Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngVì sao Mỹ đóng cửa tổng lãnh sự quán TQ ở Houston?

Vì sao Mỹ đóng cửa tổng lãnh sự quán TQ ở Houston?

Một trong các lý do là Mỹ đáp trả chuyện Bắc Kinh gây khó dễ với các nhà ngoại giao Mỹ. Ngoài ra, lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một mắt xích trong mạng lưới gián điệp của Bắc Kinh.

Việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc chủ yếu gây khó khăn cho những ai muốn đến Trung Quốc và cần xin thị thực.
Trong ảnh: Nhiều người gốc Á xuất hiện bên ngoài tòa nhà lãnh sự Trung Quốc sau thông tin nơi này sắp bị đóng cửa – Ảnh: AFP

Việc Mỹ yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, điều mà Bắc Kinh mô tả là “hoàn toàn bị bất ngờ”, cho thấy rạn nứt giữa hai bên đang ngày càng lớn. Giới phân tích vẫn đang tiếp tục tranh cãi về việc đâu là lý do thật sự cho động thái lần này của Mỹ trong bối cảnh chưa có đầy đủ thông tin.

Trong thông cáo được phát ngày 22-7, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã tiến hành “các hoạt động gián điệp và chiến dịch gây ảnh hưởng phi pháp trên khắp nước Mỹ, chống lại các quan chức và công dân Mỹ”. 

Vài giờ sau đó, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông David Stilwell, mới lên tiếng làm rõ hơn vấn đề khi khẳng định lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là “một trung tâm tình báo”.

Ông này nhấn mạnh thông qua lãnh sự quán ở Houston, quân đội Trung Quốc đã gởi các binh sĩ đội lốt sinh viên tới Mỹ học tập và đánh cắp các nghiên cứu về nước. Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, nhà ngoại giao Mỹ còn tiết lộ chi tiết tổng lãnh sự và hai nhà ngoại giao Trung Quốc tại Houston đã ra sân bay George Bush hỗ trợ các công dân Trung Quốc hồi hương.

Hành động này là rất bình thường trong bảo hộ công dân. Tuy nhiên, ông Stilwell cho rằng điểm bất thường ở chỗ các nhà ngoại giao của Trung Quốc đã sử dụng giấy tờ ghi thông tin sai khi đến sân bay. Họ chỉ đặc biệt đưa một số người sắp sửa hồi hương đến tận cửa ra máy bay.

Có ý kiến cho rằng cáo buộc trên của Mỹ hơi bị… thừa vì trong các cơ quan ngoại giao, ít nhiều sẽ có các nhân viên tình báo đội lốt, đặc biệt là giữa những nước lớn. Việc các cơ quan ngoại giao nước ngoài thu thập tin tình báo ở nước tiếp nhận là chuyện ngầm nhưng gần như hiển nhiên.

Washington chắc chắn hiểu rõ điều này nên trừ khi lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston thật sự là một “trung tâm tình báo” không thực hiện các chức năng lãnh sự, nhiều người tin còn lý do khác để Mỹ “xuống tay”.

Việc Trung Quốc gây khó dễ cho các nhà ngoại giao Mỹ quay trở lại nước này cũng được đưa vào kiến giải. 

Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, Mỹ đã rút hơn 1.300 nhà ngoại giao cùng gia đình về nước. Cho đến thời điểm hiện tại, số nhà ngoại giao Mỹ được trở lại chỉ nhỏ giọt do sự bất đồng giữa hai bên về quyền miễn trừ ngoại giao.

Ngoài yêu cầu cách ly 14 ngày, Bắc Kinh còn muốn lấy ADN của các nhà ngoại giao Mỹ để xét nghiệm COVID-19. Những yêu cầu này vấp phải sự phản đối của Washington.

Bản thân các nhà ngoại giao Mỹ cũng lo lắng họ có thể bị tách khỏi con cái nếu một trong hai có kết quả dương tính. Ít nhất hai chuyến bay đưa các nhà ngoại giao Mỹ đã bị hủy vì sự bất đồng này.

Theo một nhà ngoại giao Trung Quốc giấu tên, Mỹ không có nhiều lựa chọn trả đũa Bắc Kinh trong trường hợp này. Các nhà ngoại giao Trung Quốc được yêu cầu ở lại Mỹ kể cả khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, do đó chỉ có Mỹ mới cần Trung Quốc gật đầu để đưa người sang.

Những người theo dõi cuộc tranh cãi trên tin rằng việc đóng cửa lãnh sự quán là chiêu tự tạo đòn bẩy của Mỹ, buộc Trung Quốc bỏ chuyện lấy ADN và chấp nhận kết quả xét nghiệm do Mỹ cấp.

Tuy nhiên, Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đã bác bỏ trong một bài viết ngày 22-7 và dẫn “các nguồn hiểu sâu vấn đề” nói rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận. US News hôm 15-7 cho biết khoảng 100 nhà ngoại giao Mỹ và gia đình đã lên đường sang Trung Quốc.

Đây là nhóm thứ hai sang Trung Quốc kể từ ngày 10-7. Các nhà ngoại giao Mỹ phải bay sang Seoul, Hàn Quốc và chuyển sang một máy bay chuyên dụng để bay tiếp tới Quảng Châu của Trung Quốc.

Lý do cuối cùng, theo chuyên gia Huang Jing của Trung Quốc, là do Bắc Kinh không đồng ý cho Washington mở cơ quan lãnh sự ở khu vực phía tây Trung Quốc, cụ thể là Tây Tạng. 

Theo ông này, dựa trên nguyên tắc có đi có lại, Trung Quốc cho rằng việc số lượng lãnh sự quán của Mỹ và Trung Quốc ở mỗi nước như nhau là hợp lý (mỗi nước có 5 cơ quan lãnh sự, không tính đại sứ quán). Tuy nhiên, Washington lại cho rằng có đi có lại phải là cả về địa điểm lẫn số lượng.

Do đó, theo ông Huang, việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc là để gây áp lực hòng buộc Bắc Kinh đồng ý cho Washington mở lãnh sự quán tại Tây Tạng. 

Một số nhà ngoại giao Mỹ trước đây đã than phiền về việc đi lại ở Trung Quốc gặp khó khăn và liên tục bị chính quyền sở tại từ chối khi muốn đến Tây Tạng. 

Hồi tháng 10 năm ngoái, để đáp trả Bắc Kinh, Washington đã ra quy định mới, buộc các nhà ngoại giao Trung Quốc muốn gặp học giả, viện nghiên cứu Mỹ hay giới chức địa phương phải đăng ký trước và nhận được sự chấp thuận mới được phép tiến hành.

RELATED ARTICLES

Tin mới