Thời gian gần đây, Trung Quốc một mặt tìm cách thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí với Philippines, mặt khác gia tăng các hoạt động gây hấn, khiêu khích nhằm khẳng định “chủ quyền” trên Biển Đông.
Chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippinesđã điểm lại một loạt những hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm vào các tàu Philippines hoạt động trên Biển Đông trong thời gian qua. Trong đó, đáng chú ý là vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá mang số hiệu F/B GIMVER1 của Philippines với 22 ngư dân ở gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông ngày 9/6/2019. Theo ông Jay Batongbacal, ban đầu, Chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách để biện minh cho hành vi sai trái của tàu Trung Quốc, nhưng khoảng hơn 2 tháng rưỡi sau đó, Cục Nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc lại công bố bức thư xin lỗi của chủ chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines nói trên tới Chính phủ Philippines và khẳng định sẽ điều tra và buộc những đối tượng có liên quan phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, vụ việc nói trên chỉ dừng lại ở đó. Đến tháng 9/2019, Trung Quốc lại triển khai một nhóm tàu áp sát khu vực bãi cạn Scarborough của Philippines nhằm thể hiện quyền kiểm soát đối với bãi cạn này bất chấp sự phản đối quyết liệt của phía Philippines. Hành động sai trái này của phía Trung Quốc một lần nữa khiến tình hình Biển Đông càng thêm phức tạp và làm leo thang căng thẳng giữa hai nước. Cũng trong khoảng thời gian đó và vài tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã cho triển khai hàng trăm tàu dân quân biển nguỵ trang có sự bảo vệ của các tàu Hải cảnh Trung Quốc xuất hiện quanh nhiều quần đảo và khu vực tiền đồn của Philippines ở Biển Đông và tiến hành các hoạt động đánh cá phi pháp trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Mới đây nhất, hồi tháng 2/2020, một chiếc tàu chiến Trung Quốc bị cáo buộc có hành động thù địch và vi phạm luật quốc tế khi khinh hạm 514 của Trung Quốc hướng hệ thống kiểm soát pháo nhằm vào khinh hạm BRP Conrado Yap đang tiến hành tuần tra ở Biển Đông. Hành động này tương tự như việc một người cố tình chĩa súng về phía một người khác. Đây rõ ràng là một hành động thù địch không thể chấp nhận được. Theo ông Jay Batongbacal, hành động khiêu khích này được coi là “phát súng” báo hiệu cho việc Trung Quốc đang đẩy nhanh việc hiện thực hoá mưu đồ độc chiếm Biển Đông ngay khi nước này tạm khống chế được dịch Covid-19 trong nước và lợi dụng tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại các nước khác để dễ bề hành động theo ý mình.Trong đó, việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Nam Sa” và “khu Tây Sa” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam được cho là “những bước đi được tính toán hết sức kỹ lưỡng” của phía Trung Quốc làm bàn đạp “để mở rộng tầm kiểm soát đối với toàn bộ khu vực Biển Đông”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc về vấn đề Biển Đông. Nổi bật là việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines (23/4) đăng tải một video ca nhạc dài 4 phút bằng hai thứ tiếng là tiếng Quan thoại và tiếng Philippines với mục đích “ghi dấu mối quan hệ hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc trong việc phòng chống Covid-19”.Bài hát có tựa đề “Iisang dagat” (Một biển), trong đó kêu gọi hai nước nắm chặt tay đoàn kết đối phó với dịch bệnh, cũng như đề cao việc Trung Quốc gửi những chiếc khẩu trang và các trang thiết bị y tế cứu trợ tới Philippines cũng như ca ngợi nỗ lực đối phó với Covid-19 của các chuyên gia y tế của cả hai nước. Tuy nhiên, rõ ràng nội dung bài hát này không có chỗ nào có liên quan đến biển. Chính vì thế, người dân Philippines đón nhận bài hát này một cách khá tiêu cực. Cho đến ngày 15/5, bài hát đã nhận tới hơn 200.000 lượt dislike (không thích) và phần comment của bài hát cũng có hàng trăm comment thể hiện sự bất bình của người dân Philippines. Theo ông Jay Batongbacal, thái độ của người dân Philippines đối với bài hát nói trên là hoàn toàn dễ hiểu nếu xét đến những gì Trung Quốc đã làm trong những năm vừa qua nhằm thúc đẩy tinh thần hợp tác vì hoà bình giữa 2 nước trên Biển Đông. Bài hát nói trên là một bằng chứng về việc Trung Quốc đang cố tình đẩy mạnh những hoạt động tuyên truyền nhằm che đậy những hành vi đầy sai trái của nước này ở Biển Đông.
Được biết, Philippine từng là bên nguyên đơn, khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA) liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, song dưới thời Tổng thống Duterte, nước này đã thay đổi gần toàn bộ chính sách trong vấn đề Biển Đông. Chính quyền Philippines theo đuổi mục tiêu giữ chủ quyền và giành lợi thế về pháp lý và dư luận để đổi lấy quan hệ ổn định với Trung Quốc, tạo cơ hội cho phát triển đất nước và ổn định cuộc sống cho người dân với tính toán rằng, việc tạm gác đòi hỏi chủ quyền ở khu vực bãi cạn Scarborough là “chi phí” nhỏ để đổi lấy lợi ích lớn hơn. Tổng thống R. Duterte ngầm chấp nhận việc Trung Quốc kiểm soát thực tế ở Scarborough, nhưng đổi lại ngư dân của Philippines được ra vào đánh bắt cá bình thường ở khu vực này.
Philippines nhượng bộ với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, thậm chí là bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc theo Phụ lục VII về vụ kiện “đường lưỡi bò”, để đổi lại những lợi ích về kinh tế từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế đến nay Philippines đang phải nhận cái kết cay đắng vì trót tin tưởng vào Trung Quốc.
Thứ nhất, đầu tư kinh tế chỉ là “lời hứa ngọt ngào” dành cho Philippines. Qua các tiếp xúc song phương, phía Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư và cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính ưu đãi lên đế hàng chục tỉ USD cho mục tiêu phát tiển nền kinh tế Philippines. Song đến nay nguồn vốn này vẫn chưa đổ về Philippines, cũng như chưa có bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được khởi công. Ngoài ra, những khoản đầu tư của Trung Quốc còn quá ít so với đầu tư của các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản tại Philippines.
Không những vậy, Trung Quốc thường cho vay mà không quan tâm khả năng trả nợ của đối tác, nhưng đổi lại cũng đòi hỏi lãi suất “cắt cổ” hoặc yêu cầu tài sản thế chấp hoặc có giá trị kinh tế lâu dài hay có vị trí an ninh, chiến lược đặc biệt quan trọng trong khu vực, kiểu như mỏ khoáng sản hay cảng biển để giành thêm quyền kiểm soát trong trường hợp bên đi vay vỡ nợ. Theo phân tích của chuyên gia Tara Francis Chan trên trang Business Insider, các khoản vay của Philippines từ Trung Quốc phải chịu mức lãi suất lên tới 2%-3% trong khi mức lãi suất từ Nhật Bản chỉ ở mức 0,25%-0,75% (tức là rẻ hơn 12 lần so với khoản vay từ Trung Quốc). Còn theo Nghị sĩ Gary Alejano của Philippines thì “Philippines có thể vẫn chưa đứng trước nguy cơ vỡ nợ nhưng việc chính quyền ông Duterte cứ liên tục vay những khoản khổng lồ không kiểm soát từ Trung Quốc để hoàn thành các dự án tham vọng có thể khiến Philipines rơi vào bẫy nợ, đặc biệt là sẽ chứng kiến cảnh ông Duterte quá phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Ngoài ra, trong những dự án hạ tầng có vốn đầu tư Trung Quốc, thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp và lao động địa phương, điều kiện gói vay của Trung Quốc cũng kèm theo việc phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công hoặc phải sử dụng lao động nhập cư người Trung Quốc, khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc do nhà nước nắm quyền quản lý các dự án đầu tư tại Philippines và người dân Philippines bị mất việc làm vào tay lao động Trung Quốc ngay trên đất nước của mình.
Thứ hai, nội bộ mâu thuẫn, bất đồng gia tăng. Giai đoạn gần đây, Chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liên tục bị quan chức, người dân lên tiếng chỉ trích vì không dám bảo vệ chủ quyền và lợi ích của người dân ở Biển Đông, trước những hành động ngang ngược, phi lý của Trung Quốc. Tình trạng căng thẳng đã tạo ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ Philippines, khiến nước này đang dần tạo ra 2 phe phái có quan điểm khác nhau trong vấn đề Biển Đông.
Phe ủng hộ quan điểm làm thân với Trung Quốc để đổi lấy tài chính do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cầm đầu, người được cho là đã làm thay đổi cục diện tranh chấp ở Biển Đông. Trong một thời gian ngắn gần đây, ông Duterte đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện “thiện chí” và quyết tầm “làm bạn” với Trung Quốc bằng mọi giá, bao gồm cả việc đánh đổi chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi đó, Những người ủng hộ ông Duterte chủ yếu là thành viên Nội các của Chính phủ, họ thường đưa ra các tuyên bố ủng hộ chính sách của Tổng thống Philippines và tìm cách biện minh cho chính sách của Philippines liên quan vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (14/6) khẳng định rằng Chính phủ Philippines vẫn đang theo hướng tiếp cận “cẩn trọng” trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông; nhấn mạnh Chính phủ sẽ “không từ bỏ các yêu sách chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, đặc biệt là bãi cạn Scarborough” và Trung Quốc cũng không kiểm soát hoàn toàn khu vực này, bởi “ngư dân và cảnh sát biển của Philippines vẫn đang có mặt ở đây”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (4/6) tìm cách biện minh về việc Chính phủ không tăng cường năng lực quốc phòng để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông khi cho rằng “Philippines đang nỗ lực gấp đôi nhằm nâng cấp quân đội, song Manila hiện không có đủ tiềm lực dù chỉ là để chứng tỏ khả năng của mình”.
Phe phản đối chính sách của Chính phủ Tổng thống Duterte trong vấn đề Biển Đông do giới cựu quan chức Philippines khởi xướng. Nhiều cựu quan chức Philippines đã thể hiện thái độ bất bình, yêu cầu Chính quyền của ông Duterte phải có những hành động cứng rắn, kiên quyết hơn trước những hành động phi pháp, hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (16/7/2018) khẳng định các cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp giữa hai bên sẽ không bao giờ có kết quả, thay vào đó cần tìm đến một cơ chế đa phương khác. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Albert del Rosario (4/6/2018) lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã để mất chủ quyền lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Đá Sandy vào cuối năm 2017, đồng thời kêu gọi chính quyền đưa ra “một phản đối thực sự mạnh mẽ” đối với hành động này của Trung Quốc. Trong khi đó, các quan chức tư pháp của Philippines liên tục đưa ra những tuyên bố chỉ trích hành động “mềm dẻo” của Chính phủ, đồng thời cảnh báo Philippines có thể sẽ mất chủ quyền ở Biển Đông nếu không có các hành động cứng rắn với Trung Quốc.
Trong khi đó, người dân Philippines nhiều lần tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc, lên án Chính quyền “để mất Biển Đông vào tay Bắc Kinh” khi cho rằng Philippines đã không thực hiện những biện pháp cứng rắn đối với những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông kể từ sau khi thắng kiện “đường lưỡi bò” tại Tòa Trọng tài và đang cố tình bỏ qua Phán quyết này. Người dân Philippines đã thể hiện thái độ bực mình và tổ chức tuần hành phản đối Chính phủ khi xuất hiện nhiều tấm băng rôn màu đỏ có biểu ngữ bằng tiếng Anh và cả tiếng Trung Quốc ở phía dưới ghi: “Welcome to the Philippines, Province of China” (“Chào mừng bạn đến vớiPhilippines, một tỉnh của Trung Quốc”) trên đường phố Manila, vào đúng dịp kỷ niệm 2 năm ngày Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện. Trước đó, người dân Philippines cũng tổ chức biểu tình sau khi truyền thông Philippines đăng tải các hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã đi đến giai đoạn hoàn tất các cơ sở phục vụ hải quân và không quân trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Thứ ba, Trung Quốc vẫn lấn lướt, đe nạt Philippines ngay trong vùng đặc quyền kinh tế. Vụ việc mới đây nhất là vụ tàu dân quân biển Trung Quốc (9/6) ngang nhiên đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines ở Bãi Cỏ Rong rồi bỏ đi mà không cứu vớt ngư dân.
Thứ tư, tàu quân sự và tàu đánh cá của Trung Quốc tiếp tục hoạt động thường xuyên tại Bãi cạn Scarborough mà không bị cản trở. Hành động trên của Trung Quốc đã khiến cho môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với Philippines, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Philippines bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Trung Quốc ngăn cấm không cho ngư dân Philippines vào đánh bắt ở vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của họ. Cục Thủy sản và Tài nguyên nước Philippine (15/6/2018) đã phải công bố báo cáo về đánh giá về mức thiệt hại nặng nề đối với các rặng san hô quanh khu vực bãi cạn Scarborough dưới sự kiểm soát của lực lượng Tuần duyên Trung Quốc, qua đó kết luận khu vực bãi cạn Scarborough hiện không còn cá nữa vì thức ăn cho cá là san hô đã biến mất và phải mất ít nhất 40 năm san hô mới mọc lại. Nguyên nhân là do không có người quản lý ngư dânTrung Quốc ở đây, để họ thỏa sức đánh bắt trái phép, bao gồm việc sử dụng chất nổ đối với các rặng san hô.
Trước những gì đã xảy ra trong những năm gần đây khiến chính giới cũng như người dân Philippines bất bình về chính sách và thái độ của Tổng thống Duterte trong vấn đề Biển Đông. Đã có rất nhiều chuyên gia, học giả, chính giới Philippines kêu gọi chính quyền thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông, điều chỉnh chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Họ mong muốn Philippines quay trở lại giai đoạn của cựu Tổng thống Benigno Aquino III, khi đó Philippines là ngọn cờ đầu trong việc chống lại âm mưu bá quyền và độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.