Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam được gì khi Mỹ mạnh tay với TQ về Biển...

Việt Nam được gì khi Mỹ mạnh tay với TQ về Biển Đông?

Hôm 13 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo (phải) bắt tay với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
ở Washington, DC vào ngày 22 tháng 5 năm 2019.

Có lợi cho Việt Nam

Theo Washington, tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp.

Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Ngày 15 tháng 7 năm 2020, Việt Nam lên tiếng về tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường của Washington đối với Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng ‘hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế… Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này’.

Nhà quan sát chính trị, nhà báo Nguyễn An Dân, đánh giá tác động đến Việt Nam qua động thái mới nhất của Mỹ:

“Việt Nam được lợi vì tin chắc rằng lần này Mỹ kiên quyết hành động chứ không phải là những tuyên bố chung chung như trước đây. Trước đây khi Mỹ chưa sẵn sàng để xử lý Trung Quốc. Đa số các phát biểu của chính giới Mỹ chỉ là ủng hộ bằng lời nói chứ chưa đi vào thực tế. Bây giờ nó đi vào thực tế.

Một khi Mỹ đi vào hành động thực tế ở Biển Đông thì tất cả các nước nhỏ ở khu vực Biển Đông sẽ có lợi. Kể cả những nước nằm ngoài Biển Đông cũng sẽ có lợi khi họ trở thành đồng minh của Mỹ trong việc làm Trung Quốc suy yếu.”

Liên tiếp những năm qua, Trung Quốc nhiều lần có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Trung Quốc chẳng những phớt lờ những yêu cầu ngoại giao của Việt Nam mà còn đưa tàu khảo sát được hộ tống bởi tàu hải giám vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung tá quân đội Đinh Đức Long hoan nghênh tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường ở Biển Đông và cho đây là một cái lợi cho Việt Nam trong tình hình hiện nay:

“Tôi hoan nghênh tuyên bố đó vì đây là lần đầu tiên Mỹ thể hiện quan điểm chính thức khác với trước kia. Có tính bước ngoặt. Trước kia quan điểm của Mỹ là không đứng về bên nào trong các nước tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Lần này Mỹ đích danh lên án Trung Quốc và đứng về phía các nước ven biển Đông Nam Á mà chủ quyền biển đảo bị Trung Quốc đe dọa.

Lần đầu tiên Mỹ thể hiện việc chống lại lập trường của Trung Quốc trong việc đòi đến 90% diện tích Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi ủng hộ tuyên bố này nhưng tôi chưa thấy Mỹ công nhận Hoàng Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chỉ cần Mỹ tuyên bố đúng theo công ước là có lợi cho Việt Nam rồi vì Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu. Tiếng nói của Mỹ rất có giá trị trong trường hợp này.”

Việt Nam có thay đổi lập trường?

Hồi tháng 4 năm nay, mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc loan tin chính phủ nước này đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập vào năm 2012 để quản lý Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa – cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 7 tháng 5 năm 2020, tác giả David Hutt có bài viết trên Asia Times tựa đề “Vietnam may soon sue China on South China Sea”, tạm dịch “Việt Nam có thể sớm kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”. Theo đó, Hà Nội được cho là đang chuẩn bị hồ sơ kiện lên tòa trọng tài quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền Biển Đông phi lý của Bắc kinh. Đây có thể là phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ngày càng đe dọa và quấy rối trên tuyến đường hàng hải tranh chấp.

Hơn một tháng sau, ngày 12 tháng 6, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc có bài viết cho chương trình ‘Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải’. Trong bài viết này, ông Tồn đe dọa rằng, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì ‘sẽ phải trả giá đắt’ cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.

Với những hành động bị cho là ‘ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam và phản ứng của Hoa Kỳ về Biển Đông, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long nêu quan điểm của mình:

“Có lẽ đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện chính kiến của mình trên thực tế. Về mặt ngoại giao, tôi nghĩ Việt Nam cẩn thận và khôn ngoan trong lĩnh vực này. Họ có thể không công khai hồ hởi ra mặt nhưng có lẽ bằng hành động, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc thực hiện các tuyên bố về ứng xử Biển Đông.”

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung biên giới trên bộ và trên biển, có quá trình tương tác về văn hóa lịch sử cũng như các cuộc chiến tranh từ hàng ngàn năm.

Cựu thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng từng nói mối quan hệ với Trung Quốc là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.

Nhà quan sát Nguyễn An Dân đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc của chính phủ Hà Nội trong thời điểm hiện nay:

“Đến bây giờ tôi cho là nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hiểu rằng không thể giữ hòa khí đối với Trung Quốc, trừ khi Việt Nam chịu mất biển của mình. Nhưng mất biển rồi thì hòa khí cũng chỉ là tạm thời, bởi khi Việt Nam mất biển thì bước tiếp theo là Trung Quốc muốn Việt Nam trở thành vùng phên dậu của họ trên đất liền. Tôi nghĩ đảng cộng sản Việt Nam hiểu điều đó.

Việt Nam sẽ biểu lộ sự ngả về Mỹ rõ hơn tại họ cũng biết sự kiên nhẫn của Mỹ, đặc biệt cá nhân Tổng thống Trump, có sự giới hạn. Mỹ đã tỏ thiện chí hết mức rồi.”

Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn.

Về phía Trung Quốc, chính quyền của ông Tập Cận Bình chưa bao giờ công nhận phán quyết này. Bắc Kinh gọi phán quyết này là bất hợp pháp và không có hiệu lực.

Vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa nhắc lại, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cùng các quyền về hàng hải và lợi ích khác trên Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết. Trung Quốc kiên quyết phản đối và nói sẽ không bao giờ chấp nhận các yêu sách hoặc hành động dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế được ngoại trưởng Hoa Kỳ nhắc lại trong tuyên bố lập trường về Biển Đông ngày 13 tháng 7 vừa qua, theo đó Washington cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực là chung cuộc và có tính ràng buộc.

RELATED ARTICLES

Tin mới