Một số nước đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông với niềm tin rằng nếu trật tự dựa trên luật lệ bị phá vỡ, họ có thể trở thành nạn nhân kế tiếp.
Tàu chiến Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản tham dự tập trận Malabar năm 2014 trên biển Hoa Đông
Phát biểu tại một hội thảo về Biển Đông tổ chức ở Mỹ ngày 14-7, trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói những gì đang diễn ra ở Biển Đông sẽ tác động trực tiếp tới mọi quốc gia, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào tự do hàng hải và giao thương hàng hải tự do.
Không riêng gì Mỹ, châu Âu và một số nước khác đã xem vấn đề Biển Đông là vấn đề toàn cầu bởi vì giá trị các trao đổi thương mại chảy qua khu vực này lên tới 4.000 tỉ USD mỗi năm.
Trên thực tế, một số nước đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông với niềm tin rằng nếu trật tự dựa trên luật lệ bị phá vỡ, họ có thể trở thành nạn nhân kế tiếp. Khả năng cao Mỹ sẽ không đi một mình trên Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông có liên quan trực tiếp tới tương lai của các vùng biển tại Bắc Cực, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải hay bất kỳ tuyến đường biển quan trọng nào khác.
“Tứ giác kim cương” hồi sinh?
Theo ông Stilwell, các động thái gây bất ổn và vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc đã dẫn tới “những thỏa thuận quốc phòng và an ninh mới đầy hứa hẹn giữa Mỹ với các đối tác từ Úc đến Đông Nam Á, Nhật Bản và Ấn Độ”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục lập trường nhất quán là ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải trên Biển Đông”, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định trước báo giới ngày 16-7. Úc là nước mới nhất lên tiếng về lập trường Biển Đông mới của Mỹ.
Canberra mới đây cũng đã điều chỉnh lại chiến lược quốc phòng để đóng vai trò chủ động hơn trước các mối đe dọa từ Trung Quốc. Các tàu chiến của Nhật Bản và Úc đều đã tham gia tuần tra, tập trận đảm bảo an ninh hàng hải chung với Mỹ trên Biển Đông.
Còn tờ The Times đầu tuần này tiết lộ Anh đang có kế hoạch đưa nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông vào năm tới và cho biết có ít nhất 3 căn cứ gần Biển Đông có thể được sử dụng làm nơi tiếp liệu.
Nhật Bản có lý do để lo lắng trước cách hành xử của Bắc Kinh tại Biển Đông bởi nước này đang trong một cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Với Ấn Độ, quốc gia có chính sách “Hành động hướng đông” trong đó Biển Đông là trọng tâm, giới quan sát cho rằng vẫn cần phải theo dõi thêm. Cơ hội quan sát gần nhất sắp tới sẽ là cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar gồm Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
Hồi tháng 6 rồi, New Delhi và Canberra đã ký một thỏa thuận cho phép các tàu chiến và máy bay quân sự sử dụng các căn cứ quân sự của nhau. Nếu Ấn Độ mời Úc tham gia tập trận cùng với Mỹ và Nhật Bản, đây sẽ là một một dấu hiệu nữa cho sự hồi sinh sáng kiến “tứ giác kim cương” vốn luôn bị Trung Quốc cáo buộc là nỗ lực kềm tỏa nước này.
Nói như một nhà quan sát, dù các nước có thể có lợi ích riêng nhưng một hành động chung trên Biển Đông sẽ chuyển tải thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng các hành vi cưỡng ép, bắt nạt và vi phạm luật quốc tế của Bắc Kinh sẽ không có chỗ đứng trong thế kỷ 21.
Mỹ muốn thay đổi “sự đã rồi”
Trong một cuộc họp báo ngày 15-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một phát ngôn đáng chú ý khác về Biển Đông, sau tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc.
Trước nghi ngờ lập trường rõ ràng nhất của Mỹ sẽ không thể thay đổi được “sự đã rồi” ở Biển Đông, kể cả hành vi của Bắc Kinh, ông Pompeo khẳng định Mỹ sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể để hỗ trợ các nước bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền hoặc tuyên bố hàng hải hợp pháp.
“Mỹ sẽ cung cấp cho các nước đó mọi sự hỗ trợ có thể, thông qua các tổ chức đa phương, thông qua ASEAN hay thậm chí là các động thái pháp lý. Bạn nhắc tới sự đã rồi ở Biển Đông, nhưng tôi nghĩ mọi thứ đang và sẽ thay đổi. Các quốc gia Đông Nam Á đã nhận ra Mỹ sẽ sẵn sàng làm những việc cần thiết để hỗ trợ họ bảo vệ các tuyên bố hợp pháp”, ngoại trưởng Mỹ lập luận với báo giới tại họp báo.
Hôm 14-7, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông David Stilwell, đã tuyên bố Washington sẽ không loại trừ việc trừng phạt Bắc Kinh. Ông ám chỉ mục tiêu đầu tiên có thể là các cá nhân, tập đoàn Trung Quốc đã tham gia bồi đắp trái phép đảo nhân tạo trên Biển Đông khiến môi trường bị tàn phá nghiêm trọng.
Nhà ngoại giao cấp cao Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp cận vấn đề Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn nhưng theo trình tự và nguyên tắc.
Theo ông Stilwell, điều quan trọng nhất trong khả năng của Mỹ đã được làm đầu tiên. Sau khi thể hiện lập trường rõ ràng, Mỹ sẽ đối đầu với hành vi phạm luật quốc tế và chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc nếu Bắc Kinh tái diễn.
EU muốn tăng sự hiện diện
Hồi tháng 4 năm nay, đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN tiết lộ một số đối tác châu Á muốn EU hiện diện nhiều hơn trong các vấn đề an ninh khu vực và đó cũng là mục tiêu mà khối này đang hướng tới.
Malaysia, Indonesia lên tiếng về giải quyết tranh chấp tại Biển Đông Ngày 16-7, tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishamuddin Hussein khẳng định nước này nhất quán lập trường rằng các bên cần hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.