Một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã bị bắt và truy tố với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Tham gia gia âm mưu này còn có một người bà con cũng làm việc cho CIA.
Cựu đặc vụ Ma trong video được quay bí mật tại một cuộc họp năm 2019.
Theo Hãng tin Reuters, trong một tuyên bố ngày 17-8, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Alexander Yuk Ching Ma, 67 tuổi, đã bị bắt vào tuần trước với cáo buộc cấu kết với một người bà con – cũng là cựu nhân viên CIA – để truyền các thông tin mật cho các quan chức tình báo Trung Quốc.
Sinh ra ở Hong Kong và là một người nhập tịch Mỹ, ông Ma bắt đầu làm việc cho CIA vào năm 1982. Các công tố viên nói rằng Ma đã rời CIA vào năm 1989, rồi sống và làm việc ở Thượng Hải (Trung Quốc) trước khi tới Hawaii vào năm 2001.
Ma có một người họ hàng, không được nêu tên trong cáo trạng do đã 85 tuổi và bị suy giảm trí nhớ, cũng làm việc cho CIA giai đoạn 1967-1983.
Các công tố viên cho biết hoạt động làm gián điệp của ông Ma bắt đầu vào tháng 3-2001. Lúc đó, ông và người bà con trên cung cấp cho Trung Quốc thông tin về nhân sự, các hoạt động và phương pháp giữ kín liên lạc của CIA. Ma sau đó nộp đơn ứng tuyển vào chi nhánh FBI ở Hawaii, cho phép ông ta truy cập nhiều thông tin mật. Ma đã tải xuống và chụp ảnh tài liệu để chuyển cho phía Trung Quốc trong vòng 10 năm sau đó. Trong thời gian này, Ma và người họ hàng cũng được Bắc Kinh yêu cầu xác minh danh tính điệp viên tiềm tàng và người cung cấp thông tin cho Mỹ ở Trung Quốc.
Theo kênh NBC News, các công tố viên nói rằng khoảng 12 năm sau khi rời khỏi CIA, ông Ma đã gặp ít nhất 5 nhân viên của Bộ Công an Trung Quốc tại một phòng khách sạn ở Hong Kong, nơi ông “để lộ một số lượng đáng kể các thông tin mật về quốc phòng”.
Một phần trong số các cuộc gặp trên đã được ghi lại. Trong một video, ông Ma được nhìn thấy đang nhận và đếm số tiền mặt 50.000 USD để đổi lại những bí mật mà ông đã cung cấp.
Một đặc vụ Mỹ đã đóng giả là sĩ quan tình báo Trung Quốc và tiếp cận Ma, nói rằng Ma bị trả lương quá thấp trong hơn 10 năm làm việc. Đặc vụ này cũng gài bẫy khiến Ma thừa nhận toàn bộ hành vi vào năm ngoái.
Hồ sơ tòa án cũng nói rằng sau khi chuyển đến Hawaii, ông Ma tìm cách để vào làm tại Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhằm tái tiếp cận các bí mật của chính phủ Mỹ mà sau đó có thể được gửi cho phía Bắc Kinh. Và văn phòng của FBI tại Honolulu đã thuê ông Ma vào năm 2004.
Cả CIA và FBI đều từ chối bình luận tại sao mất một khoảng thời gian quá lâu để bắt ông Ma. Hiện Craig Jerome, luật sư của ông Ma, cũng chưa bình luận về thông tin trên.
“Con đường gián điệp của Trung Quốc là một con đường dài và thật buồn khi có sự tham gia của các cựu nhân viên tình báo Mỹ phản bội đồng nghiệp của họ, đất nước của họ” – trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia, John Demers, nói.
Đây là trường hợp mới nhất trong số các vụ xét xử nhân viên chính phủ Mỹ bán bí mật cho Trung Quốc. Sau khi Bắc Kinh phá vỡ mạng lưới nguồn tin CIA và đặc vụ bên trong Trung Quốc năm 2010, tình báo Mỹ bắt đầu đào sâu tìm kiếm những nguy cơ rò rỉ và “tay trong” có thể đã làm lộ thông tin.
Jerry Chun Shing Lee, nhân viên CIA từ năm 1994 đến 2007, bị tuyên án 19 năm tù hồi cuối năm ngoái vì bán bí mật của Mỹ cho tình báo Trung Quốc.