Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngPhilippines quyết không thỏa hiệp với TQ về Biển Đông

Philippines quyết không thỏa hiệp với TQ về Biển Đông

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tuyên bố phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài “không thể thỏa hiệp” và yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ phán quyết này.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tuyên bố phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài là “không thể thỏa hiệp”

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. đã đưa ra thông điệp nhân kỷ niệm ngày 12/7/2016. Đây là ngày Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Ngoại trưởng Locsin Jr. nhấn mạnh phán quyết đã “giải quyết triệt để vấn đề về quyền lịch sử và các quyền hàng hải ở Biển Đông dựa trên Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.

Hãng tin AP trích lời ông Locsin Jr. tuyên bố: “Phán quyết này không thể thỏa hiệp. Tòa đã phán quyết rằng các đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển… không có cơ sở pháp lý.”

Phán quyết này đồng thời củng cố các quyền chủ quyền của Philippines đối với khu vực được xác định là vùng đặc quyền kinh tế, nơi mà các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc đã cản trở kế hoạch của Manila trong việc thăm dò và khai thác nguồn dầu khí tiềm năng dưới đáy biển.

Đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất mà Philippines đưa ra nhằm dịp kỷ niệm cột mốc quan trọng này. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết và từ chối tham gia tranh tụng sau khi chính quyền Benigno Aquino III, tổng thống Philippines thời điểm đó, thách thức những tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc vào năm 2013 đối với hầu như toàn bộ vùng biển tranh chấp.

Bắc Kinh tiếp tục phớt lờ phán quyết bằng cách gia tăng các hành động khiêu khích với các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines và Malaysia trong những năm gần đây.

Ông Locsin nói Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết nêu rõ một số hành động nhất định của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là vi phạm quyền chủ quyền của Philippines và “do đó là bất hợp pháp”. Ông đồng thời viện dẫn những hành vi vi phạm củaTrung Quốc được tòa án trích dẫn, bao gồm việc cải tạo quy mô lớn và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

“Tuân thủ phán quyết một cách có thiện chí là phù hợp với nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc thể theo luật pháp quốc tế”, ông Locsin nói. “Chúng tôi kỷ niệm ngày ra phán quyết như một cách để đề cao pháp quyền trong việc giải quyết tranh chấp… và chỉ rõ bên nào sẽ là bên sai khi khăng khăng với những yêu sách đi ngược lại phán quyết”.

Philippines hôm 22/4/2020 đã trao hai công hàm ngoại giao phản đối và lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền cũng như vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.

Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã thúc đẩy quan hệ thân thiết với Bắc Kinh kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, đã đặt ra vấn đề trên hồi năm ngoái tại Bắc Kinh trong cuộc gặp với người đồng cấp Tập Cận Bình. Ông Duterte cho biết, lúc bấy giờ ông Tập đã thẳng thừng nói: “Chúng tôi sẽ không thay đổi”.

Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng đã đưa ra yêu sách đối với vùng biển chiến lược này. Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền tại đây nhưng đã triển khai tàu chiến và máy bay trong nhiều thập kỷ qua để tuần tra và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không trong tuyến đường thủy sầm uất này.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bằng cách thành lập hai quận tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thông tin từ Cục Hải sự Trung Quốc cho biết Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tập trận bắn đạn thật gần quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1-5/7.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 2/7, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản đối: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC (bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông) hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.

Bà Hằng cho biết Việt Nam “đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai”.

Hôm 2/7, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, chỉ trích hành động này sẽ làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Trong tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ tranh chấp.

“Các cuộc tập trận là động thái mới nhất trong chuỗi hành động nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp, gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á ở Biển Đông”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới