Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam nói gì về Mỹ điều tàu đến đảo TQ lấn...

Việt Nam nói gì về Mỹ điều tàu đến đảo TQ lấn chiếm

Các nước có lợi ích ở Biển Đông cần đóng góp vào việc duy trì hòa bình ở khu vực, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.

“Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do  hàng hải và hàng không trong khu vực này”, ông Bình hôm nay trả lời câu hỏi của VnExpress về thông tin Mỹ sắp điều tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo người phát ngôn, những đóng góp của các nước phải dựa trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).

Báo chí Mỹ hôm 8/10 cho hay Washington đang xem xét triển khai tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry đã lên lịch thảo luận về việc tuần tra với phía Australia tại Boston, Mỹ từ đầu tuần.

Các quan chức ở Philippines cũng cho biết họ đã được thông báo về kế hoạch tuần tra trong vài ngày qua. 

trung-quoc-tuc-gian-vi-my-australia-tinh-viec-tuan-tra-bien-dong-1

Trung Quốc xây trái phép các đường băng ở Trường Sa như thế nào (chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành

Trung Quốc hơn một năm nay đẩy mạnh việc cải tạo và xây dựng các đảo ở Trường Sa của Việt Nam. Mỹ và các nước nhận định Trung Quốc sẽ thiết lập các căn cứ quân sự và đường băng ở đây. Việt Nam cũng nhiều lần phản đối hành động phi pháp này. Tại Biển Đông, Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước thuộc ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunie.

Đề cập tới việc Phillippines lo ngại Trung Quốc đã lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, ông Bình nói mọi hoạt động của các bên ở khu vực này cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan.

“Các hoạt động này cũng cần tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với tinh thần của Tuyên bố DOC, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng không và tự do hàng hải ở khu vực này”, ông cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới