Chuyên gia cho biết, việc có người Tây Tạng tham chiến ở phía Ấn Độ đã khiến ĐCSTQ xấu hổ.
Quân đội Ấn Độ ngày 31/8 đã lên án phía Trung Quốc vi phạm sự đồng thuận của hai bên trong hai ngày 29 và 30/8 và xâm nhập vào khu vực tài phán của Ấn Độ ở bờ nam của hồ Pangong Tso thuộc khu vực Ladakh khi thực hiện “các hoạt động quân sự khiêu khích” và có “ý đồ thay đổi hiện trạng”. Cuối cùng, quân đội Ấn Độ đã ngăn cản được cuộc tấn công của các binh sĩ Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 1/9, phía Trung Quốc đã lên án Ấn Độ “vượt biên trái phép” và yêu cầu rút quân ngay lập tức, theo Secretchina.
Tờ The Telegraph của Anh hôm 1/9 dẫn tin tức cho biết quân đội Ấn Độ đã đẩy lùi quân Trung Quốc sau 3 giờ giao tranh vào sáng sớm ngày 31/8. Quân đội Trung Quốc đã phải rút lui và quân đội Ấn Độ chiếm đóng vùng cao phía nam của Hồ Pangong Co. Tờ India Today của Ấn Độ cũng cho biết quân đội Ấn Độ có thể đã tiến tới khoảng 3 km trong lãnh thổ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “tuyên bố chủ quyền”.
Secretchina dẫn một số nguồn tin từ các phương tiện truyền thông cho biết, quân đội Ấn Độ được cho là đã sử dụng một đơn vị tác chiến đặc biệt bao gồm người dân tộc Thổ và người Tây Tạng trong cuộc xung đột. Đã có xác nhận rằng một binh sĩ Tây Tạng trong quân đội Ấn Độ đã thiệt mạng. Quân đội Trung Quốc cũng rất cảnh giác với người Tây Tạng, phần lớn sĩ quan và binh lính người Hán không thích nghi được với môi trường khắc nghiệt của cao nguyên nên rất bị động trong đối đầu.
Ông Tiết, người am hiểu tình hình ở Tây Tạng, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng lần này các quan chức Trung Quốc chỉ công bố thông tin hạn chế khi họ không thể che giấu như việc quân Trung Quốc đã “bị thua và quân Ấn Độ đã tiến thêm 4 km, những tin tức kiểu như vậy ở trong nước (Trung Quốc) là đặc biệt phong tỏa, mất hút”.
Ông nói rằng việc có người Tây Tạng chiến đấu trong quân đội Ấn Độ đã khiến quân đội ĐCSTQ xấu hổ. “Họ (người Tây Tạng) luôn coi ĐCSTQ là kẻ thù …. Vì vậy, việc họ thành lập lực lượng đặc biệt để tấn công (ĐCSTQ) là điều bình thường. Hiện tại, bộ phận người Tây Tạng này ở Tây Tạng vẫn coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo của họ. Nhiều người ủng hộ việc chống lại ĐCSTQ hoặc thậm chí lật đổ sự cai trị của nó ở Tây Tạng”.
Hiện trên Twitter đã đăng tải nhiều video ăn mừng quân đội Ấn Độ, ngoài quân đội Ấn Độ còn có người cầm cờ Sư tử núi tuyết của Tây Tạng, nhiều người được cho là mặc trang phục Tây Tạng.
Theo ông Trần, một người trong giới truyền thông chính thống đại lục, họ chỉ có thể báo cáo tin tức do Bộ Ngoại giao và quân đội Trung Quốc công bố về xung đột biên giới Trung-Ấn. Hiện tại, các quan chức lại đang cố gắng chuyển hướng mâu thuẫn, cho rằng sự leo thang của xung đột Trung-Ấn là do Hoa Kỳ kiểm soát.
Kể từ ngày 31/8, các phương tiện truyền thông trung ương bắt đầu một đợt tuyên truyền chống Mỹ mới. “Vào ngày 31/8, Nhật báo Quân đội Giải phóng, Nhật báo Kinh tế và một số kênh truyền thông trung ương đã đưa ra một nội dung để kỷ niệm 70 năm Cuộc chiến chống Hoa Kỳ, nhắc lại về việc bảo vệ đất nước. Họ cho rằng Ấn Độ là quân cờ của Hoa Kỳ. Hiện tại về cơ bản lập luận này đang thịnh hành”, ông Trần nói.
Kể từ đầu tháng 5, xung đột biên giới Trung-Ấn đã ngày một nóng lên. Một cuộc xung đột kéo dài hàng trăm mét giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến hơn 100 người của cả hai bên bị thương. Ngày 15/6, đã xảy ra một cuộc đụng độ khác giữa Trung Quốc và Ấn Độ, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ, nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn e ngại công bố có bao nhiêu binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hoặc bị thương. Có tin đồn rằng đã có hơn 40 binh sĩ thương vong bên phía Trung Quốc.
Về những xung đột tiếp diễn giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới, Đường Hạo, người dẫn chương trình “Ngã tư thế giới” và biên tập viên cấp cao về các vấn đề quốc tế của Secretchina trước đó cũng chỉ ra động cơ của ĐCSTQ. Ông đề cập rằng Bắc Kinh gần đây đã tiến hành các hành động khiêu khích quân sự ở Ấn Độ, Biển Đông, eo biển Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư, nhưng không có hành động nào thành công. Những cuộc tấn công vào biên giới Ấn Độ có thể là để đạt được một thắng lợi quân sự nhỏ và ghi thêm điểm vào thành tích quân sự của những người cầm quyền.