Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnHọ đang làm ngược lại lời khuyên của Khổng Tử

Họ đang làm ngược lại lời khuyên của Khổng Tử

Hôm 30/5, trong bài viết đăng trên tạp chí Nikkei Asian Review, ông James Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, nêu quan điểm: Không một quốc gia nào muốn rơi vào tình huống như Chiến tranh Lạnh hay phải giao tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, để vừa tránh những tình huống đó vừa chống lại các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, với vai trò một cường quốc, Mỹ cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, nên thúc đẩy việc lên án ngoại giao từ các quốc gia trên biển Đông.

“Thế giới không thể làm ngơ trước sự gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông”, ông James Stavridis tỏ thái độ cứng rắn. Theo cựu Đô đốc Hải quân Mỹ, Bắc Kinh đã liên tục gây sức ép đối với các nước láng giềng và tăng cường xây dựng sức mạnh quân đội. Ông Stavridis dẫn binh pháp Tôn Tử. “Trong hai thập niên vừa qua, chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông đã gợi nhớ đến Tôn Tử với ‘chiến lược thắng lợi trọn vẹn là không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch’. Thế nhưng các học trò của Tôn Tử trong thời kỳ rối ren này (giữa lúc Mỹ bầu cử và thế giới bị phân tâm vì dịch Covid-19), sự kiên nhẫn đó bắt đầu thay đổi”.

Bắc Kinh hiểu rõ, thế giới ngày nay không thể trông đợi ở hành vi không động đậy “không cần đánh” mà thắng. Gần đây, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân để gây áp lực cho các quốc gia ven biển, nhất là Việt Nam và Philippines. Hôm tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hành động này đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Ngoài ra trên biển Đông còn liên tục xảy ra các vụ “chạm mặt” giữa tàu Trung Quốc và tàu hải quân Mỹ.

Cho rằng việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã thành công, Bắc Kinh nhanh chóng mở cửa nền kinh tế, khuếch trương “quyền lực mềm”, cũng như các ưu đãi về kinh tế. Trung Quốc ráo riết mở rộng hạm đội tàu chiến đang hoạt động, tăng số lượng và cải thiện công nghệ của tên lửa hành trình. Tất cả những hành động này giúp Bắc Kinh tự tin hơn trước các hoạt động tự do hàng hải của Washington.

Nhận rõ âm mưu của Trung Quốc, Mỹ đã có hành động đáp trả. Cụ thể, hôm 28/5, Hải quân Mỹ đã đưa khu trục hạm USS Mustin tới gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Hoạt động này diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động tự do hàng hải (FONOP), thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông. Hồi tháng 3 và tháng 4, Hải quân Mỹ cũng đã 2 lần đưa tàu vào biển Đông trong một nỗ lực tương tự để thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước sự “ngông nghênh” của Mỹ, Chính quyền Bắc Kinh cho biết, quân đội nước này đã sắp xếp tàu và máy bay để “theo dõi, giám sát, xác minh, xác định và xua đuổi” tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển chung quanh quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa-Việt Nam). Trung Quốc tuyên bố rằng Quân giải phóng nhân dân (PLA) đã buộc tàu USS Barry rời khỏi khu vực Tây Sa thì một quan chức Hải quân Mỹ lập tức bác bỏ, rằng hoạt động của tàu chiến Mỹ vẫn được tiến hành theo kế hoạch, mà không gặp phải bất kỳ hành vi thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp nào từ các máy bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc.

Được biết tàu USS Barry của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan nhiều lần và tham gia các hoạt động tập trận chung ở Biển Đông với tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG-52), tàu tấn công đổ bộ USS America (LHA-6) và tàu tuần dương HMAS Parramatta của Australia.

Như vậy, quân đội Mỹ đã thực hiện nhiều hoạt động tự do hàng hải. Không chỉ có Mỹ mà các hoạt động này còn mở rộng sang các đồng minh, thậm chí phối hợp với các quốc gia hàng đầu của NATO như Anh, Pháp. Ông James Stavridis cho rằng, cần có biện pháp trừng phạt kinh tế nếu những hành vi nguy hiểm, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tiếp diễn trên biển Đông. Cần nhớ, một phần cuộc đương đầu Mỹ – Trung sẽ xảy ra trong thế giới mạng, nên Mỹ cần tăng cường phòng thủ hơn nữa.

Chủ trương “lên án ngoại giao” được tiến hành cùng với các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong những ngày gần đây là một bước tiến trong việc kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông nhưng Trung Quốc cũng không thể hung hăng tiến hành hàng loạt hành động phi pháp, thả sức ăn hiếp các nước nhỏ, yếu lực, yếu thế hơn mình. Vừa nhắc nhau học lại bài học của tiền nhân, cháu con họ nhà Bành trướng vừa tranh thủ lúc lân bang lơ là, sơ hở trong phòng thủ, họ sẽ lập tức đánh đòn bất ngờ, cốt tạo cớ gây xung đột, biến tiểu sự thành đại sự. Làm ngược lại lời khuyên của Thầy Khổng Tử cũng là một cách của Bắc Kinh, nhưng họ chỉ áp dụng khi… đối ngoại.

RELATED ARTICLES

Tin mới