Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới chức TQ cảnh báo về cuộc Chiến tranh Lạnh mới với...

Giới chức TQ cảnh báo về cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (24/5) cáo buộc “các thế lực chính trị ở Washington đang đẩy quan hệ với Bắc Kinh đến bờ vực Chiến tranh Lạnh” trong khi đôi bên cần hợp tác nhằm chống Covid-19, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên tìm cách thay đổi Trung Quốc.

Theo đó, trong cuộc họp báo bên lề cuộc họp Quốc hội, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Trung Quốc không có ý định thay đổi Mỹ, càng không muốn thay thế Mỹ, do vậy Mỹ cũng không thể thay đổi Trung Quốc theo ý mình, càng không thể cản bước tiến trình lịch sử hướng tới hiện đại hóa của 1,4 tỷ dân Trung Quốc; cảnh báo rằng một số thế lực chính trị Mỹ đang lợi dụng mối quan hệ Trung – Mỹ như “con tin” và cố tình đẩy hai nước tới bờ vực “của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Theo ông Vương Nghị, ý đồ này có thể phá hỏng thành quả hợp tác mà nhân dân hai nước đạt được trong nhiều năm qua, làm suy yếu sự phát triển tương lai của Mỹ, cũng như gây nguy hiểm cho sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Cả Trung Quốc và Mỹ đều có lợi từ sự hợp tác, ngược lại sẽ cùng thua thiệt từ sự đối đầu. Những thành quả tốt nhất có được hiện nay là những gì chúng ta đúc kết được từ nhiều thập kỷ qua. Cả hai nước nên nhận thức được điều này; nhấn mạnh Trung Quốc vẫn cam kết cùng phát triển các mối quan hệ thông qua sự phối hợp, hợp tác và ổn định với Mỹ; khẳng định Trung Quốc và Mỹ sẽ và phải tìm ra giải pháp hòa bình, hợp tác cùng tồn tại và cùng có lợi.

Cảnh báo mà Ngoại trưởng Vương đưa ra về mối quan hệ Mỹ – Trung cũng chính là mối quan ngại mà nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế đã nêu ra suốt thời gian qua, khi quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới ngày càng căng thẳng. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “cắt đứt hoàn toàn” quan hệ với Trung Quốc, Nhà Trắng tuần trước còn đề cập tới việc “cân nhắc lại” những yếu tố cơ bản trong mối quan hệ với nước này, trái ngược hoàn toàn quan điểm của các chính quyền tiền nhiệm là tăng cường hợp tác cùng Bắc Kinh với hy vọng họ sẽ dần dần chấp nhận các giá trị phương Tây. Bên cạnh đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien (24/5) còn đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục nếu dự luật an ninh được thông qua.

Theo phó giáo sư Li Mingjiang từ Trường nghiên cứu Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, dù đưa ra cảnh báo đanh thép, Ngoại trưởng Trung Quốc vẫn kiềm chế hơn rất nhiều so với các nhà ngoại giao theo đuổi chiến lược “chiến lang” và cố gắng để không làm xói mòn thêm mối quan hệ song phương; cho rằng ông Vương Nghị cân bằng bình luận một cách có chủ đích. Dù chỉ trích Mỹ, ông ấy vẫn thúc giục những người đưa ra quyết định ở Washington cân nhắc kỹ lưỡng hơn và hợp tác với Trung Quốc. Chuyên gia Adam Ni, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc ở Australia, cho rằng phương pháp tiếp cận hòa giải hơn của ông Vương và chiến lược “ngoại giao chiến lang” thực tế đang bổ sung lẫn nhau. Trong thế giới cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, hợp tác và đối đầu buộc phải song hành.

Trong khi đó, Giáo sư Alan Dupont, Trung tâm Nghiên cứu Độc lập Australia nhận định một cuộc chuyển đổi địa chính trị đang diễn ra. Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, công nghệ, chiến lược cùng những giá trị khác đã “dồn nén lại và mở ra viễn cảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”; khẳng định cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ – Trung chính là hệ quả của những “bất đồng địa chính trị sâu sắc và nguy hiểm”. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng “nhiều tiếng nói đang nổi lên, kêu gọi coi cạnh tranh với Trung Quốc là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại Mỹ, tương tự chính sách với Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. Tuy nhiên, quan điểm này chắc chắn là một sai lầm chiến lược. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang lao đao vì dịch bệnh như hiện nay, một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc sẽ chỉ khiến tình hình trở nên thêm tồi tệ. Phó Giáo sư Jabin T. Jacob, Đại học Shiv Nadar, Ấn Độ, nhận định quan hệ Mỹ – Trung hiện nay có nhiều điểm tương đồng cuộc ganh đua Washington – Moskva trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn có những khác biệt quan trọng. Thế giới không còn bị chia làm hai cực như trước nữa mà đã hình thành những cực thứ ba như EU, Nga, Ấn Độ hay Nhật Bản. Họ có quyền lựa chọn có đứng về bất kỳ bên nào hay không, tùy từng trường hợp. Thực tế này có thể dẫn tới một trật tự quốc tế rất khác. Nhưng mối quan hệ Mỹ – Trung có thể tiếp tục xấu đi nếu Trump tái đắc cử vào tháng 11.

RELATED ARTICLES

Tin mới