Những gì diễn ra cho thấy, tác động của DOC ở Biển Đông thật sự không được là bao. Thậm chí, khi những chữ ký còn chưa ráo mực, giữa các bên có yêu sách chủ quyền Biển Đông đã có những cuộc cãi chí chóe về “quyền anh”, “quyền tôi”.
Ảnh: COC là điều các nước ASEAN mong muốn
DOC – Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông 2002 (gọi tắt là DOC 2002) với sự tham gia của Trung Quốc và 10 nước ASEAN, từng được coi là niềm hy vọng lớn lao làm dịu sóng gió Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế khác xa mong đợi. Không hoàn toàn là một văn kiện vô bổ, nhưng những gì diễn ra cho thấy, tác động của DOC ở Biển Đông thật sự không được là bao. Thậm chí, ngay cả trong thời gian ngắn ngủi, khi những chữ ký còn chưa ráo mực, giữa các bên có yêu sách chủ quyền Biển Đông đã có những cuộc cãi chí chóe về “quyền anh”, “quyền tôi”.
Nói cách khác, DOC – niềm hy vọng, trong thực tế đã trở thành sự thất vọng thật sự, nhất là với các bên liên quan trực tiếp Biển Đông, như Việt Nam, Philippinese, Malaysia, phần nào là Indonesia – tạm coi là “bộ Tứ” – với Trung Quốc.
Thất vọng vì, là bên thò bút ký DOC, nhưng các sự kiện vụ việc phức tạp trên Biển Đông chủ yếu xuất phát từ những động thái ngang ngược của Trung Quốc. Nó chứng tỏ rằng, Trung Quốc ký thế thôi, chứ họ coi DOC như một trò chơi không hơn không kém. Thò bút ký, chẳng qua Bắc Kinh muốn lừa thiên hạ rằng, một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” luôn thiện chí vì một Biển Đông phẳng lặng. Trong những trường hợp cụ thể, những nội dung chung chung, không ràng buộc pháp lý của DOC, còn là cái để họ tỏ ra mình là “nạn nhân” vì sự ngang ngược của các nước khác (!?).
Chính thế, với Trung Quốc, DOC càng tồn tại lâu càng tốt để họ dễ bề quậy phá, bảo vệ yêu sách “đường chín đoạn” nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà”.
Cũng chính thế, gần 10 năm sau, bị thôi thúc vì những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, các nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ ASEAN thống nhất kêu gọi xây dựng và thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thậm chí, COC còn chính thức được ghi nhận là một nội dung của Chương trình Hành động để thực hiện Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác Chiến lược ASEAN – Trung Quốc vì Hòa bình và Thịnh vượng (2011-2015).
Tuy nhiên, quá trình thương thuyết, đàm phán, COC lại gặp khó.
Và khó nhất, đến mức như một trở ngại, ai cũng biết ngay là từ Trung Quốc.
Là bởi, cho dù không/không thể đặt ra mục tiêu giải quyết tranh chấp chủ quyền, nhưng nếu một COC không lỏng lẻo như DOC; không dừng lại ở cam kết chung chung, mà phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành ở Biển Đông vì vi phạm Luật pháp Quốc tế, Công ước Luật biển 1982, các thỏa thuận giữa các bên hữu quan liên quan đến vùng biển này, hay do gây ra căng thẳng, bất ổn định trên Biển Đông, thì hóa ra, văn kiện này là một sợi dây thừng “trói” Trung Quốc,v.v… ?
Vậy nên, các nước ASEAN thì đã đành, muốn đạt được COC càng sớm càng tốt; đã đạt được thỏa thuận ở cấp cao nhất về việc soạn thảo và thông qua văn bản, nhưng Trung Quốc, dù tỏ ra hào hứng, trách nhiệm, thậm chí, còn lạc quan về tiến độ, nhưng để có được cái “gật đầu” của họ khó vô cùng. Đồng thời, Trung Quốc còn ma mãnh tính toán, nếu COC có được thông qua, thì chỉ vào lúc, hiện trạng Biển Đông phải là sự đã rồi có lợi cho Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra lúc này, Tuyên bố thể hiện lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông có tạo nên một tác động gì đến các bên liên quan đàm phán, xây dựng COC?
Với ASEAN không khó đoán vì COC – đó là cái mà họ quá sốt ruột lâu nay. Việt Nam càng mong hơn, bởi muốn tranh thủ mọi thời cơ để “lái” và ghi một dấu ấn nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2020, càng không thể không coi Tuyên bố của Mỹ như một cơ hội thúc đẩy tiến độ xây dựng COC, giúp giảm bớt các cú sốc tác hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực – nơi mà Việt Nam là quốc gia “mệt mỏi” nhất với dã tâm củaTrung Quốc.
Còn Trung Quốc: cùng với việc ngấm các đòn khác của Washington, cũng không thể coi thường Tuyên bố nêu trên. Chưa kể, Trung Nam Hải cũng không thể coi thường tính khí thất thường, hay “nổi điên” của ông Donald Trump trong những tháng cuối nhiệm kỳ, nên có thể sẽ chịu xuống thang đôi chút với các nước ASEAN trong vấn đề COC.
Vậy nên, một tiến độ tích cực nào đó về COC sau Tuyên bố của Mỹ cũng là một cách để Bắc Kinh thể hiện rằng: với COC, các nước ASEAN và Trung Quốc tự mình có thể xử lý tốt tranh chấp. Mỹ và các nước phương Tây khác, hãy tránh ra.
T.V