TT – Tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng với những va chạm kéo dài giữa tàu hải giám với tàu hải quân Philippines sau khi nhiều tàu cá Trung Quốc lao vào vùng biển vốn trước nay vẫn “quen thuộc” với Philippines.
Chỉ cần một khiêu khích dấn tới hơn nữa hoặc một cái đầu nóng thiếu kiềm chế cũng có thể biến những chạm trán này thành một xung đột quân sự. Vụ xua tàu cá tới để tìm kiếm va chạm với tàu hải quân Philippines tháng 4-2012 không khác gì lắm vụ tàu cá Trung Quốc kiếm chuyện rồi đâm thẳng vào tàu phòng duyên của Nhật tháng 9-2010.
Khác chăng là lần đó thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tàu cá Trung Quốc bị tàu phòng duyên của Nhật bắt giữ.
Ảnh minh họa: Internet.
Đáng lưu ý là tần số xuất hiện của những vụ va chạm này ngày càng dày hơn. Xung đột từ hai tuần qua giữa Philippines và Trung Quốc nối tiếp những cảnh cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tháng nhắm đến các hãng dầu khí Ấn Độ và Nga đang định cùng Việt Nam khai thác dầu khí. “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và vùng biển xung quanh ở Nam Hải (tức biển Đông)… Yêu cầu các doanh nghiệp nuớc ngoài không dính líu vào tranh chấp chủ quyền tại đó dưới bất cứ hình thức nào” – một tuyên bố đầy áp đặt của Trung Quốc.
Trước đó, ngày 26-5-2011, ba tàu hải giám Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang hoạt động tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý. Không đầy hai tuần sau, ngày 9-6, một tàu thăm dò dầu khí khác của Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị.
Những “khẳng định chủ quyền” bằng vũ lực này bắt đầu sau khi Trung Quốc cũng như các nước khác liên quan nộp bản báo cáo đăng ký thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS). Trong khi chờ đợi tài phán của CLCS, Trung Quốc đã cứ xem biển Đông như đã là “của mình” và từ đó bắt đầu xua tàu ra khơi để “khẳng định”.
Bên cạnh những va chạm bạo lực như thế, còn có những hoạt động tưởng chừng rất “dân thường” như tổ chức khai thác du lịch trên quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng bằng quân sự năm 1974, nay coi như “món đồ trong túi” muốn làm gì thì làm hoặc “lấn chiếm bản đồ”. Những hành động trên đều cho thấy Trung Quốc đã chuyển qua giai đoạn mới mà báo chí và giới quan sát quốc tế gọi là “khẳng định chủ quyền bằng hải quân trong những vùng biển tranh chấp”.
Báo cáo ngày 23-4 về việc “Trung Quốc đang khuấy động biển Đông” của Tổ chức International Crisis Group – một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu các cuộc khủng hoảng trên thế giới – đã đánh giá đường đi nước bước của Trung Quốc hiện tại như sau: “Bắc Kinh đã chủ ý tô thắm các tranh chấp trên biển Đông bằng tình cảm dân tộc chủ nghĩa qua việc tô đậm miết các yêu sách lịch sử. Chính sách này đã dẫn đến hậu quả là trong nước ngày càng đòi khẳng định chủ quyền. Trung Quốc do vậy ngày càng triển khai nhiều tàu tuần tra và bán quân sự với nhiệm vụ là khẳng định chủ quyền của Trung Quốc nơi các yêu sách lãnh thổ không rõ ràng. Việc này dẫn đến nguy cơ tạo ra thêm những đối đầu trên biển Đông”.
Trong bối cảnh đó, những tuyên bố chung đa phương như Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) hay những cam kết song phương với yêu cầu giữ nguyên trạng (statuo quo) chỉ là những “tờ giấy lộn” đối với Trung Quốc. Nhưng vấn đề là nếu nước nào cũng hành xử kiểu như Trung Quốc thì Mexico đã lâm chiến với Mỹ từ lâu rồi vì vịnh Mexico, Thái Lan cũng đã làm thế vì vịnh Thái Lan, Ấn Độ vì Ấn Độ Dương…
Hải Đặng