Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mới"Chiến tranh Lạnh" Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào tới Đông...

“Chiến tranh Lạnh” Mỹ – Trung ảnh hưởng thế nào tới Đông Nam Á?

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump cầm quyền ở Mỹ vào đầu năm 2017 tới nay, quan hệ Mỹ – Trung Quốc chuyển sang giai đoạn cạnh tranh chiến lược toàn diện và quyết liệt, thậm chí được nhìn nhận là “chiến tranh lạnh 2.0”. Diễn biến mới này tác động tới toàn bộ cục diện chính trị, an ninh thế giới, trước hết là khu vực Đông Nam Á – nơi đã và đang là tâm điểm cạnh tranh giữa các cường quốc.

Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung đã tác động đến kinh tế thế giới và khu vực.

Mỹ – Trung Quốc – “chiến tranh lạnh 2.0”

Trong cương lĩnh tranh cử cuối năm 2016, ứng cử viên Donald Trump từng tuyên bố, ông không thể gọi Trung Quốc bằng một cái tên nào khác là “kẻ thù của nước Mỹ”. Sau khi đắc cử, Tổng thống Donald Trump phát động chiến dịch cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc trên nhiều chiến tuyến.

Trên chiến tuyến thương mại, tính đến cuối năm 2018, Mỹ đã áp thuế 10% đối với hơn 6.000 sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, trị giá gần 200 tỷ USD và từ ngày 01/01/2019, nâng mức thuế lên 25%. Sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, đến cuối năm 2019, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo  đó, Trung Quốc cam kết sẽ mua tổng cộng 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 02 năm tới, đổi lại Mỹ sẽ giảm mức thuế 15% áp lên 120 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 01/9/2019 xuống mức 7,5%, còn mức thuế 25% với 250 tỷ USD các mặt hàng khác sẽ vẫn được giữ nguyên. Đồng thời, hạn chế các hành vi của Trung Quốc được cho là “đánh cắp sở hữu trí tuệ” và ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là bước khởi đầu nhằm giảm xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới. Tuy nhiên, thỏa thuận này không phải là “đình chiến”, càng không phải kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, mà có thể chỉ là “khoảng lặng giữa cơn bão lớn”.

Trên chiến tuyến cạnh tranh giữa chương trình “Made in China 2025” và chương trình “Made in America”, thực chất đây là cuộc tranh giành thị trường hàng hóa công nghệ cao trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0. Với chương trình “Made in China 2025”, Trung Quốc hướng tới mục tiêu trở thành “cường quốc chế tạo” vào năm 2025 và đến năm 2035 sẽ vượt qua các cường quốc công nghiệp hàng đầu, chiếm lĩnh vị thế áp đảo trên thị trường công nghệ cao của thế giới.

Đến thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (2049), Trung Quốc sẽ giành vị thế thống trị trên thị trường sản phẩm công nghệ cao toàn cầu. Phía Mỹ cho rằng, nguy cơ từ chương trình “Made in China 2025” không chỉ đến từ tham vọng của Trung Quốc sẽ kiểm soát thị trường công nghệ cao của thế giới, mà còn từ việc Bắc Kinh sử dụng các “thủ đoạn mờ ám” để đạt được mục tiêu đó. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Donald Trump thực hiện chủ trương “Made in America”, nhằm đưa Mỹ giành lại vị thế cường quốc công nghiệp số 1 thế giới mà họ đã từng có được trong thế kỷ XX. Đồng thời, đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn hoạt động kinh tế phi thị trường, thậm chí được cho là “phi pháp” của Trung Quốc, như: ngăn chặn hoạt động tình báo công nghiệp của Trung Quốc; kiểm soát chặt các hợp đồng Chính phủ Mỹ ký với ZTE và Huawei – hai tập đoàn sản xuất và kinh doanh công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc, tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ, v.v.

Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ ngày càng gia tăng.

Mỹ cảnh báo, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã đưa nhiều quốc gia lâm vào “bẫy nợ” và phải gán một phần chủ quyền cho Bắc Kinh, điển hình là Sri Lanka đã phải bàn giao một hải cảng chiến lược cho Trung Quốc vào năm 2017, sau khi họ không thể trả hết nợ. Đặc biệt, trong Sáng kiến này có dự án “Con đường tơ lụa trên biển” với điểm khởi đầu đi qua Biển Đông, vì vậy, Bắc Kinh đã liên tục đưa ra nhiều yêu sách chủ quyền vô lý tại đây, đẩy tình hình tại vùng biển này không ngừng leo thang căng thẳng.

 Để cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã điều chỉnh Chiến lược “xoay trục” tới Châu Á – Thái Bình Dương của người tiền nhiệm thành Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Theo đó, Washington chủ trương thành lập liên minh bốn nước, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, để hình thành mối liên kết “tứ giác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Trên cơ sở đó, thu hút các đối tác trong khu vực tham gia, nhằm đối phó với chính sách cường quyền trên biển của Trung Quốc.

Ngày 05/11/2019, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại Thái Lan, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chính thức thông báo về Dự án “Mạng lưới Điểm Xanh”, nhằm thúc đẩy các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới tham gia xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng bền vững, nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia và không rơi vào “bẫy nợ” từ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, bao trùm sự cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc là cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa mô hình kinh tế thị trường tự do của Mỹ với mô hình kinh tế do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc dẫn tới cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trên thế giới trong vòng 100 năm qua, Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc lẫn nhau gây ra đại dịch này, đẩy sự cạnh tranh giữa hai nước leo thang, rất có thể trở thành “chiến tranh lạnh 2.0”, tiềm ẩn hiểm họa lớn hơn rất nhiều so với chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Các nước Đông Nam Á sẽ ra sao?

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với các nước Đông Nam Á. Từ phía Mỹ, sau khi áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, họ sẽ tìm các nguồn nhập khẩu từ các thị trường khác thay thế, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á. Các mặt hàng Mỹ cần nhập khẩu rất đa dạng, từ các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tới các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có chất lượng khá tương đồng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngược lại, khi Bắc Kinh đáp trả bằng việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trước hết là các mặt hàng nông sản và thủy sản, Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu các mặt hàng này từ các nước Đông Nam Á. Trên thực tế, thị trường tiêu dùng của Trung Quốc rất ưa chuộng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của các nước Đông Nam Á.

Vì vậy, những năm tới, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu nhiều hơn nữa các mặt hàng này. Theo dự báo, với Chương trình “Made in China 2025”, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới với tầng lớp trung lưu khoảng gần 500 triệu người có nhu cầu tiêu dùng ngang với mức tiêu dùng của người Mỹ.

 Khi đó, Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu dùng với nhu cầu lớn nhất thế giới. Đây là cơ hội lịch sử để các quốc gia Đông Nam Á có thể xuất khẩu hàng tiêu dùng, trước hết là lương thực, thực phẩm sang Trung Quốc. Trong bối cảnh này, thách thức lớn nhất đối với các nước Đông Nam Á là phải nhanh chóng tổ chức lại các dây chuyền sản xuất và dịch vụ để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của Trung Quốc.

Điều bất ngờ nhất hiện nay là, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã làm tê liệt hàng loạt chuỗi cung ứng toàn cầu, đặt Mỹ và nhiều quốc gia khác đứng trước một thực tế phũ phàng là toàn bộ lợi ích mà họ thu được từ hoạt động giao dịch với Trung Quốc từ trước tới nay chỉ là “muối bỏ biển” so với những thiệt hại kinh tế khủng khiếp do đại dịch này gây ra. Do đó, Mỹ cùng với nhiều nước đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển các công ty sản xuất và kinh doanh ở Trung Quốc về nước hoặc tới một số quốc gia đối tác an toàn và tin cậy hơn, không có tham vọng cạnh tranh với Mỹ, trước hết là các nước Đông Nam Á. Đây chính là cơ hội lịch sử để Đông Nam Á có thể trở thành “công xưởng của thế giới”.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra thách thức rất lớn đối với các nước Đông Nam Á, bởi họ sẽ phải nỗ lực vượt bậc để tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện thể chế quản lý, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm và quản lý cũng như tăng cường vượt bậc hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn nữa, quá trình này phải được hoàn tất trong một thời gian ngắn để không bỏ lỡ “thời cơ lịch sử” đang tới.

Trong sự cạnh tranh chiến lược giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc với Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ, các nước Đông Nam Á đứng trước cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội, các nước trong khu vực có được khả năng lựa chọn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của cả Trung Quốc và Mỹ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của mình.

Thách thức lớn nhất trong tuyến cạnh tranh này là quốc gia nào ở Đông Nam Á quyết định tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ đều có thể phải đối mặt với nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc giống như một số nước trên thế giới đã và đang gặp phải, hoặc phải đối mặt với toan tính của Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông.

 Đây là thách thức lớn đặt ra đối với các nước Đông Nam Á trước tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Do đó, các nước Đông Nam Á, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cơ chế đa phương trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bởi vùng biển này liên quan tới lợi ích không chỉ của khu vực, mà còn của gần như cả thế giới.

Trong quá trình xúc tiến các cuộc đàm phán để sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc cao về pháp lý, các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với thách thức xuất phát từ toan tính của Bắc Kinh chia rẽ, lôi kéo, thậm chí gây sức ép, buộc họ chấp nhận các nội dung do Trung Quốc áp đặt.

Chúng ta còn nhớ, tháng 6/2019, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan đã thông qua tuyên bố “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

 Trong đó, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc chung của khu vực hướng tới mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á và lập trường không đứng về bất kỳ cường quốc nào trong tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á – một khu vực có vị thế chiến lược rất lớn, nằm trên tuyến đường thương mại sầm uất bậc nhất thế giới, kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hướng tới Ấn Độ, châu Âu, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh.

Theo các chuyên gia, đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng ASEAN; đồng thời, nâng cao vị trí, vai trò của các nước Đông Nam Á trong việc tranh thủ thời cơ và ứng phó tốt hơn, hiệu quả hơn với các thách thức do cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc tạo ra tại khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới