Dựa trên tần suất và phạm vi hoạt động của chiến cơ Nga, Mỹ tại Syria, hãng CBS đã phác thảo sơ đồ cho thấy khả năng va chạm giữa các phương tiện này rất cao.
Nga đã tiến hành hàng loạt vụ không kích vào các vị trí của phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) tự xưng. Nhưng Mỹ lại cho rằng, các mục tiêu đó là khu vực của quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn.
Trong chiến dịch oanh tạc gần đây, các chiến cơ của Nga, Mỹ đã ‘giáp mặt’ nhau. Theo CBS, các máy bay này có lúc cách nhau chỉ khoảng 20 dặm. Thậm chí, máy bay Mỹ có thể nhìn thấy máy bay Nga trong camera mục tiêu.
Trong hình dưới đây thì máy bay Mỹ màu xanh, và máy bay Nga có màu vàng.
Tướng Charles Brown – Tư lệnh các chiến dịch không kích của Mỹ tại Syria – cho rằng, ông không nghĩ là các chiến đấu cơ Nga và Mỹ sẽ va chạm với nhau trong khi tác chiến.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhiều rủi ro lớn có thể xảy ra khi mà liên quân do Mỹ lãnh đạo cùng tác chiến chung một không phận với Nga tại Syria.
Chuyên gia địa chính trị Ian Bremmer nhận định: “Dù Mỹ và Nga cùng tham gia các cuộc đối thoại quân sự nhằm ‘giảm thiểu nguy cơ va chạm’ trong bất kỳ cuộc tấn công nào, thì khả năng xảy ra tai nạn là vẫn có – đặc biệt là khi trong liên minh có rất nhiều thành viên”.
“Các đồng minh của Mỹ sẽ lờ đi lời kêu gọi của Nga nhằm tránh không phận Syria, tương tự như việc Nga không chú ý đến lời kêu gọi của Mỹ về vấn đề Tổng thống Assad” – ông Bremmer nói.
Business Insider cho hay, Nga ít đưa ra cảnh báo cho phía Mỹ trước các đợt không kích.
AP mới đây lưu ý rằng, ‘không quân nhiều nước đang tiến hành tấn công thường không hiểu ý nhau, đôi khi còn không phối hợp’, nên có nhiều khả năng dẫn tới ‘xung đột ngoài ý muốn’.
Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Pháp và Mỹ đều đang có máy bay hoạt động tại Syria. AP cho biết, Nga và Mỹ hiện chưa có phối hợp với nhau khi tác chiến tại đây.
Các quan chức quốc phòng Mỹ và Nga đã trao đổi với nhau về việc ‘tránh va chạm’ các hoạt động tại Syria, và các thảo luận này vẫn đang tiếp diễn.