, radar mới sẽ hạn chế điểm mù trong lá chắn tên lửa Aegis, tăng khả năng đối phó với mối đe dọa từ tên lửa siêu vượt âm. Dự án hợp tác này dường như cũng giúp củng cố quan hệ liên minh giữa Tokyo và Washington. Hệ thống radar mới sẽ thay thế tổ hợp AN/SPQ-9B trên tàu chiến Mỹ và Nhật Bản, vốn có nhiều điểm mù và không thể theo dõi cùng lúc khoảng không gian 360 độ xung quanh. Giới quan sát tỏ ý lo ngại quyết định này sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực Đông Á, cũng như giữa các cường quốc trên thế giới. Nhật Bản gần đây có nhiều động thái tăng cường sức mạnh quân sự và rời xa chính sách tập trung phòng thủ, điển hình là hoán cải khu trục hạm trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay và trang bị tên lửa hành trình tầm xa cho phi đội siêu tiêm kích F-35. Tàu chiến trang bị hệ thống Aegis của Mỹ và Nhật Bản thường được trang bị hai cụm radar nhằm đối phó với các mối đe dọa khác nhau. Các đài radar AN/SPY-6 cố định chuyên phát hiện mục tiêu tầm cao như tên lửa đạn đạo, trong khi tổ hợp AN/SPQ-9B đặt trên bệ xoay sẽ theo dõi mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình và tiêm kích.
Chuyên gia He Qisong tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải đánh giá kế hoạch vệ tinh sẽ giúp quân đội Mỹ theo dõi những vũ khí được phát triển bởi hai đối thủ then chốt là Trung Quốc và Nga. Mạng lưới 150 vệ tinh là một phần thuộc kế hoạch của Mỹ để phóng hơn 42.000 vệ tinh lên quỹ đạo và theo dõi mọi thứ, bao gồm vũ khí siêu thanh, tên lửa chống vệ tinh và những công nghệ tiên tiến khác mà Nga và Trung Quốc sở hữu. Theo ông He Qisong, với hỗ trợ từ mạng lưới vệ tinh theo dõi của SDA, MDA sẽ có thêm cơ hội đánh chặn và hạ mọi vũ khí do Trung Quốc và Nga phóng đến. Ngoài ra, chuyên gia Trung Quốc này cho rằng SDA có thể hợp tác với SpaceX và điều này hỗ trợ Cơ quan Tên lửa Quốc phòng xây dựng hệ thống đánh chặn vũ khí. Bên cạnh đó, hệ thống vệ tinh SDA có thể nằm trong chiến lược phòng thủ tên lửa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ năm 2019, kế hoạch có hơi hướng giống với dự án phòng không Star Wars do Tổng thống thứ 40 Ronald Reagan khởi xướng trong năm 1983 – đóng vai trò “khiên chắn” trên vũ trụ bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước các cuộc tấn công hạt nhân. Mỹ khi đó còn cân nhắc đưa Liên Xô trở thành đối tác trong “Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược”, còn gọi là dự án Star Wars. Dự án này chính thức bị xóa sổ năm 1993 bởi công nghệ quá phức tạp và đòi hỏi chi phí tốn kém.
Vào tháng 12/2019, Mỹ đã thành lập Lực lượng Vũ trụ, một kế hoạch nằm trong mục tiêu của Tổng thống Trump nhằm lấy lại và duy trì vị thế trong vũ trụ. SDA cũng được thành lập trong tháng 3/2019 nhằm đáp trả chỉ trích rằng quân đội Mỹ không theo kịp những cải tiến diễn ra trong ngành công nghiệp vũ trụ. SDA được trao thẩm quyền để giảm bớt các thủ tục và mua các công nghệ vũ trụ mang tính thương mại. SDA sẽ trở thành một phần của Lực lượng Vũ trụ từ tháng 10/2022.