Trung Quốc vẫn đang hành động cẩn trọng với Mỹ để không gây thiệt hại nặng nề cho quan hệ song phương, bất chấp hàng loạt vấn đề căng thẳng gần đây.
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, Các nhà phân tích nhận định, bất chấp lập trường “Chiến binh sói” của các nhà ngoại giao hay những người theo chủ nghĩa dân tộc học tại Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn tránh thực hiện các hành động khiêu khích quá mức và cho đến nay vẫn chưa đáp trả “tương xứng” với các đòn ngoại giao của Mỹ.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bùng nổ từ tuần trước, khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Houston, bang Texas trong 72 giờ vì nghi ngờ có liên quan tới các hoạt động gián điệp.
Trung Quốc ngay lập tức có hành động đáp trả Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô, thay vì các cơ sở ngoại giao quan trọng như lãnh sự quán ở Vũ Hán hay các lãnh sự quán trọng yếu hơn như ở Thượng Hải hay Hong Kong.
Mặc dù Trung Quốc mô tả việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là hành động “cần thiết”, “phù hợp” và “có đi có lại”, song Bắc Kinh vẫn xử sự một cách cân bằng để vừa làm hài lòng công chúng trong nước, những người kêu gọi cứng rắn hơn với Washington, nhưng vẫn không đẩy quan hệ song phương tới bờ vực sụp đổ.
“Về cơ bản, hành động đó cho thấy Trung Quốc vẫn giữ lập trường cứng rắn, nhưng không muốn để tình hình leo thang. Cách tiếp cận tổng thể của Trung Quốc, giống như một cường quốc đang trỗi dậy, không phải nhằm tìm cách đẩy Mỹ vào một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện”, SCMP dẫn lời Zhang Baohui, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, nhận định.
Căng thẳng Mỹ – Trung bắt đầu leo thang vào giữa năm 2018 khi Washington “nổ phát súng đầu tiên” trong cuộc chiến thương mại kéo dài tới tận ngày hôm nay. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gạt bỏ các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo với Trung Quốc, song Bắc Kinh vẫn khẳng định sẽ cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” được hai nước ký kết hồi tháng 1.
Quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi khi hai cường quốc xung đột với nhau trên hàng loạt mặt trận như cạnh tranh công nghệ, gián điệp, dịch Covid-19, và các hành động của Bắc Kinh tại Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và Biển Đông.
Đầu tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi hòa giải và đối thoại “nếu Mỹ sẵn sàng”. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau đó, ông Vương đã chỉ trích Mỹ “mất trí, đạo đức và tín nhiệm”, đồng thời cho rằng chính sách “Nước Mỹ là số Một” của chính quyền Trump đã dẫn tới sự bắt nạt và ích kỷ.
Đáp trả cẩn trọng
Theo nhà nghiên cứu Cui Lei tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn đang tìm cách xoa dịu tình hình như những lần căng thẳng leo thang trước đây.
“Chiến lược của Bắc Kinh là vừa duy trì sự ổn định, thể hiện thiện chí nhưng vẫn tạo cảm giác, ít nhất ở ngoài mặt rằng, họ sẽ không nhượng bộ. Miễn là Mỹ không muốn bước vào một cuộc chiến tranh, hai bên vẫn có cơ hội để đàm phán”, Cui Lei, người từng là một nhà ngoại giao, cho biết.
Theo Reuters, Mỹ hồi tháng 7 trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc liên quan tới cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương, trong đó có bí thư đảng ủy Tân Cương Chen Quanguo. Ông Chen, một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan quyền lực nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị chính quyền Mỹ áp lệnh trừng phạt. Đáp lại, Bắc Kinh trừng phạt hàng loạt nghị sĩ Mỹ gồm Marco Rubio, Ted Cruz, Chris Smith và Sam Brownback – đại sứ đặc trách về tự do tôn giáo quốc tế.
Cũng trong tháng 7, Trung Quốc đáp trả việc Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua thỏa thuận nâng cấp tên lửa trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan bằng việc giáng đòn trừng phạt tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Động thái này của Bắc Kinh được cho là không để lại nhiều hệ quả vì nhà cung cấp vũ khí Mỹ không có nhiều lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc.
Shi Yinhong, cố vấn chính phủ và là chuyên gia về Mỹ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc phần lớn tránh đáp trả “ngang bằng” Mỹ trong những năm gần đây.
“Trung Quốc có ít lựa chọn hơn để đáp trả (Mỹ), so sánh với các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh thân cận nhất của nước này, gồm Anh và Australia, có thể sử dụng. Việc sử dụng các biện pháp trả đũa thường xuyên có thể trao cho ông Trump đúng những gì ông ấy muốn, đồng thời cô lập Trung Quốc hơn nữa trên trường quốc tế”, chuyên gia Shi nhận định.
Trên các nền tảng mạng xã hội đông người dùng ở Trung Quốc, việc truyền thông nhà nước đưa tin về căng thẳng Mỹ – Trung đã làm dấy lên tâm lý chủ nghĩa dân tộc và bài trừ Mỹ. Điều này đã gây sức ép lên giới chức lãnh đạo Trung Quốc, buộc họ không được tỏ ra yếu ớt trước Mỹ.
Zhu Feng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cho biết dư luận Trung Quốc lên tiếng mạnh mẽ, nhưng dường như không tác động tới việc ra quyết sách của Bắc Kinh.
“Ở trong nước, Trung Quốc cố gắng không tỏ ra yếu ớt khi đưa ra quyết định (đóng cửa lãnh sự quán Mỹ) ở Thành Đô và coi đây là một phần của chính sách ngoại giao “Chiến binh sói”. Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới mà Mỹ muốn áp đặt với Trung Quốc”, ông Zhu nói.
Một số chuyên gia dự đoán căng thẳng Mỹ – Trung có thể sẽ hạ nhiệt sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Tổng thống Trump hiện vẫn đổ lỗi cho Bắc Kinh vì để lây lan dịch Covid-19, trong khi Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. Các nhà lập pháp Mỹ cũng đang liên kết để tìm kiếm sự đồng thuận của lưỡng đảng, nhằm theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với các hành động của Trung Quốc.