Trung Quốc đã triển khai mạng lưới các cảm biến và thiết bị liên lạc khác nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông; và mạng lưới này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, theo AMTI.
Vị trí Trung Quốc lập trạm điện tử đại dương trên đá Bông Bay trong quần đảo Hoàng Sa
Mạng lưới liên lạc nói trên là một phần của “Mạng lưới thông tin đại dương xanh (BOIN)” do Công ty Công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) phát triển để hỗ trợ thăm dò và kiểm soát môi trường biển bằng cách dùng công nghệ thông tin, theo bài phân tích mới đây của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ).
Trung Quốc đã triển khai trái phép một trong những hệ thống thuộc mạng lưới liên lạc nói trên tới đá Bông Bay trong quần đảo Hoàng Sa vào giữa tháng 4.2018. AMTI cho rằng đó là một trạm cố định được gọi là trạm điện tử đại dương (OES). Theo quảng cáo của CETC, mục đích triển khai OES là thực hiện giám sát điện tử, cung cấp liên lạc, hỗ trợ công tác tìm kiếm – cứu hộ và theo dõi môi trường đại dương. Theo thiết kế, các trạm này có cả radar, camera, ăng ten thu phát vô tuyến cao tần (HF). Trạm hoạt động độc lập (không người điều khiển), năng lượng lấy từ các pin mặt trời và máy phát điện dự phòng.
Tính đến tháng 6.2020, CETC đã triển khai 5 trạm OES nổi xung quanh đảo Hải Nam và một trạm OES cố định tại đá Bông Bay. Các trạm nổi và cố định được thiết kế chứa các bộ cảm biến khác nhau và hoạt động như nút liên lạc cho những thông tin thu thập được, theo AMTI.
Trung Quốc triển khai mạng lưới liên lạc từ Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn 2016-2019 như một hệ thống mẫu. Tuy nhiên, những kế hoạch tương lai của BOIN sẽ bao gồm việc mở rộng mạng lưới các cảm biến và thiết bị liên lạc khác tới phần còn lại của Biển Đông, biển Hoa Đông và những khu vực khác cách xa lãnh thổ Trung Quốc.
Theo AMTI, các trạm như trên và những thành phần khác của BONI gây nhiều quan ngại ở Biển Đông và vượt xa hơn nữa. Tuy CETC phát triển BONI thành hệ thống liên lạc và theo dõi môi trường, các trạm và những hệ thống liên quan rõ ràng có thể phục vụ cho mục đích quân sự. AMTI chỉ ra dữ liệu môi trường, đặc biệt dữ liệu về thủy văn, sẽ cho phép hải quân biết rõ hơn cách các hệ thống sonar hoạt động như thế nào dưới lòng biển.