Trung Quốc đã đưa các khẩu pháo mới thiết kế tới Tây Tạng, ở thời điểm căng thẳng gia tăng với Ấn Độ sau đụng độ ở biên giới khiến binh sĩ hai bên thiệt mạng.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong,Trung Quốc) cho biết 5 quân khu lớn ở nước này đều được trang bị pháo gắn trên xe PCL-181 cỡ nòng 155mm.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc từng phát sóng hình ảnh pháo PCL-181 xuất hiện trong tập trận quân sự diễn ra vào tháng 1 tại Quân khu miền Tây ở Tây Tạng.
Kể từ khi khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ bắt đầu “nóng lên” trong tháng 5, nhiều vũ khí được chuyển đến Tây Tạng. Trong đó có những vũ khí được thiết kế đặc thù để leo núi cao như xe tăng hạng nhẹ Lớp 15. Xe tăng này cũng từng tham gia một cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở Tây Tạng.
Xe tăng Lớp 15 có trọng lượng 30 tấn, được trang bị súng cỡ nòng 105mm với cảm biến tiên tiến và động cơ được thiết kế cho môi trường oxy thấp.
Pháo thường được ưu tiên tại khu vực địa hình đồi núi. Nhiều nhà quan sát cho rằng pháo hạng nhẹ PCL-181 sẽ là lựa chọn của quân đội Trung Quốc trong trường hợp xung đột gia tăng.
PCL-181 có giá thành rẻ, trọng lượng 25 tấn, là pháo tự hành. PCL-181 cũng được đánh giá cao về tốc độ, sức bền và tính linh hoạt so với các loại pháo tiền nhiệm. Xe pháo PCL-181 có thể di chuyển với vận tốc 100km/h khi chở theo 27 đạn. PCL-181 có thiết kế phù hợp với đường núi hẹp và uốn khúc.
Xe tăng chiến đấu hạng nhẹ Lớp 15 và PCL-181 có thể được điều động đến tiền tuyến qua máy bay vận tảo Y-2 của Trung Quốc. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường tập trận ở biên giới.
Theo ghi nhận của Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trong 2 tuần qua Trung Quốc đã tập trận 3 lần tại Tây Tạng, sau vụ việc đụng độ ở biên giới ngày 15/6.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc chưa công bố thương vong trong lực lượng quân đội nước này.
Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau từng xâm phạm lãnh thổ.