Lời nói đi đôi với việc làm của Triều Tiên đã khiến cho quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc đột ngột quay trở lại trạng thái căng thẳng.
Theo Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ngày 31-5, những nhóm người chạy trốn khỏi Triều Tiên như “Phong trào những người chiến đấu cho một Triều Tiên tự do” (FFNK)… đã thả 500.000 tờ rơi, 50 cuốn sổ tay, 2.000 tờ 1 USD và 1.000 thẻ nhớ vào thành phố Gimpo, tỉnh Gyeonggi của Triều Tiên.
Các tờ rơi, sổ tay, thẻ nhớ máy tính này chứa nội dung độc hại chống phá Triều Tiên, đặc biệt là trực tiếp nhắm vào nhà lãnh đạo Triều Tiên, tạo nên ảnh hưởng và hậu quả rất tiêu cực.
Đến ngày 8-6, truyền thông Hàn Quốc cho biết 2 nhóm người đào thoát khỏi Triều Tiên còn tìm cách đưa gạo vào Triều Tiên bằng hình thức thả trôi các chai thủy tinh chứa gạo bên trong, nhưng không thành công do vấp phải sự phản đối của người dân địa phương.
Nhóm người này còn đe dọa sẽ thả thêm 1 triệu tờ rơi sang phía Triều Tiên trong ngày kỷ niệm chiến tranh vào cuối tháng 6.
Hành động trên đã khiến Triều Tiên nổi giận. Ngày 4-6, tờ Rodong Shimbun cho biết bà Kim Yo Jong – ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, phó trưởng ban thứ nhất Ban Mặt trận thống nhất Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) – đã có những phát ngôn cứng rắn.
Em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ trích mạnh mẽ việc nhóm người chạy trốn khỏi Triều Tiên thả tờ rơi chống phá Triều Tiên từ Hàn Quốc và nhấn mạnh nếu Seoul không có các biện pháp nghiêm khắc thì sẽ phải đối mặt với hậu quả như Khu công nghiệp Kaesong bị xóa bỏ, Văn phòng liên lạc liên Triều bị đóng cửa và Thỏa thuận quân sự liên Triều bị hủy bỏ…
Tờ The Hankyoreh của Hàn Quốc đã công bố một phân tích báo chí nhấn mạnh việc thả tờ rơi chống Triều Tiên không phải là chưa từng xảy ra, “năm ngoái 10 lần, năm nay 3 lần”, nhưng vì sao lần này Triều Tiên lại nổi giận và có phản ứng quyết liệt như vậy?
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hai vấn đề sau:
Thứ nhất, việc thả tờ rơi có nội dung chống Triều Tiên đã vi phạm Tuyên bố Panmunjom (Bàn Môn Điếm) ngày 27-4-2018 trong đó quy định “chấm dứt mọi hành động thù địch bao gồm cả việc rải tờ rơi”. Thứ hai, kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Từ ngày 28-1, phía Triều Tiên đã khởi động cơ chế phòng dịch khẩn cấp quốc gia, đóng cửa biên giới, thực hiện phương châm phòng dịch “lưu giữ sau 10 ngày, cách nhật khử trùng 3 lần/ngày” đối với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch. Hành vi rải tờ rơi chống Triều Tiên được cho là đã “gây nhiễm độc kép” về chính trị và virus.
Theo phân tích, 2 năm sau Tuyên bố Panmunjom, sự thờ ơ của Hàn Quốc đối với vấn đề thả tờ rơi đã khiến Triều Tiên không hài lòng, cộng thêm mối đe dọa của “dịch COVID-19 xâm nhập từ bên ngoài” thông qua tờ rơi chống Triều Tiên, hậu quả mà nó có thể gây nên là rất nghiêm trọng và tất nhiên Triều Tiên phải có hành động đáp trả kiên quyết.
Trên thực tế, Bình Nhưỡng đã để cho Hàn Quốc có thời gian để giải quyết. Từ khi bà Kim Yo Yong đưa ra phát biểu cứng rắn vào ngày 4-6 đến thời điểm tuyên bố cắt đứt liên lạc, Hàn Quốc có 5 ngày để xử lý vấn đề nhưng đã phản ứng quá chậm. Điều này khiến cho Triều Tiên không hài lòng, không còn kiên nhẫn và sức chịu đựng.
Tuy nhiên, xu hướng tiếp theo sẽ diễn biến như thế nào phụ thuộc vào quyết tâm và nhu cầu của phía Triều Tiên, cũng như phản ứng mới của chính quyền Tổng thống Moon Jae In.
Nếu như vẫn chưa hiểu rõ thái độ, quyết tâm của Triều Tiên, hoặc tính đến các nhân tố chính trị nội bộ của Hàn Quốc cũng như nhân tố bên ngoài, thì hành động đáp trả và tấn công của Triều Tiên sẽ khiến cho vấn đề căng thẳng hơn, bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ tiếp tục quay cuồng trong vòng xoáy bão tố.
Đương nhiên, mục đích thực chất của hai bên là cần phải giải quyết mâu thuẫn và vấn đề theo mong muốn của mình chứ không phải làm phát sinh xung đột, đối đầu.