Một loạt các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành ở phía bắc và nam Đài Loan phát đi tín hiệu Bắc Kinh đang đẩy mạnh kế hoạch giành quyền kiểm soát hòn đảo này.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc muốn mở rộng căn cứ quân sự ven biển và triển khai các đơn vị lính đổ bộ trong khu vực.
Trung Quốc liên tục tập trận, mở rộng căn cứ
Hôm 13-8, Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc – vốn giám sát biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan – cho biết lực lượng này đã tiến hành tập trận ở phía bắc và nam Đài Loan trong những ngày gần đây.
Binh sĩ Trung Quốc tập trận ở TP Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông năm 2017. Ảnh: REUTERS
Chiến khu Đông bộ không tiết lộ cụ thể thời điểm và địa điểm tiến hành tập trận. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc thông báo cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra hai ngày bắt đầu từ 16-8 ở TP Chu San (tỉnh Chiết Giang), cách Đài Loan 550 km về phía bắc.
Một cuộc tập trận khác kéo dài ba ngày cũng đã được tổ chức tại khu vực này hồi đầu tuần.
Một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc xác nhận một cuộc tập trận khác được tổ chức tại TP Chương Châu (tỉnh Phúc Kiến), cách TP Cao Hùng (Đài Loan) 300 km về phía tây nam.
Bên cạnh đó, Chiến khu Đông bộ đã mở rộng các căn cứ của mình để bố trí các lữ đoàn vũ trang đổ bộ mới được thành lập, theo hình ảnh vệ tinh do tạo chí quân sự Kanwa Defence Review công bố trong tháng này.
“Toàn bộ Chiến khu Đông bộ đã được mở rộng từ năm 2015, bao gồm doanh trại và hệ thống vũ khí. Trong khi đó, pháo, bệ phóng rocket và tên lửa tất cả đều được nâng cấp” – ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí Kanwa Defence Review cho biết.
“Kể từ năm 2017, hải quân Trung Quốc đã thành lập ít nhất hai lữ đoàn mới dưới sự chỉ huy của Chiến khu Đông bộ. Lục quân Trung Quốc cũng đã triển khai ít nhất sáu lữ đoàn đổ bộ tới Chiến khu Đông bộ, đưa lực lượng đổ bộ của họ lên hơn 40.000 lính” – ông Chang nói tiếp.
Quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận tương tự ở phía bắc và nam eo biển Đài Loan trong năm 1995, khi lãnh đạo Đài Loan khi đó là ông Lý Đăng Huy sử dụng “học thuyết hai nhà nước” để mô tả quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Đến năm 1999, các cuộc tập trận tiếp diễn sau khi ông Lý gợi ý rằng quan hệ giữa hai bờ eo biển có thể là “mối quan hệ giữa hai nhà nước đặc biệt”.
Đẩy mạnh kế hoạch chiếm Đài Loan
Hôm 14-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay các cuộc tập trận gần Đài Loan nhằm đáp trả “tín hiệu nghiêm trọng và tiêu cực” của một cường quốc gửi tới lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan.
Binh sĩ Đài Loan tập trận mô phỏng việc chống lại một cuộc xâm lược tại căn cứ quân sự ở TP Hoa Liên năm 2018. Ảnh: Mandy Cheng/AFP/Getty Images
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho rằng các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc gần đây là “lời cảnh báo chính trị” trong bối cảnh quan hệ giữa Đài Bắc và Washington ngày càng thắt chặt.
Ngoài ra, Trung Quốc tập trận cũng là muốn gửi thông điệp đáp trả nữ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khi bà nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường năng lực phòng thủ của hòn đảo để tự vệ trước những “hành động cưỡng chế” của Bắc Kinh.
“Quân đội Trung Quốc muốn cảnh báo Đài Loan rằng nước này sẽ thực sự hành động nếu họ đi quá xa nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ và tuyên bố độc lập” – ông Zhou nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Song Zhongping – nhà bình luận quân sự ở Hong Kong dự đoán một cuộc tập trận quy mô lớn răn đe Đài Loan tiếp theo sẽ được tổ chức trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
“Trung Quốc tin rằng Mỹ và những lực lượng ủng hộ độc lập Đài Loan đã bắt tay tìm kiếm độc lập cho Đài Loan và thách thức chính sách một Trung Quốc” – ông Song nhận định.
“Quân đội Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm và mô phỏng tác chiến trong các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, coi các cuộc tập trận là diễn tập cho một chiến dịch quân sự tái thống nhất Đài Loan” – ông Song nói tiếp.
Ông Andrew Yang Nien-dzu, người từng đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan nói: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu tất cả binh sĩ quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng một cuộc chiến tranh cục bộ. Điều này có nghĩa là việc chiếm lại Đài Loan là lựa chọn ưu tiên”.