Wednesday, May 8, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnIndonesia và luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Indonesia và luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Indonesia không phải là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Indonesia luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật đối với các vấn đề liên quan ở Biển Đông, ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Thời gian gần đây, chỉ trong vòng nửa tháng Indonesia 2 lần gửi công hàm lên Liên hợp quốc bày tỏ lập trường của mình trên vấn đề Biển Đông và bác bỏ thẳng thừng đề nghị thương lượng của Trung Quốc về vấn đề biển.

Tổng thống Widodo (áo đen) lên thăm tàu chiến ở Natuna

Trong các công hàm và tuyên bố này, Indonesia khẳng định: (i) Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Indonesia không hề có sự chồng lấn nào với các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; (ii) nhấn mạnh giá trị Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc; (iii) Indonesia có chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển được xác định phù hợp UNCLOS; (iv) kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

Năm 2010, Indonesia đã từng gửi công hàm lên Liên hợp quốc liên quan vấn đề Biển Đông, trong đó, Indonesia cũng đã nhấn mạnh bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, trong cuộc chiến công hàm lần này, lời lẽ trong công hàm cho thấy thái độ của Indonesia với Trung Quốc quyết liệt và cứng rắn hơn nhiều.

Có thể thấy chính sách Biển Đông của Indonesia chủ yếu dựa vào luật quốc tế và đa phương hóa. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng Jakarta đã thể hiện sự nhất quán này ở nhiều cấp độ, từ đơn phương đến đa phương, trong phạm vi khu vực và cả toàn cầu. Indonesia thấy cần thiết phải cứng rắn, tỏ rõ cho Trung Quốc thấy sự nhất quán của mình trong bảo vệ chủ quyền biển.

Quan điểm nhất quán thượng tôn pháp luật của Indonesia tiếp tục được khẳng định trong cuộc họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 30/7/2020. Tại cuộc họp, nữ Ngoại trưởng Indonesia thể hiện một thái độ đanh thép khi khẳng định nguyên tắc được Indonesia đề cao trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đó là phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Bà Retno Marsudi nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở Biển Đông chỉ có thể được duy trì nếu tất cả các quốc gia tôn trọng và tuân theo luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm UNCLOS.

Tinh thần thượng tôn pháp luật ở Biển Đông cũng là nội dung quan trọng trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 03/8/2020. Hai bên nhấn mạnh quan hệ Đối tác chiến lược vững chắc Mỹ-Indonesia và mục tiêu chung của hai nước trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Ngoại trưởng Pompeo ủng hộ quan điểm của Indonesia rằng đảo Natuna như một thực thể nằm ngoài quyền tài phán của Trung Quốc. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc có một phần đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Natuna, nhưng yêu sách này của Trung Quốc đã bị Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ và mới đây nhất trong Tuyên bố hôm 13/7/2020, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã bác bỏ hoàn toàn các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh Natuna.

Vì sao gần đây, thái độ của Indonesia về vấn đề Biển Đông ngày càng quyết liệt và cứng rắn là câu hỏi được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Nguyên nhân chính có thể là:

Thứ nhất, những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã động chạm trực tiếp đến quyền và lợi ích trên biển của Indonesia. Năm 2016, từng xảy ra xung đột giữa Indonesia và Trung Quốc về quyền đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Natuna, chính vì vậy mà năm 2017, Indonesia đã đổi tên vùng biển này thành Biển Bắc Natuna, một động thái được xem là nhằm bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Tháng 12/2019, Trung Quốc đưa tàu cá và tàu hải cảnh vào vùng biển quần đảo Natuna, gây tình hình căng thẳng, đối đầu giữa hai bên. Ngoại trưởng Indonesia Marsudi phải triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để phản đối. Indonesia cũng đã triển khai nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu ra quần đảo Natuna nhưng tàu Trung Quốc vẫn không rút đi. Sau một thời gian giằng co, đến tháng 01/2020, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đích thân ra thăm quần đảo Natuna để khẳng định quyết tâm của Indonesia trong việc chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc và đến lúc đó các tàu Trung Quốc mới chịu rút đi. Đây là nguyên nhân chính khiến Indonesia phải thể hiện thái độ cứng rắn, kiên quyết trên vấn đề Biển Đông.

Việc Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn ở Biển Đông nhằm đẩy nhanh mục tiêu khống chế Biển Đông là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Indonesia. Jakarta nhận thức rõ, nếu không hành động kiên quyết, nếu không đề cao luật pháp quốc tế ở Biển Đông thì sau khi thành công trong việc xâm lấn vùng biển của các nước Philippines, Việt Nam và Malaysia thỉ tiếp theo Bắc Kinh sẽ chĩa mũi nhọn vào Indonesia. Do vậy, đây là thời điểm Indonesia cần thể hiện thái độ kiên quyết và cứng rắn của mình đối với các yêu sách và hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ hai, là nước lớn nhất trong ASEAN, song so với Trung Quốc thì Indonesia nhỏ bé hơn nhiều cả về diện tích, dân số lẫn tiềm lực kinh tế, quốc phòng. Do vậy, Indonesia cho rằng chỉ có thể dùng pháp luật, nhất là UNCLOS, mới có thể bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông. Indonesia cũng nhận thấy rằng không thể đơn độc chống lại Trung Quốc mà cần phải dùng sức mạnh của cả khối ASEAN để đối phó với Trung Quốc, chính vì lẽ đó mà mặc dù không phải bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Indonesia luôn phối hợp chặt chẽ với các nước ven Biển Đông trong việc tạo đồng thuận trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông, kể cả trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việc Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 có nội dung mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS, ngoài vai trò chính của nước chủ nhà Việt Nam, Indonesia đã phát huy vai trò tích cực trong việc tạo sự thống nhất giữa các nước ASEAN.

Thứ ba,Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã đưa ra những giải thích thỏa đáng cho việc áp dụng UNCLOS cho tình hình thực tế ở Biển Đông. Theo đó, yêu sách về “quyền lịch sử” và “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông đã hoàn toàn bị bác bỏ; các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa được xác định không đủ điều kiện theo Điều 121 của UNCLOS để có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng mà chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý. Đây là cơ sở quan trọng để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, cũng như để Indonesia bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông. Do vậy, Indonesia là số ít trong số các nước ASEAN công khai lên tiếng ủng hộ Phán quyết 12/7/2016, kể cả trong 2 công hàm gửi lên Liên hợp quốc gần đây.

Việc cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ tinh thần thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, trong đó nhiều nước Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand… yêu cầu tuân thủ UNCLOS, thực thi Phán quyết 12/7/2016 đã khích lệ Indonesia quyết liệt hơn trong việc sử dụng luật pháp để đấu tranh với Trung Quốc ở Biển Đông. Đặc biệt, cuộc chiến công hàm trở nên sôi động hơn với sự tham gia của Mỹ qua việc Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc gửi công thư lên Tổng thư ký Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc hôm 01/6/2020. Indonesia nhận thấy không thể bỏ lỡ cơ hội này để thúc đẩy “cuộc chiến” pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông, phù hợp với quan điểm nhất quán lâu nay của Indonesia trên vấn đề Biển Đông. Một số nhà quan sát cho rằng đây có thể là nguyên nhân chính kiến Indonesia tiếp tục gửi công hàm lên Liên hợp quốc hôm 12/6.

Việc Indonesia công khai đề cao giá trị Phán quyết 12/7/2016 có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, khích lệ các nước liên quan tranh chấp Biển Đông thúc đẩy tiến trình pháp lý trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Mặt khác, việc làm này của Indonesia đã tạo ra một nền tảng mới cho sự đoàn kết của các quốc gia ASEAN trên vấn đề Biển Đông vì Indonesia luôn có tiếng nói và vai trò quan trọng trong ASEAN.

Động thái mới của Indonesia cùng với công thư (hôm 01/6) và Tuyên bố (hôm 13/7) của Mỹ còn có ý nghĩa quan trọng khuyến khích các nước ngoài khu vực thể hiện rõ lập trường pháp lý của mình trên vấn đề Biển Đông. Chắc chắn rằng tinh thần thượng tôn pháp luật của Indonesia sẽ tiếp tục được thúc đẩy để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới