Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngNga khiến phương Tây ngỡ ngàng trước sức mạnh quân sự ở...

Nga khiến phương Tây ngỡ ngàng trước sức mạnh quân sự ở Syria

Việc Nga triển khai nhanh chóng, hiệu quả chiến dịch không kích tại Syria khiến giới chức phương Tây phải từ bỏ những nghi ngờ về sức mạnh quân sự Nga.

Theo NYTimes, sau hai tuần Nga không kích và tấn công bằng tên lửa hành trình tại Syria, giới tình báo và quân sự phương Tây giờ đã có cái nhìn sâu hơn về sự chuyển mình mà quân đội Nga thực hiện dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Nó cho thấy năng lực của quân đội Nga trong việc thực thi các chiến dịch bên ngoài lãnh thổ, phô diễn uy lực các vũ khí cùng chiến thuật và chiến lược mới.

Các vụ tấn công có sự tham gia của những loại máy bay chưa từng được kiểm nghiệm trên chiến trường, trong đó có chiến đấu cơ Sukhoi Su-34, mà NATO gọi là Fullback, và tên lửa hành trình Kalibr phóng từ chiến hạm trên biển Caspian. Theo một số nhà phân tích, tên lửa hành trình này đã vượt qua loại khí tài tương ứng của Mỹ về năng lực công nghệ.

Khi đánh giá tổng thể, chiến dịch cho thấy điều mà giới chức và các nhà phân tích tin là sự hiện đại hóa âm thầm và chưa hoàn tất đang diễn ra tại Nga trong vài năm trở lại đây, bất chấp tình hình ngân sách khó khăn. Và điều đó đang khiến phương Tây phải đề cao cảnh giác.

Trong một báo cáo lên Hội đồng châu Âu về chính sách đối ngoại hôm 12/10, ông Gustav Gressel, tiến sĩ chiến lược học, đại học Chính sách công Quốc gia Hungary, tin rằng ông Putin đang dẫn dắt quá trình chuyển mình nhanh chóng nhất của lực lượng vũ trang Nga kể từ những năm 1930.

Chiến dịch tại Syria, dù còn khá hạn chế, đã thực sự trở thành nơi Nga thể hiện mình là một nước ngày càng sẵn sàng đối đầu và cứng cỏi hơn dưới thời Putin. Cuối tuần qua, đích thân ông Putin đã phát đi thông điệp rằng, chiến dịch này có thể cho Washington và phương Tây thấy sự hồi sinh sức mạnh quân sự Nga, khả năng vươn ra toàn cầu sau nhiều thập kỷ được cho là suy yếu đi thời hậu Liên Xô.

“Với các chuyên gia, việc Nga được tin là có các loại vũ khí đó là một chuyện, việc họ thấy Nga lần đầu sử dụng những vũ khí đó, chứng tỏ nó thực sự tồn tại, là chuyện khác. Việc này cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Nga thực sự đang sản xuất chúng, những vũ khí ấy có chất lượng cao và chúng ta có những binh lính được huấn luyện tốt để vận hành chúng”, ông Putin khẳng định trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình quốc gia. “Giờ thì họ đã thấy rằng Nga sẵn sàng sử dụng chúng, phục vụ cho lợi ích của đất nước và nhân dân”.

Cách nhìn khác

Việc Nga liên tục công bố video về chiến dịch không kích giúp giới chức và các nhà phân tích phương Tây có cái nhìn rõ hơn về một quân đội từng bị xem như đang xuống cấp, trong gần 25 năm sau khi Liên Xô tan rã.

“Chúng ta đang học được nhiều hơn những gì chúng ta biết được suốt 10 năm qua”, Micah Zenko, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại, một cơ quan nghiên cứu chính sách của Mỹ, nhận định về việc Nga sử dụng các chiến đấu cơ và tên lửa hành trình mới. “Chúng ta đang có cơ hội tìm hiểu năng lực của quân đội Nga ngày nay”.

nga-khien-phuong-tay-ngo-ngang-truoc-suc-manh-quan-su-o-syria-1

Kho vũ khí khổng lồ trên máy bay Sukhoi Su-34 (chi tiết).

Những năng lực được phô diễn tại Syria là thành quả từ cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Nga tại Gruzia năm 2008. Mặc dù Nga đã chiến thắng lực lượng chính phủ Gruzia do Mỹ huấn luyện, khiến họ phải rút khỏi các khu vực quanh vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia, không quân cũng như lục quân Nga khi đó đều bộc lộ điểm yếu.

Nga đã mất ba chiến đấu cơ cùng một máy bay ném bom ngay trong ngày đầu của cuộc chiến, và con số này lên đến 7 chiếc khi kết thúc, một phân tích tiết lộ. Lực lượng bộ binh thì bị cho là yếu kém trong phối hợp và liên lạc, cùng một số vụ “quân ta bắn quân mình”.

Sau cuộc chiến, ông Putin, khi đó giữ chức thủ tướng, đã khởi động chương trình hiện đại hóa quân đội không chỉ nhắm vào việc mua sắm vũ khí, khí tài mới như máy bay, chiến hạm, tên lửa, mà còn có những bước cải cách trong việc huấn luyện và tổ chức, giảm số lượng để tăng chất lượng.

Chi tiêu quân sự của Nga sau khi xuống mức đáy giữa những năm 1990 đã tăng đều đặn dưới thời ông Putin, bất chấp giá dầu giảm cùng các lệnh cấm vận quốc tế sau khi sáp nhập Crimea, lên mức 81 tỷ USD, tương đương 4,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Bước tiến của quân đội Nga không dừng lại ở những vũ khí mới, mà còn ở cả sự chuyên nghiệp và sẵn sàng cao hơn. Nga đã triển khai các hoạt động chính tại căn cứ không quân gần Latakia, tây bắc Syria chỉ trong vòng ba tuần. Họ điều động hơn 40 chiến đấu cơ và trực thăng, hàng chục xe tăng, xe bọc thép. Ngoài ra còn có tên lửa, hệ thống pháo binh, phòng không và nhà ở lưu động cho đến 2.000 binh sĩ. Đây là đợt điều động lớn nhất của Moscow tới Trung Đông kể từ khi Liên Xô đưa quân tới Ai Cập những năm 1970.

“Điều khiến tôi bị ấn tượng là việc họ di chuyển rất nhiều thiết bị đi rất xa và rất nhanh”, thiếu tướng Ben Hodges, tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu nhận xét.

Kể từ khi chiến dịch không kích bắt đầu hôm 30/9, Nga đã nhanh chóng tăng số không kích từ vài lượt mỗi ngày lên tới gần 90 lượt trong vài ngày. Họ sử dụng nhiều loại vũ khí dẫn đường và không dẫn đường, bao gồm cả bom mảnh và bom phá bê tông để phá hủy các cứ điểm kiên cố, các nhà phân tích Mỹ cho biết.

Nga không chỉ đem đến một số những thiết bị hiện đại nhất mà còn triển khai những bếp ăn lưu động lớn, thậm chí cả đội ngũ vũ công, ca sĩ để giúp binh lính giải khuây. Tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi, các nhà phân tích Mỹ nhấn mạnh.

“Họ mang tới đầy đủ mọi thứ”, Jeffrey White, chuyên gia Viện chính sách Cận Đông Washington nói. “Nó cho thấy họ có thể triển khai một lực lượng viễn chinh quy mô đáng kể”.

Michael Kofman, chuyên gia nghiên cứu quân đội Nga tại viện Kennan ở Washington, cho biết chiến dịch tại Syria cho thấy Nga đã bắt kịp năng lực chiến đấu mà Mỹ thể hiện kể từ những năm 1990.

“Việc thực hiện những vụ không kích ban đêm, đánh giá thiệt hại bằng máy bay không người lái, là bước nhảy vọt rõ ràng của Nga lên tầm năng lực chiến đấu của phương Tây những năm 1990 và kể cả hiện nay”, ông Kofman nói.

Không quân Nga từng chứng kiến một loạt tai nạn trong huấn luyện vào mùa xuân và mùa hè vừa qua. Họ mất ít nhất 5 máy bay trong vòng vài tháng. Nguyên nhân, theo ông Kofam, là do các phi công đã hoạt động quá sức. Không quân Nga vẫn thường “bị phương Tây xem là ngôi làng Potemkin (tức là được dựng lên cho đẹp mà không hữu ích) tuy nhiên, sự thật không phải vậy”, chuyên gia này nhận định.

Bất ngờ

Theo Kofman cùng các chuyên gia khác, bất ngờ lớn nhất mà Nga mang đến là công nghệ tên lửa. Các tên lửa hành trình được tàu hộ tống và khu trục Nga bắn đi từ Biển Caspian mới chỉ được thử nghiệm lần đầu năm 2012. Với tầm bắn được cho là khoảng 1.500 km, những tên lửa này chưa từng được sử dụng trong thực chiến. Và cho dù có thông tin nói rằng 4 trong số 26 tên lửa được phóng đã rơi tại Iran, nó vẫn cho thấy một bước nhảy vọt về công nghệ có thể khiến các tư lệnh quân đội NATO phải lo lắng.

nga-khien-phuong-tay-ngo-ngang-truoc-suc-manh-quan-su-o-syria-2

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian vào các mục tiêu IS ở Syria. Ảnh: ABC

Theo chuyên gia này, những tiến bộ trong công nghệ tên lửa đã nâng cao độ chính xác và hỏa lực, thậm chí của cả các chiến hạm và máy bay già cỗi từ thời Liên Xô. “Đây là một vũ khí mới, có hiệu quả đáng ngạc nhiên”, Kofman bình luận.

Truyền hình nhà nước Nga hôm 12/10 nói rằng, khi phóng từ biển Caspian, các tên lửa có thể vươn tới vịnh Ba Tư, bán đảo Arab và “toàn bộ Địa Trung Hải”. Truyền thông nước này cũng nói rằng tên lửa hành trình này từng được thử nghiệm trên hai chiến hạm tại Biển Đen, nơi tiếp giáp ba quốc gia thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Romania.

Tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường, Moskva, chiến hạm chủ lực trong hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Crimea, cũng đã được triển khai tới ngoài khơi Syria. Những tên lửa trên tàu này tạo ra lá chắn trên không do vùng đất thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Syria.

Giới chức Mỹ, trong khi bị ấn tượng trước việc triển khai nhanh chóng chiến đấu cơ và trực thăng của Nga tới Syria, cho rằng Nga chưa thể hiện hết sức mạnh không quân, khi vẫn sử dụng nhiều vũ khí thường và hạn chế dùng vũ khí dẫn đường có tính chính xác cao.

Rõ ràng rằng Nga đang thu lượm những bài học từ cuộc chiến này để áp dụng cho các chiến dịch quân sự khác, David A. Deptula, một tướng không quân Mỹ về hưu, người từng lên kế hoạch cho chiến dịch không kích Afghanistan năm 2001 và chiến tranh vùng Vịnh, nhận định.

“Nga rõ ràng đang sử dụng hoạt động can thiệp vào Syria làm sân khấu để kiểm tra năng lực tác chiến”, Deptula nhận định.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới