Ngày 21/7, Mỹ đột nhiên yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston trong vòng 72 giờ, Bắc Kinh cũng tức giận yêu cầu Washington đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Thành Đô, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
Hình ảnh tiêu biểu cho tình trạng tồi tệ trong quan hệ Mỹ – Trung.
Tờ The Wall Street Journal hôm 25/8 đã tiết lộ lý do tại sao Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút lãnh sự quán của họ, và lần đầu tiên tiết lộ Mỹ cũng đã ra lệnh trục xuất “các học giả Trung Quốc tại Mỹ”.
Theo bài báo, vụ việc bắt nguồn từ việc cơ quan chức năng Mỹ phát hiện lãnh sự quán và các nhà ngoại giao Trung Quốc bí mật hỗ trợ các học giả có lai lịch là quân nhân PLA tiến hành thu thập các tài liệu nghiên cứu khoa học mũi nhọn từ các trường đại học Mỹ và trốn tránh các cuộc điều tra.
The Wall Street Journal ngày 25/8 viết, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương David Stilwell ngày 21/7 đã thông báo với Đại sứ Trung Quốc rằng Lãnh sự quán Houston phải đóng cửa, đồng thời chuyển một thông điệp liên quan từ Washington tới Bắc Kinh: yêu cầu triệt thoái tất cả các học giả ở Mỹ có bối cảnh là thành viên của PLA.
Báo này nói rằng mệnh lệnh trước đây không được tiết lộ là do các quan chức Mỹ nghi ngờ hợp lý rằng “các nhà ngoại giao Trung Quốc đã hỗ trợ các nhà nghiên cứu có bối cảnh quân đội này thu thập các tài liệu nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất từ các trường đại học Mỹ”.
Theo các quan chức Mỹ và tài liệu của tòa án, những người bị buộc tội thu thập thông tin tình báo là các nghiên cứu sinh tiến sĩ người Trung Quốc trong lĩnh vực y học sinh vật và trí tuệ nhân tạo (AI). Các nhà nghiên cứu này đã không tiết lộ lý lịch là thành viên PLA của họ cho cơ quan nhập cư Mỹ.
Các quan chức Mỹ nói rằng những sự tương tác giữa các nghiên cứu sinh và các nhà ngoại giao Trung Quốc đã dẫn đến việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston.
Một quan chức lâu năm của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói với Reuters vào ngày 24/7 rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đang tham gia hoạt động tình báo và các hoạt động bất hợp pháp khác trên khắp nước Mỹ, nhưng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là nơi nghiêm trọng nhất, thậm chí vượt qua lằn ranh đỏ, đến mức phía Mỹ không thể chịu đựng được. Các hoạt động đó bao gồm: chỉ thị các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc phải đoạt lấy những thông tin và công nghệ nào, tuyển dụng người Mỹ tham gia vào các dự án công nghệ của Trung Quốc, và đối phó với những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, quan chức này tiết lộ rằng các hoạt động (gián điệp) của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston có liên quan đến việc Trung Quốc tìm kiếm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19. “Trung Quốc muốn trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tung vaccine ra thị trường, ý đồ của họ là rất rõ ràng”.
Theo bài báo trên The Wall Street Journal, sau khi Nhà Trắng thông báo vào tháng 5 năm nay rằng họ sẽ áp đặt các hạn chế cấp thị thực cho các nhà nghiên cứu đó, hành vi của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã làm dấy lên sự nghi ngờ.
Ngay khi FBI bắt đầu gọi phỏng vấn một số học giả này, các quan chức Trung Quốc cũng bắt đầu rút các học giả này khỏi Mỹ và đưa ra các chỉ thị cho họ. Quan chức Mỹ cho rằng hành động này của các nhà ngoại giao Trung Quốc là rất bất thường.
Theo tài liệu của tòa án, các công tố viên Hoa Kỳ nêu một ví dụ là các học giả Trung Quốc bị đưa đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington và được yêu cầu xóa bỏ và cài đặt lại tất cả các thiết bị điện tử của họ vì chúng có thể bị các quan chức Mỹ kiểm tra tại sân bay.
Một ví dụ khác là các nhà ngoại giao Trung Quốc đã cố tình đánh lừa các quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi giải thích về hành trình của họ đến bang Indiana. Theo bản ghi chép lời khai của FBI, ngày 17/7, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago đã đến Bloomington, Indiana, cách đó hơn 400 km. Nếu nhân viên ngoại giao rời trụ sở đi quá 40 km đều phải giải trình về hành trình ra ngoài.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc nói với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ đã gặp một phụ nữ để cung cấp đồ dùng y tế và thực phẩm chức năng cho sinh viên. Nhưng họ đã không tiết lộ việc họ đã gặp Triệu Khải Khải (Kaikai Zhao), một nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Indiana. Công tố viên cho rằng Triệu Khải Khải khi xin visa vào Mỹ đã không nói rõ mối quan hệ của ông ta với PLA. Việc khai man khi xin visa là phạm tội gian lận visa liên bang.
Nhân viên FBI giám sát nói, các nhân viên đại sứ quán Trung Quốc đã gặp gỡ Triệu Khải Khải ở công viên gần ký túc xá của anh ta trong 45 phút. Triệu sau đó khai với FBI rằng các nhân viên lãnh sự quán đã cảnh báo anh ta rằng chính phủ Mỹ có thể tìm thấy anh ta vì lý lịch phục vụ trong PLA của anh ta.
Các quan chức Mỹ ước tính rằng trong số khoảng 370.000 người Trung Quốc đang học tập và thực hiện trao đổi học thuật tại Mỹ, các học giả có bối cảnh PLA chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Trước lệnh hồi tháng 5 của ông Trump, thẩm quyền từ chối đơn xin thị thực của các học giả nước ngoài của Bộ Ngoại giao là rất hạn chế trừ khi nghiên cứu của họ nằm trong lĩnh vực được kiểm soát hoặc bị coi là cơ mật.
Vào tháng 1 năm nay, ông Charles Lieber, cựu Chủ nhiệm khoa Hóa và Sinh Hóa, Đại học Harvard và là người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nano, đã bị cáo buộc che giấu các cơ quan liên bang việc tham gia “Kế hoạch ngàn người” của Chính phủ Trung Quốc và nhận tiền tài trợ nghiên cứu từ chính phủ Trung Quốc. Lieber đến Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán để ký hợp đồng dài hạn với “Kế hoạch ngàn người” vào năm 2011, Trung Quốc chu cấp cho ông ta mức lương hàng tháng khoảng 1,5 triệu tệ Đài Loan và sinh hoạt phí khoảng 4,75 triệu tệ Đài Loan. Charles Lieber không chỉ không thông báo cho trường Harvard về vụ việc này mà thậm chí còn phủ nhận trong cuộc điều tra liên bang.
Cùng lúc, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố bản khởi tố nhà nghiên cứu Trung Quốc Diệp Diên Khánh (Yanqing Ye) đang tham gia nghiên cứu tại Đại học Boston. Công tố viên cho biết nhà nghiên cứu Trung Quốc này khi nộp đơn xin nhập học không tiết lộ rằng mình là trung úy của PLA. Trước khi bị truy nã, cô ta đã chạy trốn về Trung Quốc.
Kể từ tháng 6 đến nay, FBI đã gọi phỏng vấn hơn 50 học giả nghiên cứu được cho là có bối cảnh quân đội Trung Quốc tại 30 thành phố của Mỹ.
Các quan chức Mỹ nói rằng mệnh lệnh của ông Trump dường như đã làm kinh động các nhà chức trách Bắc Kinh, “họ bắt đầu hoảng sợ, bối rối”. Các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu thể hiện những hành vi mà giới chức Mỹ cho là bất thường, các học giả Trung Quốc thì nhanh chóng thu dọn đồ đạc và rời khỏi Mỹ.
Chỉ hai ngày sau khi có lệnh của ông Trump, Trung Quốc đã sử dụng dịch COVID-19 như một cái cớ để thu xếp một chuyến bay thuê bao để rút các nghiên cứu sinh Trung Quốc khỏi Hoa Kỳ qua cảng hàng không George Bush Intercontinental Airport. Các quan chức Mỹ nói, sau đó họ biết rằng trong số các hành khách có các nhà nghiên cứu của PLA.
Một tuần sau đó, Vương Tân (Wang Xin), một học giả thỉnh giảng trong lĩnh vực y sinh học, người đang tham gia trao đổi học thuật tại Đại học California, San Francisco và vợ con đang chuẩn bị đáp chuyến bay trở về Trung Quốc thì bị Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ chặn lại tại Sân bay Quốc tế Los Angeles. Theo tài liệu của tòa án, Vương Tân đã thông báo cho nhà trường rằng anh ta và 16 đồng nghiệp của mình ở Mỹ được lệnh quay trở về Trung Quốc.
Theo các tài liệu của tòa án, khi bị thẩm vấn, Vương Tân thừa nhận rằng anh ta có bối cảnh PLA và chức vụ của anh ta tương đương cấp Thiếu tá. Khi xin visa, anh ta đã nói dối, khai rằng đã xuất ngũ vào năm 2016 để tăng khả năng được cấp visa.
Bài báo viết, các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ và chính quyền Trump cho rằng kiểu hành xử này của Trung Quốc đã gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ và đủ để Mỹ có hành động chống lại các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Đường Quyên (Tang Juan), một học giả Trung Quốc 37 tuổi, đã che giấu lý lịch PLA của mình khi xin thị thực loại J-1 (thị thực trao đổi học giả) đến Mỹ vào ngày 28/10/2019. Sau khi bị lộ tẩy vào tháng 6 năm nay, cô ta đã trốn vào ở trong Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco khoảng một tháng và bị bắt khi chủ động rời đi vào ngày 23/7. Các tài liệu của tòa cho thấy Đường Quyên rời lãnh sự quán vì suy sụp tinh thần và để điều trị bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, có nhiều đồn đoán cho rằng Trung Quốc lo ngại Mỹ lấy lý do chứa chấp tội phạm để đóng cửa lãnh sự quán tại San Francisco, nên cô ta “hy sinh cá nhân” ”, tự ra khỏi tòa lãnh sự quán để chấp nhận sự xét xử của tư pháp Mỹ.
Ông John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho biết: “Nhân viên lãnh sự quán đã chỉ thị các nhân viên có bối cảnh PLA cách tránh bị chú ý và nội dung nào cần được xóa khỏi điện thoại của họ. Dựa trên điều này, chúng tôi suy luận rằng, quy mô của hành động thu thập tình báo khoa học công nghệ của họ còn lớn hơn những gì chúng tôi đã biết”.