Bốn năm sau phán quyết vụ kiện Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc tái hiện cuộc tranh luận Mare liberum (biển mở – tự do cho tất cả) và Mare clausum (biển đóng – thuộc về quốc gia) có từ thế kỷ 17.
BDN trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Michael R. Pompeo về Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách biển tại Biển Đông ngày 13/7 và phát biểu làm rõ của Trợ lý Ngoại trưởng David R. Stilwell, phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương một ngày sau đó thể hiện quan điểm Biển Đông “tự do và rộng mở”, là “di sản chung của Đông Nam Á”.
Lập trường nhất quán và lâu dài của Mỹ
Mỹ “ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ”, phản đối “sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng “chân lý thuộc về kẻ mạnh” và “không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế biển của riêng mình”. Mỹ “tuyên bố, và theo Công ước, phán quyết của Tòa Trọng tài là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý với cả hai bên (Philippines và Trung Quốc)”.
Phản hồi của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 13/7 và họp báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 14/7 cho rằng “Trung Quốc đã thực thi quản lý hiệu quả đối với các đảo, đá và vùng biển liên quan ở “Nam Hải” (Biển Đông) ngàn năm nay”.
Trung Quốc chủ trương “xử lý khác biệt thông qua quy tắc và cơ chế, hướng đến hợp tác cùng thắng, đôi bên cùng có lợi”. Trung Quốc cho rằng “Mỹ lợi dụng vụ kiện Tòa trọng tài để phục vụ cho lợi ích chính trị của mình là lạm dụng Luật biển quốc tế, Trung Quốc tuyệt đối không chấp nhận”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: Reuters |
Không nghi ngờ gì, các tuyên bố và phát biểu này đã đẩy cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông lên tầm cao mới, tác động đến các nước trong và ngoài khu vực, có tác động lâu dài đến tập hợp lực lượng và giải quyết các tranh chấp biển ở Biển Đông.
Tuyên bố 13/7 thể hiện lập trường nhất quán và lâu dài của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông. Đây có thể được coi là một văn bản lập trường tổng hợp đầu tiên của Mỹ do Bộ Ngoại giao nước này phát hành để đáp lại các lập luận trong tài liệu lập trường của Trung Quốc năm 2014, Tuyên bố của chính phủ CHND Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích biển trong Biển Đông năm 2016 hay các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ 2016.
Tuyên bố này không thay đổi lập trường của Mỹ đã thể hiện trong Chính sách về quần đảo Trường Sa và Biển Đông (Policy on Spratly Islands and South China Sea) được công bố năm 1995 sau vụ đá Vành Khăn song nó cụ thể hóa, chi tiết hơn 5 điểm cơ bản trong tài liệu này.
Sáng tỏ 3 loại vùng biển mà Trung Quốc yêu sách bất hợp pháp
Trong Tuyên bố, Mỹ thể hiện lập trường đã có đối với các yêu sách trên biển của Trung Quốc tại Biển Đông với cùng quan điểm như phán quyết của Tòa Trọng tài. Phán quyết có hai đóng góp quan trọng trong giải thích Công ước. Đó là yêu sách quyền lịch sử dựa trên đường 9 đoạn không có cơ sở pháp lý sau khi Công ước có hiệu lực và không thực thể nào của quần đảo Trường Sa có quyền mở rộng vùng biển vượt quá các danh nghĩa địa lý mà Công ước đã quy định.
Bộ Quốc phòng Mỹ phản đối Trung Quốc tập trận trên Biển Đông. Ảnh: SCMP |
Tuyên bố của Mỹ làm sáng tỏ 3 loại vùng biển mà Trung Quốc đang yêu sách bất hợp pháp theo phán quyết:
1) Bất kỳ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ bãi Scarborough và quần đảo Trường Sa ở trong các khu vực mà Tòa Trọng tài đã phán quyết là nằm trong EEZ hoặc thềm lục địa của Philippines, bao gồm cả đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây, là bất hợp pháp.
2) Bất kỳ yêu sách các vùng biển nào mà CHND Trung Hoa đưa ra nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp. Điều này có nghĩa là Mỹ công nhận các yêu sách biển tính từ đất liền của các nước xung quanh phù hợp với nguyên tắc Đất thống trị biển. Quần đảo Trường Sa, dù là từng thực thể hay được coi là một đơn vị đất liền, đều không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Vì vậy, mọi hoạt động nhằm quấy rối đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia có yêu sách các vùng biển phù hợp với Công ước Luật biển như các vùng biển xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia) đều là bất hợp pháp.
3) Yêu sách bãi ngầm Tăng Mẫu, chìm dưới nước 20m và cách 1.000 hải lý như “lãnh thổ cực nam của Trung Quốc” là vi phạm luật quốc tế: Một cấu trúc dưới nước như bãi ngầm Tăng Mẫu không phải là đối tượng để bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng biển, kể cả nội thủy hay lãnh hải.
Cáo buộc của Trung Quốc
Trung Quốc cho rằng “Tuyên bố của Mỹ bất chấp sự thật lịch sử khách quan, đi ngược lại với cam kết công khai của Mỹ về việc “không tỏ lập trường” (take no position) đối với tranh chấp chủ quyền ở “Nam Hải” (Biển Đông), vi phạm và bóp méo luật pháp quốc tế, cố tình kích động tranh chấp lãnh thổ và biển, phá hoại hòa bình, ổn định ở khu vực, là hành động rất “vô trách nhiệm”.
Trong khi đó, Tuyên bố của Mỹ ngay từ đầu đã xác định chỉ liên quan đến các yêu sách biển “mà không phương hại đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác đối với các đảo đó”.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz trong một cuộc diễn tập tại Thái Bình Dương tháng 11/2017. Ảnh: Reuters |
Đây không phải là sự xa rời hay điều chỉnh chính sách về Biển Đông được tuyên bố từ năm 1995 như các đại diện ngoại giao Trung Quốc cáo buộc. Điểm 1 Tuyên bố 1995 nêu rõ: “Mỹ không có quan điểm về các nội dung pháp lý của các yêu sách chủ quyền trên các đảo, đá, san hô và bãi khác nhau trong Biển Đông’. Tuyên bố 13/7 chỉ “ủng hộ các đồng minh và đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, thống nhất với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”.
Mỹ đã kiên nhẫn kêu gọi Trung Quốc xem xét lại các yêu sách biển của mình. Công hàm ngày 28/12/2016 yêu cầu Trung Quốc “điều chỉnh hoặc làm rõ yêu sách biển của mình tại Biển Đông cho phù hợp với luật biển quốc tế được phản ánh trong Công ước luật biển, nhất là các điều khoản liên quan đến đường cơ sở và các vùng biển”. Công thư ngày 1/6/2020 yêu cầu Trung Quốc làm “phù hợp các yêu sách biển của mình với luật quốc tế được phản ánh trong Công ước luật biển, tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7/2016 và chấm dứt các hành động khiêu khích ở Biển Đông”.
Dịch chuyển lớn trong lập trường của Mỹ
Tuyên bố 13/7 là một bước dịch chuyển lớn trong lập trường của Mỹ khi lần đầu tiên coi “các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”.
Các chính quyền Mỹ và các phát biểu trước thường chỉ dừng lại tố cáo các hành vi khiêu khích, xâm lược, làm mất ổn định hay yêu sách quá mức. Mỹ đã chuyển từ ngôn từ ngoại giao, kiềm chế sang trực diện phê phán. Tuyên bố này đánh dấu thời điểm tới hạn của cuộc chiến công hàm về Biển Đông gửi qua Liên hợp quốc. Trung Quốc đã lấy cớ đệ trình chung thềm lục địa mở rộng Malaysia – Việt Nam ngày 6/5/2009 để công khai yêu sách đường 9 đoạn và mở rộng cải tạo đảo ở Biển Đông. Cuộc chiến công hàm 1.0 (2009-2011) đó không có sự tham gia của Mỹ.
Đến nay, cuộc chiến công hàm về thềm lục địa mở rộng do Malaysia khởi xướng từ tháng 12/2019 (cuộc chiến công hàm 2.0) đã có 13 công hàm và công thư được trao đổi giữa Trung Quốc (4 công hàm, 1 công thư), Philippines (2), Indonesia (2), Việt Nam (3), Mỹ (1).
Tuyên bố của Mỹ được đưa ra sau khi các bên liên quan đã thể hiện đầy đủ lập trường là khẳng định khách quan chấm hết cho các yêu sách biển bất hợp pháp tại Biển Đông mà Tòa Trọng tài đã bác bỏ. Nhật đã lên tiếng ủng hộ và các đồng minh khác đang chuẩn bị thể hiện tiếp lập trường.