Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnÚc đối mặt mối nguy TQ

Úc đối mặt mối nguy TQ

Để ứng phó mối nguy tiềm tàng từ Trung Quốc, Úc đang định hình lại chính sách đối ngoại mà trong đó thể hiện rất rõ qua việc thay đổi chính sách quốc phòng.

Tàu chiến Úc và Mỹ tập trận trên Biển Đông vào tháng 4 vừa qua

Hôm qua (20.7), tờ Hoàn Cầu thời báo có bài bình luận chỉ trích, thậm chí ẩn chứa thông điệp đe dọa, về việc Úc tiến hành điều tra một loạt các ứng dụng smartphone có xuất xứ từ Trung Quốc như Tiktok, WeChat, Sina Weibo… Gần đây, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, quan hệ giữa Úc và Trung Quốc trở nên căng thẳng và đã có những xung đột nhất định cả về ngoại giao lẫn kinh tế.

Mối đe dọa chiến lược

Trong khi đó, đầu tháng 7, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã thông tin về chiến lược quốc phòng của nước này trong thời gian tới. Cụ thể thì chính sách quốc phòng của Úc chuyển hướng trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Canberra nhận định Indo-Pacific là trọng tâm của sự cạnh tranh chiến lược đang nổi lên. Kế hoạch được cho là nhằm ứng phó với nguy cơ từ Trung Quốc.

Liên quan vấn đề Trung Quốc đối với Úc, trả lời Thanh Niên, GS Nick Bisley, Hiệu trưởng Trường Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học La Trobe (Úc), nhận xét: “Mặc dù Trung Quốc chưa tạo ra đe dọa lớn ngay lập tức đối với lợi ích cốt lõi của Úc, nhưng bối cảnh mới cho thấy về trung hạn hay dài hạn thì tình hình dễ có thay đổi. Không những vậy, thậm chí trong ngắn hạn thì Canberra còn nhận thấy các rủi ro và đe dọa có thể phát sinh ở khu vực Đông Nam Á, nam Thái Bình Dương”.

“Vì thế, Úc cần thay đổi để ứng phó các đe dọa, chứ không thể giữ định hướng như lâu nay vốn tập trung vào các liên minh. Canberra đã phát hiện một số nỗ lực từ bên ngoài nhằm can thiệp vào nội bộ chính trị Úc và điều đó khiến cho nước này phải định hình lại quan điểm về Trung Quốc. Dù đã tránh không “chọn phe” Washington hay Bắc Kinh, nhưng thực tế khiến Canberra nhận thấy Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược”, GS Bisley đánh giá.

Úc thay đổi định hướng quốc phòng

Từ đó, theo GS Bisley, trong chiến lược quốc phòng mà Canberra vừa công bố cho thấy cách tiếp cận mới của Úc phản ánh một sự thay đổi lớn về định hướng quốc phòng tương lai của nước này.

“Lâu nay, chiến lược phòng thủ của Canberra vẫn dựa trên quan điểm sức mạnh của Mỹ ở châu Á giúp giữ vững hòa bình, ổn định và sự đóng góp của Úc có thể cộng lực cùng Mỹ trong nhiệm vụ đó thì nguy cơ xung đột được giảm thiểu. Nhưng giờ đây, Canberra nhận thấy bối cảnh chiến lược đang thay đổi theo chiều hướng bất lợi”, ông đánh giá và phân tích: “Rủi ro xung đột đã tăng lên đáng kể và Úc cần định hướng lại chiến lược quốc phòng. Trong đó, Canberra đang hướng đến tăng cường ngăn chặn các mối đe dọa trực tiếp, chứ không dừng lại ở giới hạn trong liên minh với Mỹ hay một số đối tác khác”.

Phối hợp cùng các đối tác

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Canberra sẽ hành động một mình hay giảm bớt hợp tác.

GS Bisley cho rằng: “Bên cạnh đó, từ những thay đổi thực tế trên, Canberra có thể đóng vai trò ý nghĩa hơn trong khu vực. Tuy nhiên, với những đặc trưng vốn có, Úc sẽ tiếp tục là một “cường quốc hạng trung” và cần hợp tác với Mỹ cùng nhiều bên để cùng tác động đến mô hình chiến lược lớn hơn”.

“Dù chính sách quốc phòng thay đổi như trên, nhưng vẫn cần nhấn mạnh rằng Úc vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với khu vực trong việc đóng góp cho luật pháp quốc tế cũng như hỗ trợ nhiều nền kinh tế lân cận. Canberra có thể đóng góp hiệu quả hơn nữa bằng cách hợp tác với Washington và nhiều bên nhằm củng cố các yếu tố cốt lõi của khu vực”, GS Bisley đánh giá.

Tự lực đất hiếm để giảm phụ thuộc Trung Quốc

Báo The Australian hôm qua (20.7) dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên Úc Keith Pitt cho hay chính quyền Canberra sẵn sàng ủng hộ các dự án khai thác đất hiếm trên lãnh thổ Úc, trong bối cảnh quan ngại gia tăng về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nhóm vật liệu này. Theo ông Pitt, chính phủ đang nỗ lực kết nối các nhà sản xuất đất hiếm của Úc với những đối tác nước ngoài chiến lược.

Trước đó, báo The Sydney Morning Herald dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đang trên đường trở thành quốc gia duy nhất sở hữu nguồn cung cấp ổn định về những loại vật liệu cần thiết để sản xuất thiết bị quân sự công nghệ cao. Lầu Năm Góc năm 2019 đã bày tỏ ý định hợp tác với Úc để thiết lập cơ sở xử lý đất hiếm nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng. Và tổ hành động Mỹ – Úc đã được thành lập vào tháng 2 để xúc tiến mục tiêu này.

RELATED ARTICLES

Tin mới