Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển nóngThái độ và hành động của Mỹ trên Biển Đông: Bước ngoặt

Thái độ và hành động của Mỹ trên Biển Đông: Bước ngoặt

Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá, thái độ và hành động rõ ràng, mạnh mẽ hơn của Mỹ trên Biển Đông là một bước phát triển có tính chất bước ngoặt.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 14/7 đã công bố quan điểm của Chính phủ Mỹ, bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc
ở Biển Đông, gọi đó là “phi pháp”

Giữa lúc mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trắc trở và căng thẳng, Mỹ thể hiện quan điểm khác trước về mưu tính và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Để thấy được sự thay đổi này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) làm một phép so sánh: dưới 3-4 thời tổng thống đến nay, Mỹ bao giờ cũng giữ thái độ không can dự vào tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông, không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền.

Nhưng con đường hàng hải Biển Đông là một trong 5 con đường nhộn nhịp bậc nhất thế giới, khoảng 35% hàng hóa, dịch vụ thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông với trị giá khoảng 4.700 tỷ USD mỗi năm. Cho nên, Mỹ đưa ra một yêu cầu, một quan điểm nhất quán trong nhiều năm qua là tất cả các quốc gia liên quan đến Biển Đông phải đảm bảo an ninh hàng không, hàng hải trên biển và Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP.)

Đến thời Tổng thống Donald Trump, ông vẫn giữ quan điểm cơ bản này. Dù vậy, trong lúc xảy ra đại dịch Covid-19 đã có hai sự kiện đặc biệt, tạo ra nhận thức mới của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, một sự thay đổi mà Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá là “có tính bước ngoặt”.

Thứ nhất, ngày 1/6, Đại sứ Mỹ ở Liên hợp quốc đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong đó phản đối những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt khẳng định yêu cầu chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Trung Quốc đối với vùng nước trong “đường 9 đoạn” là không có cơ sở pháp lý và Mỹ bác bỏ toàn bộ yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc. Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải chấp hành phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc.

Thứ hai, ngày 13/7, lần đầu tiên Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ kịch liệt phản đối và không chấp nhận yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với vùng nước trong “đường 9 đoạn”.

Một lần nữa Mỹ yêu cầu Trung Quốc và các bên liên quan phải chấp hành nghiêm chỉnh phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, mọi tranh chấp phải giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, chủ yếu là UNCLOS 1982.

Mỹ cực lực phản đối các hành động của Trung Quốc như: ép buộc các nước nhỏ, cản trở hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, năng lượng, đánh cá của các nước (Mỹ nói rõ là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia) khi các nước này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

“Lần đầu tiên trong mấy chục năm qua chính quyền Mỹ có thái độ rõ ràng, mạnh mẽ như vậy và bước phát triển này mang tính bước ngoặt”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược nhận xét.

Sau công hàm ngày 1/6 và phát biểu ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ, dư luận Trung Quốc cho rằng giờ đây Mỹ đã đứng hẳn về một phía. Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định, ý kiến này của Trung Quốc hoàn toàn không đúng.

“Mỹ không đứng về một phía như lời Trung Quốc cáo buộc mà đứng vững trên công lý quốc tế yêu cầu các bên phải chấp hành nghiêm chỉnh hệ thống luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển 1982”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân sâu xa cho sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Mỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng nó bắt nguồn từ những hành động hung hăng, vi phạm luật pháp của Trung Quốc, chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trên Biển Đông.

Từ tháng 2 đến nay, Trung Quốc có hàng loạt hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam trên Biển Đông. Trung Quốc lợi dụng các nước đng gồng mình lên chống dịch để có hành động lấn tới, bộc lộ thái độ hung hăng, hiếu chiến và vô nhân đạo. Hành động này buộc chính quyền Mỹ phải có nhận thức khác về Trung Quốc.

Khi Mỹ giương cao ngọn cờ tuân thủ luật pháp quốc tế đương nhiên nhận được sự ủng hộ của các nước. Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định, Mỹ vẫn là một siêu cường, đóng vai trò nòng cốt dẫn dắt dư luận quốc tế trong những vấn đề trọng đại của thế giới hiện nay.

Khi thái độ của chính quyền Mỹ rõ ràng, kiên quyết thì tác động rất lớn đến thái độ các nước khác. Từ nay về sau, quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều.

“Có thể nói quan hệ Mỹ – Trung Quốc từ nay về sau bước sang một trang mới; thời kỳ Trung Quốc gặt hái được nhiều nhất, thu lãi lớn nhất từ quan hệ ổn định với Mỹ (1978-2019) đã kết thúc. Qua đại dịch Covid-19, không riêng gì Mỹ mà hàng loạt nước đã thức tỉnh và cảnh giác với Trung Quốc, giảm hợp tác với Bắc Kinh.

Khi các nước trên thế giới giảm/ngừng hợp tác với Trung Quốc thì “giấc mộng Trung Hoa” có nguy cơ tan thành mây khói”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược nhận định.

Dù chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump khó đoán định, song Thiếu tướng Lê Văn Cương lưu ý phải nhìn vào vấn đề cơ bản, đó là: trong mấy chục năm qua, lần đầu tiên đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa có nhận thức đồng thuận về Trung Quốc. Cho nên, vào tháng 11 tới đây, dù ai có lên làm tổng thống nước Mỹ thì vị chuyên gia tin rằng, quan hệ Mỹ-Trung rất khó có thể quay lại thời vàng son và căng thẳng giữa hai quốc gia có nguy cơ ngày một gia tăng, chỉ có điều họ vẫn kiểm soát để không đi đến đối đầu vũ trang.

Trả lời câu hỏi liệu lập trường rõ ràng, mạnh mẽ của Mỹ có thể thay đổi được “sự đã rồi” ở Biển Đông, kể cả hành vi của Trung Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc này cần có thời gian nhưng trước mắt nó có tác dụng răn đe các hành động tiếp theo của Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ buộc phải tính toán, cân nhắc trước khi đưa ra hành động hung hăng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của các nước trên Biển Đông, còn bản chất của Trung Quốc không bao giờ thay đổi”, vị chuyên gia nhận xét.

Trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 21/7/2020, Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN và ARF.

Hội nghị có sự tham dự của đại biểu 27 nước/tổ chức tham gia ARF và đại diện Ban thư ký ASEAN.

Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng đang có chiều hướng gia tăng tại một số điểm nóng như Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Trung Đông…

Về Biển Đông, nhiều nước thể hiện sự quan ngại trước những diễn biến và vụ việc phức tạp vừa qua, như gia tăng quân sự hóa, quấy rối, cản trợ hoạt động kinh tế bình thường của những nước ven biển, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, gây phương hại tới hòa bình, an ninh khu vực…

Trước tình hình này, các nước nhấn mạnh tới yêu cầu kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; kêu gọi thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Nhiều nước hoan nghênh và đánh giá cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông thể hiện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 vừa qua.

Chia sẻ quan điểm của nhiều nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh tới việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và quan tâm chung của tất cả các nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trước những diễn biến phức tạp, gây quan ngại vừa qua ở Biển Đông, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, ASEAN đã khẳng định lại lập trường nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tranh chấp và gia tăng căng thẳng, đặc biệt cần đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển; khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 đã tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương mà tất các quốc gia phải tuân thủ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các nước ủng hộ lập trường của ASEAN và cùng chung tay đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới