Theo các nguồn tin Ấn Độ, hội nghị cấp cao của chính phủ Ấn Độ ngày 31/8 đã quyết định chuẩn bị cho cuộc đối đầu lâu dài với Trung Quốc ở Ladakh và sẽ mở rộng triển khai quân đội trong khu vực, cho phép sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc.
Quân đội Ấn Độ được lệnh nổ súng vào quân Trung Quốc nếu cần thiết.
Ấn Độ tăng quân và sẵn sàng cho giải pháp quân sự
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 1/9 dẫn bản tin trên trang web Đài truyền hình New Delhi NDTV cho biết các nguồn tin chính phủ Ấn Độ nói Hội nghị cấp cao do Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval chủ trì vào ngày 31/8 đã quyết định Ấn Độ chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Trung Quốc ở Ladakh và sẽ mở rộng việc triển khai quân trong khu vực và cho phép quân đội Ấn Độ sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc.
Ngoài các quan chức quân sự cấp cao, người đứng đầu các cơ quan tình báo đối nội và đối ngoại cũng báo cáo tình hình với ông Doval.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ bày tỏ: “Ấn Độ đã đánh bại nỗ lực của PLA định vượt qua tuyến kiểm soát thực tế (LAC), nhưng chúng tôi sẽ thảo luận về sẽ áp dụng chiến lược nào trong vài ngày tới”.
Ông nói, trong vài ngày tới, Ấn Độ sẽ mở rộng triển khai quân sự dọc theo ranh giới LAC. Một quan chức cho biết: “Trung Quốc có thể áp dụng các chiến lược tương tự ở những nơi khác dọc theo LAC, vì vậy chúng tôi cần phải chuẩn bị thật tốt”.
Một đánh giá của cơ quan tình báo Ấn Độ chỉ ra rằng đây có thể là một sách lược đánh lạc hướng được Trung Quốc áp dụng. Một quan chức nói: “Trung Quốc vẫn kiểm soát sườn núi ở nhiều khu vực. Ở phía nam, họ cũng chiếm hai đỉnh đồi nhìn ra thị trấn Chushul, cũng như các Hồ Bangong và Spanggur Tso”.
Theo ông, lực lượng an ninh Ấn Độ đã nhận được chỉ thị rõ ràng rằng cần phải nỗ lực hết sức để ngăn Trung Quốc đơn phương thay đổi LAC. Một quan chức cấp cao cho biết: “Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho (đối đầu) lâu dài”.
Hãng truyền thông Ấn Độ The Print ngày 31/8 đưa tin, sau khi xung đột nổ ra giữa lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ; ngày 31, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar nói, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước láng giềng thân thiết cùng trỗi dậy về kinh tế và cho rằng mình có ảnh hưởng; vì vậy hai nước cần phải đạt được “sự hiểu biết hoặc cân bằng”.
Ông S.Jaishankar nói: “Giống như các quốc gia khác trên thế giới, chúng ta nhận thức rất rõ về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chúng ta là láng giềng của Trung Quốc nên hiểu rõ nếu là nước láng giềng, ắt sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tôi có nói trong cuốn sách, Trung Quốc là một nước lớn toàn cầu tiềm tàng”.
Ông nói thêm: “Ấn Độ cũng đang phát triển trong thời kỳ này; có thể không theo kịp trình độ hoặc tốc độ của Trung Quốc, nhưng nếu nhìn lại 30 năm qua, rõ ràng sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng là một trong những câu chuyện chính trên thế giới”.
Ông Jaishankar tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia với dân số hơn 1 tỷ người, có lịch sử và văn hóa riêng, vì vậy việc hai nước đạt được sự hiểu biết hoặc cân bằng nhất định là rất quan trọng.
Đụng độ ở Hồ Pangong, mỗi bên nói một kiểu
Tờ India Express ngày 1/9 đưa tin, cuộc xung đột mới giữa lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ khiến mọi người lo ngại nếu tình hình không được giải quyết nhanh chóng thông qua đàm phán song phương ở cấp chính trị và ngoại giao, cuộc đối đầu quân sự trên LAC sẽ lại leo thang.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 31/8 ra tuyên bố cho biết từ đêm 29/8 đến sáng sớm ngày 30/8/2020 theo giờ địa phương, PLA đã vi phạm sự đồng thuận trước đó đạt được thông qua các cuộc tiếp xúc quân sự và ngoại giao trong thời gian đối đầu ở đông Ladakh, tiến hành hành động quân sự có tính khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng biên giới.
Tuyên bố nêu rõ, quân đội Ấn Độ đã “tiên phát chế nhân”, áp dụng biện pháp nhằm củng cố trận địa của Ấn Độ ở bờ nam hồ Pangong và đánh bại ý đồ đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi sự thật trên thực địa.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bác bỏ Tuyên bố của phía Ấn Độ. Đại tá Trương Thủy Lợi, người phát ngôn của Chiến khu Miền Tây PLA ngày 31/8 đã đưa ra tuyên bố về tình hình biên giới Trung-Ấn. Ông ta chỉ ra rằng, vào ngày 31/8, quân đội Ấn Độ đã phá hoại sự nhất trí đạt được tại các cuộc đàm phán nhiều cấp giữa hai bên trước đó; vượt biên trái phép để chiếm quyền kiểm soát và ngang nhiên khiêu khích ở bờ nam của Hồ Pangong và gần đèo Reqin, gây căng thẳng trên tuyến biên giới. Ông ta nói, “hành động của phía Ấn Độ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực biên giới Trung – Ấn, nay thế này mai thế khác, bội tín bội nghĩa, Trung Quốc cực lực phản đối”.
Trương Thủy Lợi nhấn mạnh, “Trung Quốc nghiêm khắc yêu cầu phía Ấn Độ rút ngay quân đội vượt biên trái phép, kiểm soát chặt chẽ và kiềm chế quân đội ở tuyến trước, thiết thực tuân thủ các cam kết để tránh tình hình leo thang thêm”.
Trước cáo buộc của phía Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 31/8: “Lực lượng biên phòng Trung Quốc luôn tuân thủ nghiêm ngặt LAC và chưa bao giờ vượt qua ranh giới. Lực lượng bảo vệ biên giới hai nước luôn duy trì liên lạc về các vấn đề tại chỗ”.
Tờ India Today ngày 1/9 đưa tin, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tổ chức vòng đàm phán cấp lữ đoàn thứ hai trong ngày 1/9 tại Chusul/Moldo để thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình ở bờ nam hồ Pangong. Theo các nguồn tin, Trung Quốc muốn quân đội Ấn Độ rút khỏi một số khu vực hiện do quân đội Ấn Độ kiểm soát.
Theo báo này, Ấn Độ cũng lo ngại về việc Trung Quốc triển khai quân tại các khu vực như Black Top và Helmet Top.
Liên quan đến vụ đụng độ mới ở biên giới này, tờ India Today ngày 31/8 đưa tin, một số nguồn tin trong quân đội Ấn Độ tiết lộ với phóng viên rằng quân đội Trung Quốc đã định đưa hơn 500 binh sĩ tiến vào khu vực Ấn Độ kiểm soát gần hồ Pangong.
Tuy nhiên, nguồn tin này cho biết, quân đội Ấn Độ đã chiếm giữ các vị trí này trước người Trung Quốc. Một nguồn tin quân sự Ấn Độ cũng cho biết: “Cho đến nay, chưa có đụng độ cơ thể nào giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở bờ phía nam Hồ Bangong”.
Tờ The Hindu hôm 31/8 dẫn một nguồn tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, khoảng 25 binh sĩ PLA đã vượt qua ranh giới LAC và bị quân đội Ấn Độ chặn lại. Nguồn tin này nói thêm khoảng 100 binh sĩ PLA cũng được nhìn thấy dưới chân núi Black Top đối diện với LAC.
Tờ Times of India ngày 1/9 viết, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật “cắt lát xúc xích” ở cả ba khu vực thuộc LAC dài 3.488 km từ Ladakh đến Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Tạng Nam) để thử thách quyết tâm của Ấn Độ. Nhưng cơ quan quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh Ấn Độ không còn phản đối áp dụng thái độ cứng rắn nữa.
Theo báo trên, điều này phù hợp với suy nghĩ rằng cách duy nhất để quay trở lại bàn đàm phán của Trung Quốc là thông qua “counter-incursion” (chống xâm nhập) để giành được lợi thế nhất định trong các cuộc đàm phán giải tỏa bế tắc ở Bangong Lake, Gogra và những nơi khác.
Báo này chỉ ra, nhưng điều này không có nghĩa là các hoạt động của quân đội Ấn Độ từ tối ngày 29 đến sáng sớm ngày 30/8 là một cuộc xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc. Một sĩ quan cấp cao của Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng quân đội Ấn Độ chỉ chiếm đóng cao nguyên Chushul trong phạm vi kiểm soát thực tế do Ấn Độ xác định.
Cuộc đua tranh giành điểm cao khống chế
Một sĩ quan quân đội Ấn Độ khác nói: “Mấu chốt của cuộc chiến trên núi cao là chiếm đóng điểm cao khống chế. Đầu tháng 5, Trung Quốc nhiều lần xâm nhập khu vực phía đông Ladakh, điều này thực sự khiến chúng tôi bất ngờ. Họ vi phạm thỏa thuận về đường kiểm soát thực tế. Lần này, chúng tôi khiến người Trung Quốc bị bất ngờ”.
Theo truyền thông Ấn Độ Zee News ngày 1/9, một cuộc đụng độ đã nổ ra giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ trên hồ Bangong ở Ladakh từ tối ngày 29 đến 30/8 theo giờ địa phương. Sau đó, Trung Quốc và Ấn Độ nối lại cuộc đàm phán cấp chỉ huy lữ đoàn vào ngày 1/9 để giải quyết vấn đề tranh chấp.
Theo các nguồn tin, cuộc đàm phán bắt đầu lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương tại Chushul nằm ở phía Ấn Độ trên biên giới Trung – Ấn. Hai bên thảo luận về một loạt vấn đề, như việc Trung Quốc yêu cầu quân đội Ấn Độ rời khỏi một số khu vực mà Trung Quốc nói là bị quân đội Ấn Độ chiếm đóng.
Người phát ngôn Quân đội Ấn Độ, Đại tá Aman Anand cho biết, quân đội Ấn Độ cam kết duy trì hòa bình và an ninh thông qua đối thoại, nhưng cũng quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.
Theo phía Ấn Độ, từ tối ngày 29 đến ngày 30/8, quân đội Trung Quốc định xâm chiếm vùng phụ cận của Hồ Bangong ở phía đông Ladakh. Trung Quốc đang nỗ lực khống chế khu vực này để giành lợi thế chiến lược. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ đã cảnh giác và có những hành động cứng rắn chống lại PLA.
Binh sĩ Ấn Độ đã chiếm được vị trí cao hơn, buộc quân đội Trung Quốc phải rút lui mà không bắn một phát súng nào.
Tình hình có thể leo thang
Tờ Hindustan Times ngày 1/9 đưa tin, một quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ nói: “Do PLA hoàn toàn ở trong trạng thái xâm lược, định sử dụng vũ khí hạng nặng để buộc quân đội Ấn Độ đầu hàng, tình hình khu vực Chushul đang rất căng thẳng. Quân đội Ấn Độ cũng được trang bị vũ khí tương tự và phản công thông qua lực lượng biên phòng đặc biệt để làm suy yếu cuộc tấn công của Trung Quốc ở bờ nam của Hồ Pangong và núi Reqin”.
Theo báo này, cuộc phản công của Ấn Độ nhằm đảm bảo các vùng đất cao quân đội Ấn Độ hiện đang chiếm lĩnh dọc theo LAC và có thể giám sát các hoạt động của Trung Quốc. Một chỉ huy cấp cao khác của quân đội Ấn Độ cho biết: “Tình hình rất nghiêm trọng và không loại trừ khả năng leo thang. Theo chỉ thị của Bắc Kinh, PLA đang dốc sức để ép quân đội Ấn Độ”.
Đồng thời, tờ India Today ngày 1/9 nói, theo một nguồn tin, xe tăng của Ấn Độ và Trung Quốc đã được triển khai trong tầm bắn của nhau.