Mỹ đang triển khai ngày càng nhiều chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông và hối thúc các đồng minh như Australia có động thái tương tự.
“Chúng tôi luôn muốn thấy nhiều quốc gia có cùng chí hướng tham gia hoạt động này để xây dựng đồng thuận quốc tế và gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ đồng thuận đó”, một quan chức cao cấp của Mỹ nói trước thềm cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ – Australia (AUSMIN) diễn ra ở Washington, ABC News ngày 28/7 đưa tin.
Trong hội đàm AUSMIN hôm nay, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và Mark Esper tại Washington để thảo luận về mở rộng hợp tác quân sự tại Biển Đông và nỗ lực chống tin giả trên Internet.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông và thuyết phục các đồng minh, đối tác tham gia ngăn chặn tham vọng đòi yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
5 chiến hạm của hải quân Australia hồi giữa tháng di chuyển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, trước khi hội quân với lực lượng Mỹ và Nhật Bản tại Biển Philippines để diễn tập chung. Các tàu chiến Trung Quốc đã chạm mặt tàu Australia trong quá trình di chuyển.
Trong công hàm trình lên Liên Hợp Quốc hồi tuần trước, Australia tuyên bố yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Quan chức cấp cao Mỹ cho biết khi nhiều quốc gia cùng tham gia triển khai các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong khu vực, căng thẳng có thể giảm bằng cách “loại bỏ biến số nhị phân Mỹ – Trung khỏi phương trình”. “Đây không phải Trung Quốc chống lại Mỹ theo cách họ luôn mô tả. Đây là Trung Quốc chống lại các quốc gia có cùng chí hướng”, quan chức Mỹ nói.
“Khi một quốc gia khác thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, đi cùng hoặc thực hiện các hoạt động chung với Mỹ, điều này củng cố thông điệp rằng chúng ta đứng lên vì trật tự dựa trên quy tắc và Trung Quốc là bên duy nhất đi chệch hướng”, quan chức Mỹ cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper hồi đầu tháng 7 tuyên bố chiến hạm hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi qua Biển Đông và giúp các quốc gia trong khu vực “đẩy lùi hoạt động gây hấn của hải quân Trung Quốc”.
“Năm 2019, chúng tôi triển khai số chiến dịch tự do hàng hải tại Biển Đông nhiều kỷ lục trong lịch sử 40 năm của chương trình. Chúng tôi sẽ giữ nhịp độ này trong năm nay”, Esper nói. “Chúng tôi muốn tăng cường mối quan hệ trong khu vực để các quốc gia Đông Nam Á có thể giữ gìn và bảo vệ vùng biển của họ”.
Giới chức Australia dự đoán Trung Quốc sẽ phản ứng giận dữ với lập trường pháp lý mới của Canberra về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh. Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố Australia “liều lĩnh khiêu khích” và cảnh báo Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách áp lệnh trừng phạt với sản phẩm rượu vang và thịt bò xuất khẩu của nước này.
Đại sứ Mỹ tại Australia Arthur Culvahouse ca ngợi tuyên bố pháp lý của Canberra. “Sự lãnh đạo mạnh mẽ và liên tục của Australia trong khu vực giúp đảm bảo tầm nhìn chung của chúng ta về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Culvahouse nói.