Từng chút một và từng bước một, Trung Quốc đang đánh cắp cả biển Đông làm của riêng bất chấp hành động phi pháp này đối mặt sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: NASA
Đó là nhận định được trang tin news.com.au (Úc) đưa ra trong bài viết hôm 20-7.
Không gì lạ khi Bắc Kinh muốn độc chiếm biển Đông bằng mọi giá, nhất là khi vùng biển này có nguồn tài nguyên hải sản và dầu khí, cũng như là một trong những tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới.
Để phục vụ mưu đồ này, Bắc Kinh luôn bảo đảm rằng không để căng thẳng leo thang đến mức dẫn đến xung đột công khai. Ngoài ra, Trung Quốc còn bất chấp luật pháp quốc tế khi chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa và các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (đều thuộc chủ quyền Việt Nam) rồi biến đổi chúng thông qua chiến dịch cải tạo quy mô lớn.
7 trong số bãi đá ngầm hiện trở thành các pháo đài đảo nhân tạo và đóng vai trò chiến lược trong âm mưu của Trung Quốc nhằm kiểm soát biển Đông.
Chẳng hạn như tàu chiến, máy bay chiến đấu và tên lửa triển khai trên đó có thể được phục vụ cho tham vọng thống trị vùng biển, không phận xung quanh và giám sát chặt chẽ tàu thuyền qua lại. Điều này cho phép Bắc Kinh kiểm soát trên thực tế đối với các nguồn tài nguyên hải sản, năng lượng và khoáng sản ở đó.
Cũng nhờ bước đi trên, Trung Quốc có thể bóp nghẹt nguồn cung lương thực, nhiên liệu dành cho các nước láng giềng.
Hồi tháng 4, Bắc Kinh ngang nhiên tìm cách củng cố chủ quyền giả tạo đối với các đảo nhân tạo nói trên bằng cách tuyên bố chúng là một phần của cái gọi là một huyện mới thành lập.
Bất chấp đây tiếp tục là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế khác, Trung Quốc có những hành động nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền phi lý nói trên, như cho tàu hải cảnh đâm tàu cá nước ngoài, triển khai tàu can thiệp hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam và Malaysia. Không dừng lại ở đó, tàu thăm dò địa chất Trung Quốc còn ngang ngược đi vào lãnh hải của các nước láng giềng.
Những hành động như thế không đủ để khơi mào xung đột công khai nhưng mưu đồ của Bắc Kinh là muốn tình hình hiện nay nhanh chóng trở thành “điều bình thường mới”.
Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết này và tiếp tục gia cố những thực thể chiếm đóng phi pháp.
Dư luận hiện lo ngại Trung Quốc có thể sớm áp đặt sự kiểm soát đối với toàn bộ biển Đông cũng như đòi chủ quyền đối với cả không phận tại đó và ngăn chặn các chuyến bay “không được phép”.