Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnToàn văn bài phát biểu kêu gọi ‘chống Trung Quốc chuyên chế’...

Toàn văn bài phát biểu kêu gọi ‘chống Trung Quốc chuyên chế’ của Ngoại trưởng Mỹ

Hôm 23/7 (sáng 24/7 theo giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu với tiêu đề: “Trung Quốc Cộng sản và tương lai của thế giới tự do” tại Thư viện Richard Nixon, thành phố Yorba Linda, bang California. Ông đã chỉ ra mối nguy hại từ chính quyền Trung Quốc bạo ngược, đồng thời kêu gọi các nền dân chủ toàn cầu hợp sức nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi.

Dưới đây là bản tiếng Việt do Đại Kỷ Nguyên biên dịch dựa trên bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

*************

 Tôi cảm thấy thật vinh dự khi được đứng ở đây, Yorba Linda, nơi cố Tổng thống Nixon đã sinh ra và lớn lên.

Cảm ơn tất cả ban điều hành và những nhân viên Trung tâm Nixon đã tổ chức sự kiện ngày hôm nay, trong một thời điểm rất khó khăn do dịch bệnh. Cảm ơn tất cả những gì mọi người đã làm cho tôi và đội ngũ của tôi.

Chúng tôi cũng rất vinh dự khi được tiếp đón một số vị khách vô cùng đặc biệt đang có mặt tại sự kiện, bao gồm Chris Nixon, người mà tôi đã quen từ trước. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến Tricia Nixon và Julie Nixon Eisenhower (*) vì sự ủng hộ của họ cho chuyến thăm này.

Tôi muốn giới thiệu một số nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc can đảm đã phải trải qua một chuyến đi dài để đồng hành cùng chúng tôi ngày hôm nay.

Và xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các vị khách quý khác có mặt tại đây. 

 Cảm ơn tất cả các quý vị đang theo dõi truyền hình trực tiếp.

Và sau chót, như ngài thống đốc đã đề cập, tôi được sinh ra tại đây, ở Santa Ana, cách đây không xa. Ngồi dưới hàng ghế khán giả cũng có vợ chồng em gái tôi. Cảm ơn vì hai người đã có mặt. Tôi đoán hai người chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ đứng trên đây.

Bài phát biểu của tôi hôm nay là bài thứ tư trong loạt bài phát biểu về Trung Quốc mà tôi đã đề nghị Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, Giám đốc FBI Chris Wray và Tổng chưởng lý Barr cùng đưa ra.

Chúng tôi có một mục đích và nhiệm vụ thực tế rất rõ ràng. Đó là giải thích các khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ Mỹ-Trung, sự mất cân bằng nghiêm trọng đã tích tụ trong nhiều thập niên, cũng như âm mưu bá quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Mục tiêu của chúng tôi là làm rõ các mối đe dọa đối với người dân Mỹ mà chính sách đối với Trung Quốc của Tổng thống Trump đang tìm cách giải quyết, cũng như chiến lược của chúng ta nhằm bảo đảm quyền tự do.

 

Đại sứ O’Brien đã nói về lĩnh vực ý thức hệ. Giám đốc FBI Wray thì đề cập đến vấn đề gián điệp. Tổng chưởng lý Barr thì bàn về khía cạnh kinh tế. Và mục tiêu của tôi hôm nay là tập hợp tất cả chúng lại cho người dân Mỹ và thảo luận chi tiết về mối đe dọa của Trung Quốc đối với nền kinh tế và tự do của chúng ta, cũng như tương lai của nền dân chủ toàn cầu. 

Năm tới đánh dấu tròn nửa thế kỷ diễn ra sứ mệnh bí mật của Tiến sĩ Kissinger đến Trung Quốc, trong khi năm 2022 sẽ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của cố Tổng thống Nixon.

Thế giới khi đó rất khác với ngày nay.

Chúng ta đã từng kỳ vọng việc kết giao với Trung Quốc sẽ tạo ra một tương lai đầy hứa hẹn về sự thân thiện và hợp tác.

Nhưng hôm nay, chúng ta vẫn đang phải đeo khẩu trang và chứng kiến số người chết vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán tăng vọt vì ĐCSTQ đã lừa dối thế giới. Mỗi sáng, chúng ta đều đọc được những tin tức cập nhập về tình hình đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương.

 

Chúng ta đang chứng kiến những số liệu thống kê sửng sốt về việc Trung Quốc lạm dụng thương mại, khiến người Mỹ thất nghiệp và giáng nhiều đòn mạnh vào nền kinh tế trên khắp cả nước, bao gồm cả khu vực miền nam California nơi đây. Và chúng ta đang chứng kiến quân đội Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và trở nên hung hăng hơn.

Tôi nhắc lại những câu hỏi vang lên trong tâm trí người Mỹ, từ California cho đến quê hương tôi ở tiểu bang Kansas và các nơi khác:

Người dân Mỹ giờ đây phải thể hiện điều gì sau 50 năm kết giao với Trung Quốc? Liệu những lý thuyết về sự cải cách hướng đến tự do dân chủ tại Trung Quốc mà các nhà lãnh đạo của chúng ta đề xướng có trở thành sự thật? Đây có phải là định nghĩa của Trung Quốc về một tình huống hai bên cùng có lợi hay không?

Và quan trọng là, đứng trên quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ, liệu nước Mỹ có trở nên an toàn hơn không? Liệu chúng ta có khả năng xây dựng nền hòa bình cho mình và các thế hệ tương lai hay không?

Chúng ta phải thừa nhận một sự thật phũ phàng. Sự thật này sẽ dẫn đường cho chúng ta trong những thập niên tới, nếu chúng ta muốn một thế kỷ 21 tự do, thay vì thế kỷ của Trung Quốc như ông Tập Cận Bình khao khát. Mô hình quan hệ mù quáng kiểu cũ với Trung Quốc về cơ bản sẽ không làm được điều này. Chúng ta không được phép duy trì và quay trở lại lộ tuyến cũ.

Như Tổng thống Trump đã nói, chúng ta cần một chiến lược bảo vệ nền kinh tế Mỹ và lối sống Mỹ. Thế giới tự do phải chiến thắng chủ nghĩa chuyên chế mới này.

Trước khi tôi có thể bị cho là đã quá hào hứng phá bỏ mọi di sản của Tổng thống Nixon, tôi muốn làm rõ rằng ông ấy đã làm những gì ông tin là tốt nhất cho người dân Mỹ vào thời điểm đó, và rất có thể ông ấy đã đúng.

Ông ấy là một cậu học trò xuất sắc về Trung Quốc, một chiến binh lạnh lùng nhưng đầy sức mạnh, và cũng là một người rất ngưỡng mộ người dân Trung Quốc, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều như vậy. Ông ấy đáng được tôn vinh vì nhận ra tầm quan trọng của Trung Quốc, ngay cả khi quốc gia này bị suy yếu vì chính sách tàn bạo của chính quyền cộng sản.

Nixon đã giải thích chiến lược tương lai trong một bài viết rất nổi tiếng trên tạp chí Foreign Affairs năm 1967. 

Ông ấy cho rằng “trong dài hạn, chúng ta không thể gạt Trung Quốc ra khỏi đại gia đình các quốc gia. Thế giới không thể bình yên cho đến khi Trung Quốc thay đổi. Vì vậy, mục đích của chúng ta – trong khả năng có thể – là tác động đến các sự kiện, đích đến là thúc đẩy sự thay đổi tại đại lục”.

Tôi nghĩ rằng cụm từ quan trọng nhất trong toàn bộ bài viết chính là “thúc đẩy sự thay đổi”. Với chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh, Tổng thống Nixon đã khởi động chiến lược thiết lập quan hệ của chúng ta. Ông ấy theo đuổi một thế giới tự do và an toàn hơn, đồng thời hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ đồng tình với quyết tâm này.

Thời gian trôi qua, các nhà hoạch định chính sách Mỹ ngày càng tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ mở cửa và tự do hơn khi trở nên thịnh vượng, ngày càng thân thiện hơn và bớt là mối đe dọa trên trường quốc tế. Tôi cho rằng, mọi thứ khi đó dường như chắc chắn sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, giai đoạn này đã chấm dứt. Hình thức hợp tác mà chúng ta theo đuổi đã không mang lại sự thay đổi từ nội bộ Trung Quốc như Tổng thống Nixon từng kỳ vọng.

Sự thật là các chính sách của chúng ta và của các quốc gia tự do khác đã giúp hồi sinh nền kinh tế đang kiệt quệ của Trung Quốc, chỉ để rồi thấy Bắc Kinh quay lại lấy oán trả ân.

Chúng ta chào đón công dân Trung Quốc, chỉ để rồi thấy ĐCSTQ lợi dụng xã hội tự do và mở cửa của chúng ta. Trung Quốc cử những tuyên truyền viên vào các cuộc họp báo, trung tâm nghiên cứu, cơ sở giáo dục và thậm chí cả các cuộc họp phụ huynh trong trường.

Chúng ta đã gạt những người bạn Đài Loan sang bên lề, nhưng họ vẫn phát triển thành một nền dân chủ mạnh mẽ.

Chúng ta cấp ưu đãi kinh tế đặc biệt cho Trung Quốc, để rồi chứng kiến họ yêu cầu các doanh nghiệp phương Tây nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi vi phạm nhân quyền nếu muốn làm ăn tại đại lục. 

Mới đây, Đại sứ O’Brien đã nêu một vài ví dụ như Marriott, American Airlines, Delta, United phải xóa mọi thông tin về Đài Loan trên website để tránh làm Bắc Kinh tức giận. Hollywood, trung tâm của sự sáng tạo và công lý xã hội của Mỹ, đã tự kiểm duyệt những nội dung thậm chí chỉ hơi chút bất lợi cho Trung Quốc.

Điều này cũng xảy ra trên khắp thế giới.

Vậy sự qụy lụy của các doanh nghiệp đã cho ra kết quả thế nào? Liệu sự nịnh bợ của họ có mang lại kết quả xứng đáng hay không? Tôi sẽ trích một câu trong bài phát biểu của Tổng chưởng lý Barr vào tuần trước: “Tham vọng tột độ của giới cầm quyền Trung Quốc không phải là giao thương với Mỹ, mà là ăn cướp của nước Mỹ”.

Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại đáng giá của chúng ta, khiến hàng triệu người khắp nước Mỹ mất việc. Họ hút sạch những chuỗi cung ứng ra khỏi Mỹ, thậm chí sử dụng cả lao động cưỡng bức. Họ khiến các tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới trở nên kém an toàn hơn cho thương mại quốc tế.

Tổng thống Nixon từng thừa nhận ông sợ rằng mình đã tạo ra một “Frankenstein” (**) khi mở cửa thế giới với Trung Quốc, và hiện trạng chúng ta đang có là đây.

Những người thiện chí sẽ tranh luận về việc tại sao thế giới tự do cho phép những điều tồi tệ này diễn ra trong nhiều năm. Có lẽ chúng ta đã quá ngây thơ trước lối tư duy độc hại theo thiên hướng cộng sản của Trung Quốc, hoặc ngủ quên trên thắng lợi Chiến tranh lạnh, hoặc đã trở thành những nhà tư bản hèn nhát, hoặc bị lừa dối bởi phát biểu của Trung Quốc về “sự trỗi dậy hòa bình”.

Bất kể lý do là gì, Trung Quốc ngày càng độc đoán ở trong nước và hung hăng đối với xã hội tự do ở nước ngoài. Và Tổng thống Trump đã nói: đủ rồi.

Tôi không nghĩ nhiều người ở hai phe chính trị Mỹ sẽ tranh cãi về sự thật mà tôi đề cập đến hôm nay. Nhưng thậm chí đến giờ, vẫn có người muốn duy trì mô hình đối thoại chỉ vì mục đích đối thoại.

Chúng ta sẽ tiếp tục đối thoại, nhưng nội dung sẽ khác. Tôi đã tới Honolulu cách đây vài tuần để gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Vẫn là một câu chuyện cũ xưa – rất nhiều lời nói nhưng không có đề xuất nào nhằm thay đổi cách hành xử. 

Lời hứa của ông Dương, cũng giống như của rất nhiều quan chức Trung Quốc trước đó, là trống rỗng. Ông ta dường như kỳ vọng tôi chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh, bởi đây chính là điều rất nhiều chính quyền tiền nhiệm đã làm. Nhưng tôi thì không, và Tổng thống Trump cũng sẽ không như vậy.

Như cố vấn O’Brien đã giải thích rất rõ, chúng ta phải nhớ rằng chính quyền Trung Quốc theo hệ tư tưởng Mác – Lênin. Tổng Bí thư Tập Cận Bình là người rất tin tưởng vào ý thức hệ toàn trị đã mục nát. Chính nó, ý thức hệ này đã thẩm thấu trong tham vọng hàng chục năm của ông ta đối với sự thống trị toàn cầu của Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc. Nước Mỹ không còn có thể tiếp tục phớt lờ những khác biệt căn bản về chính trị và ý thức hệ giữa hai nước, cũng như chính quyền Trung Quốc chưa từng bao giờ làm vậy.

Kinh nghiệm của tôi khi còn ở Ủy ban Tình báo Hạ viện, và sau đó là giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và hơn hai năm trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ đã dẫn đến kết luận sau:

Cách duy nhất để thực sự thay đổi chính quyền cộng sản Trung Quốc là không được hành động dựa trên những gì giới lãnh đạo nói, mà phải dựa trên những gì họ làm. Mọi người có thể thấy chính sách của Mỹ tương hợp với kết luận này. Tổng thống Reagan từng nói chính sách ngoại giao của ông với Liên Xô dựa trên nguyên tắc “tin tưởng nhưng phải chứng thực”. Còn đối với ĐCSTQ, tôi nghĩ chúng ta phải “không tin tưởng và cần chứng thực”.

Chúng ta, các quốc gia yêu chuộng tự do, phải khiến Trung Quốc thay đổi như mong muốn của cố Tổng thống Nixon. Chúng ta phải hối thúc Trung Quốc thay đổi bằng những cách thức sáng tạo và quyết đoán hơn, bởi hành động họ đe dọa người dân và sự thịnh vượng của chúng ta.

Chúng ta phải bắt đầu bằng cách thay đổi góc nhìn của người dân và các đối tác của chúng ta về ĐCSTQ. Chúng ta phải nói sự thật. Chúng ta không thể coi Trung Quốc là một quốc gia bình thường như các nước khác.

Chúng tôi biết rằng giao thương với Trung Quốc không giống như với những nước bình thường, tuân thủ luật pháp. Bắc Kinh đe dọa các thỏa thuận quốc tế và coi chúng như công cụ để thống trị toàn cầu.

Nhưng bằng cách theo đuổi các điều khoản công bằng, như cách đại diện thương mại của chúng ta đã làm khi đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một, có thể buộc Trung Quốc phải xem xét lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và các chính sách gây tổn hại người lao động Mỹ.

Chúng tôi cũng hiểu rằng làm ăn với một doanh nghiệp được ĐCSTQ chống lưng khác với làm ăn với một doanh nghiệp Canada. Họ không thuộc quyền quản lý của các hội đồng độc lập, nhiều công ty được nhà nước bảo trợ nên không cần theo đuổi lợi nhuận. 

Một ví dụ điển hình là Huawei. Chúng tôi đã ngừng coi Huawei là một công ty viễn thông vô tội vốn chỉ xuất hiện để giúp mọi người liên lạc với người thân. Chúng tôi đã gọi đúng bản chất của nó là một mối đe dọa an ninh quốc gia, và đã có hành động tương xứng.

Nếu các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, họ có thể vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho các hoạt động vi phạm nhân quyền thô bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ đã xử phạt, liệt nhiều quan chức và thực thể Trung Quốc vào danh sách đen vì lạm dụng các quyền cơ bản nhất của con người trên toàn thế giới. Nhiều cơ quan đã phối hợp trong một chương trình tư vấn kinh doanh để đảm bảo các lãnh đạo doanh nghiệp hiểu được chuỗi cung ứng của họ hoạt động như thế nào ở Trung Quốc.

Chúng tôi cũng biết rằng không phải tất cả du học sinh và nhân viên Trung Quốc chỉ là những người bình thường, đến đây chỉ để kiếm một ít tiền và trang bị cho mình một số kiến ​​thức. Rất nhiều người trong đó đến đây để đánh cắp tài sản trí tuệ và mang về Trung Quốc.

Bộ Tư pháp và các cơ quan đang tìm cách trừng phạt những tội phạm này. Chúng ta biết rằng quân đội Trung Quốc cũng không phải một đội quân bình thường. Mục đích của họ là duy trì sự cai trị tuyệt đối của ĐCSTQ và mở rộng đế chế Trung Quốc, chứ không phải bảo vệ người dân.

Và vì vậy, Bộ Quốc phòng của chúng ta đã đẩy mạnh các nỗ lực, cũng như chiến dịch duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như ở Eo biển Đài Loan. Và chúng ta đã tạo ra Lực lượng Không gian để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở mặt trận cuối cùng.

Chúng tôi cũng đã xây dựng một loạt chính sách mới để đối phó với Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao, thúc đẩy mục tiêu của Tổng thống Trump về nguyên tắc công bằng và có đi có lại, điều chỉnh thâm hụt mậu dịch đã mở rộng trong suốt nhiều thập niên qua.

Ngay trong tuần này, chúng tôi đã yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bởi đây là một trung tâm gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của người Mỹ.

Cách đây hai tuần, chúng tôi đã đảo ngược 8 năm làm ngơ vấn đề luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Chúng tôi cũng kêu gọi Trung Quốc điều chỉnh năng lực hạt nhân, tuân thủ những thực tế chiến lược trong thời đại này.

Mọi cấp độ của Bộ Ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới đã giao tiếp với những người đồng cấp Trung Quốc để đòi hỏi sự công bằng, có đi có lại.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Mỹ không chỉ dừng ở việc hành động cứng rắn, bởi điều đó khó có thể mang lại kết quả mà chúng ta mong đợi. Chúng ta cũng phải thúc đẩy người dân Trung Quốc – những con người năng động, khao khát tự do, mà vốn dĩ hoàn toàn tách biệt với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điều đó bắt đầu bằng chính sách ngoại giao gặp mặt trực tiếp. Tôi đã gặp nhiều người Trung Quốc siêng năng và tài giỏi ở khắp mọi nơi.

Tôi đã gặp những người Duy Ngô Nhĩ và dân tộc Kazakh trốn thoát khỏi trại tập trung ở Tân Cương. Tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo dân chủ Hồng Kông, từ Hồng y Zen, Jimmy Lai cho tới gần đây nhất là Nathan Law.

Hồi tháng trước, tôi đã nghe những câu chuyện của những người sống sót sau thảm kịch Thiên An Môn năm 1989. Một số trong họ cũng có mặt ở đây.

Vương Đan là cựu sinh viên chủ chốt, người chưa từng bao giờ ngừng chiến đấu vì tự do cho người dân Trung Quốc. Ông Vương, xin ông vui lòng đứng dậy để mọi người nhận ra ông được chứ?

Tham gia cùng chúng ta hôm nay còn có cha đẻ của phong trào dân chủ Trung Quốc, ông Ngụy Kinh Sinh. Ông Ngụy đã phải dành nhiều thập niên trong các trại lao động Trung Quốc. Ông Ngụy, ông đứng lên được chứ?

Tôi trưởng thành và phục vụ trong quân đội vào thời Chiến tranh Lạnh. Và có một điều tôi đã học được, đó là cộng sản gần như luôn luôn nói dối. Điều dối trá lớn nhất mà họ nói là họ đại diện cho 1,4 tỷ người dân đang bị giám sát, áp bức và sợ hãi không dám lên tiếng cho bản thân mình.

Nhưng hoàn toàn ngược lại. ĐCSTQ sợ tiếng nói chân thật của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù nào khác, và lý do duy nhất là vì họ sợ đánh mất quyền lực.

Hãy thử tưởng tượng xem Trung Quốc và thế giới sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu chúng ta có thể nghe được tiếng nói của các bác sĩ ở Vũ Hán, nếu họ được phép gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bùng phát của đại dịch nCoV.

Trong nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo của chúng ta đã phớt lờ và coi nhẹ những tiếng nói chỉ trích ​​dũng cảm tại Trung Quốc, những người đã cảnh báo cho chúng ta biết về bản chất của chế độ mà chúng ta đang đối mặt.

Chúng ta không thể tiếp tục phớt lờ điều đó nữa. Tất cả đều hiểu rằng chúng ta không thể quay về trạng thái cũ. 

Nhưng thay đổi cách hành xử của ĐCSTQ không chỉ là nhiệm vụ của riêng người dân Trung Quốc. Các quốc gia tự do trên thế giới phải hành động để bảo vệ tự do. Đó không phải điều dễ dàng.

Nhưng tôi tin chúng ta có thể làm được. Tôi có niềm tin bởi vì chúng ta đã từng làm điều đó. Chúng ta biết cần làm thế nào. Tôi có niềm tin bởi vì ĐCSTQ đang lặp lại nhiều sai lầm giống Liên Xô, như xa rời các đồng minh tiềm năng, gây mất niềm tin cả trong và ngoài nước, phủ nhận quyền sở hữu tài sản và nền pháp trị ổn định. 

Tôi có niềm tin. Tôi có niềm tin bởi tôi thấy nhiều quốc gia đã thức tỉnh và hiểu rằng chúng ta không thể quay trở về quá khứ giống như cách chúng ta đang làm ở Mỹ. Tôi đã nghe thấy điều này ở Brussels, cho đến Sydney, và cả Hà Nội.

Và trên hết, tôi có niềm tin rằng chúng ta có thể bảo vệ tự do vì chính sự ngọt ngào của nó.

Hãy nhìn vào những người Hồng Kông đang kêu gọi di cư ra hải ngoại khi ĐCSTQ siết chặt nanh vuốt vào thành phố đầy tự hào này. Khi biểu tình họ đã vẫy cờ Mỹ.

Thực tế là vẫn có những khác biệt. Khác với Liên Xô, Trung Quốc hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng Bắc Kinh phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn chúng ta phụ thuộc vào họ.

Tôi bác bỏ quan điểm rằng chúng ta đang sống trong một thời đại không thể thay đổi, rằng một số cạm bẫy đã được thiết lập sẵn và sự thống trị của ĐCSTQ chính là tương lai. Cách tiếp cận của chúng ta khó lòng thất bại chỉ vì nước Mỹ đang suy thoái. Như tôi đã nói ở hội nghị an ninh Munich hồi đầu năm, thế giới tự do vẫn đang chiến thắng. Chúng ta chỉ cần tin tưởng và tự hào về điều đó. Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới vẫn muốn đến sinh sống ở một xã hội cởi mở. Họ đến đây để học tập, làm việc và xây dựng cuộc sống. Họ không tìm mọi cách để tới định cư tại Trung Quốc.

Đã đến lúc rồi. Thật tuyệt khi có mặt ở đây hôm nay. Quả là một thời điểm hoàn hảo. Đã đến lúc các quốc gia tự do phải hành động. Không phải nước nào cũng tiếp cận Trung Quốc theo cùng một cách, họ cũng không nên làm vậy. Mỗi quốc gia tự phải biết cách bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự thịnh vượng kinh tế và bảo vệ lý tưởng của đất nước trước những xúc tu của ĐCSTQ.

Dù vậy, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của mọi quốc gia hãy bắt đầu hành động giống Mỹ – đơn giản theo đuổi nguyên tắc có đi có lại, tính minh bạch và có trách nhiệm từ ĐCSTQ. Đó là một cái khung hành động không nhất định giống nhau.

Những tiêu chuẩn đơn giản nhưng mạnh mẽ đó sẽ đem lại hiệu quả tuyệt vời. Chúng ta đã để ĐCSTQ kiểm soát các điều khoản hợp tác quá lâu, nhưng điều này sẽ chấm dứt. Các quốc gia tự do mới là người kiểm soát các điều kiện. Chúng ta cần phải hoạt động dựa trên cùng nguyên tắc.

Chúng ta phải vạch ra các đường hướng chung và không bị cuốn theo những đề xuất béo bở của ĐCSTQ. Đó chính là điều Mỹ đã làm gần đây khi bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi cũng thúc giục các nước trở thành Các Quốc gia Trong Sạch để thông tin cá nhân của người dân không bị rơi vào tay ĐCSTQ. Chúng ta làm điều đó bằng cách đề ra tiêu chuẩn.

Điều này sẽ rất khó khăn với một số nước nhỏ. Họ sợ bị cô lập, không có khả năng hoặc không đủ can đảm để sát cánh cùng nước Mỹ vào thời điểm này.

Chúng ta có một đồng minh trong khối NATO đã không đứng lên như kỳ vọng đối với vấn đề Hồng Kông, vì họ sợ Bắc Kinh sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đại lục. Đây là hành động sẽ dẫn đến thất bại lịch sử, và chúng ta không được tái diễn.

Chúng ta không thể lặp lại những sai lầm tương tự trong quá khứ. Thách thức từ Trung Quốc đòi hỏi nỗ lực từ nhiều quốc gia dân chủ ở Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ và đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nếu không hành động ngay bây giờ, rốt cục ĐCSTQ sẽ làm xói mòn các quyền tự do và trật tự thượng tôn pháp luật mà chúng ta đã nỗ lực gây dựng. Nếu chịu khuất phục, con cháu chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả từ ĐCSTQ trong tương lai, bởi những hành vi của nó là thách thức chủ yếu cho thế giới tự do ngày hôm nay. 

Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ không trở thành người thống trị cả trong và ngoài Trung Quốc, trừ phi chúng ta cho phép điều đó xảy ra.

Đây không chỉ là vấn đề kiềm chế và kiểm soát. Đừng tin vào điều đó. Đây là một thách thức mới phức tạp mà chúng ta chưa từng đối mặt. Liên Xô đóng cửa với thế giới tự do, trong khi Trung Quốc lại hiện diện ngay trong biên giới của chúng ta.

Vì vậy, Mỹ không thể một mình đối mặt với thách thức này. Liên Hợp Quốc, NATO, các nước G7 và G20, sự hợp lực về kinh tế, ngoại giao và quân sự của chúng ta sẽ đủ sức đối phó thách thức này nếu chúng ta chọn đúng hướng đi, và có dũng khí. 

Có lẽ đã đến lúc thành lập một nhóm các quốc gia có cùng chí hướng, một liên minh mới của các nền dân chủ.

Chúng ta có công cụ. Tôi biết chúng ta làm được điều đó. Chúng ta chỉ cần có đủ ý chí. Tôi xin trích dẫn Kinh Thánh, tôi muốn hỏi liệu “tinh thần của chúng ta mạnh mẽ nhưng thể xác lại yếu đuối chăng?”

Nếu thế giới tự do không thay đổi, không muốn thay đổi, thì ĐCSTQ chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta. Chúng ta không thể quay lại lối mòn cũ chỉ vì nó thuận tiện. Bảo vệ tự do của chúng ta trước ĐCSTQ là sứ mệnh thời đại, và nước Mỹ đang ở vị thế hoàn hảo để dẫn đầu xu thế đó nhờ các nguyên tắc lập quốc của chúng ta.

Như tôi đã giải thích ở Philadelphia tuần trước khi đứng ở Hội trường Độc lập, đất nước chúng ta được kiến lập dựa trên nền tảng rằng tất cả mọi người đều có những quyền bất khả xâm phạm. Công việc của chính phủ là bảo vệ những quyền đó. Đây là sự thật đơn giản nhưng mạnh mẽ. Điều đó đã đã biến chúng ta thành ngọn hải đăng tự do cho người dân toàn cầu, bao gồm cả những người ở Trung Quốc. 

Richard Nixon hồi năm 1967 đã đúng khi viết rằng “thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi”. Câu nói của ông vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay.

Hôm nay mối hiểm họa đã rất rõ ràng. Hôm nay sự thức tỉnh đang diễn ra. Hôm nay thế giới tự do phải hành động. Chúng ta không thể trở lại quá khứ.

Cầu Chúa phù hộ các bạn. Cầu Chúa phù hộ người dân Trung Quốc. Cầu Chúa phù hộ người dân Mỹ.

Xin cảm ơn tất cả các bạn.

RELATED ARTICLES

Tin mới