Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngMalaysia phản đối TQ

Malaysia phản đối TQ

Trong một động thái được Reuters đánh giá là “hiếm hoi”, tướng Malaysia đã chỉ trích Trung Quốc khiêu khích phi pháp ở Biển Đông.

Trực thăng hải quân Mỹ bay lượn trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong cuộc tập trận chung Malabarr 2015.

Reuters đưa tin ngày 18/10, phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia, tướng Zulkefli Mohd Zin tuyên bố hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các hòn đảo ở khu vực có tranh chấp trên Biển Đông là hành động “khiêu khích phi pháp”.

Theo tướng Zulkefli Mohd Zin, Bắc Kinh đã đưa ra cam kết rằng hoạt động xây dựng của họ ở Biển Đông chỉ vì các mục đích dân sự, nghiên cứu hàng hải và nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tàu thuyền đi lại an toàn ở khu vực đó.

Tuy nhiên, ông Zulkefli Mohd Zin lưu ý: “Thời gian sẽ cho thấy mục đích của Trung Quốc (ở Biển Đông) là gì. Tôi hy vọng rằng đó là những mục đích tốt đẹp”.

Lâu nay, Kuala Lumpur thường có phản ứng thận trọng trong cách hành xử với Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trái ngược với nước láng giềng Philippines.

Tuyên bố trên của tướng Zulkefli Mohd Zin là một bình luận công khai hiếm thấy về vấn đề Biển Đông từ giới chức của quốc gia vốn cũng có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.

Động thái của Malaysia được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc tìm cách xoa dịu căng thẳng liên quan tới các đòi hỏi chủ quyền của nước này tại Biển Đông, khẳng định Bắc Kinh sẽ tránh việc sử dụng vũ lực tại khu vực này.

Phát biểu tại diễn đàn quốc phòng Hương Sơn ở thủ đô Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) Phạm Trường Long cam kết nước này “sẽ không bao giờ hấp tấp viện tới vũ lực, thậm chí là đối với những vấn đề liên quan tới chủ quyền”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để tránh xảy ra xung đột bất ngờ”.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc điều tàu chiến tới gần vùng lãnh thổ mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Mỹ cho rằng việc Trung Quốc biến các bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo có khả năng đặt các cơ sở quân sự là một mối đe dọa đối với tự do hàng hải.

Tàu sân bay, tàu ngầm nguyên tử

Ở một động thái khác, cũng trong ngày 17/10, Mỹ đã triển khai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và một tàu ngầm nguyên tử đến tham gia cuộc tập trận với Ấn Độ và Nhật Bản.

Ngoài ra, Mỹ cũng mang đến cuộc tập trận lần này tàu tuần dương mang tên lửa hành trình U.S.S. Normandy, tàu chiến đấu duyên hải U.S.S. Fort Worth, máy bay P-8A Poseidon và tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles.

Cuộc tập trận chung mang tên Malabarr 2015 diễn ra trên Vịnh Bengal cùng Ấn Độ và Nhật Bản.

Lần trước Ấn Độ đăng cai tổ chức các cuộc tập trận đa phương ở vùng biển nước này vào năm 2007 đã khiến Trung Quốc lo ngại đây là kiểu liên minh như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu.

Nhật Bản không tham gia đều các cuộc tập trận Malabar những năm trước đó nhưng từ năm nay, chính phủ Nhật Bản cùng chính phủ Mỹ và Ấn Độ đã chính thức hóa vai trò của Nhật Bản trong cuộc tập trận này.

Phó Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, Phó Đô đốc Murakawa cho biết: “Mục đích của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản khi tham gia cuộc tập trận này là nhằm tăng cường khả năng tác chiến cũng như phối hợp với hải quân Mỹ và Ấn Độ. Tôi cho rằng chúng ta đang đứng trước thách thức chung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là phải đảm bảo tự do và mở cửa, sự thịnh vượng của đại dương phải dựa trên luật pháp quốc tế. Theo chính sách của chính phủ Nhật Bản về việc chủ động đóng góp tích cực cho hòa bình, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác với Mỹ và Ấn Độ trên Ấn Độ Dương”.

Việc chính thức nâng cuộc tập trận Malabar lên thành “ba bên” được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản đặt ra nhiều quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ấn Độ vốn giữ khoảng cách với những căng thẳng và tranh chấp trên Biển Đông nhưng cũng đứng về phiá Mỹ và nhiều nước Đông Nam Á trong việc kêu gọi tự do hàng hải ở khu vực.

Giới quan sát đang chờ đợi phản ứng của Trung Quốc vì cuộc tập trận lần này diễn ra trên con đường hàng hải vận chuyển đến 75% nhu cầu dầu khí nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới