Cắt giảm ngân sách liên tục đã khiến quân đội Mỹ không còn bất cứ xe tăng, trực thăng vũ trang nào hiện diện ở châu Âu.
Một chiếc trực thăng quân sự Black Hawk. Ảnh: Reuters
Mới đây, lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở châu Âu đã buộc phải mượn trực thăng vũ trang Black Hawk của Anh và trang thiết bị của các nước thành viên NATO khác như Đức và Hungary để diễn tập huấn luyện quân sự do ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm nặng nề.
Mỹ đã không còn bất kỳ xe tăng nào ở châu Âu sau khi chuyển hết vũ khí hạng nặng và máy móc hỗ trợ chiến đấu về nước từ ba năm trước, trong khi quân số Mỹ đồn trú ở đây cũng giảm xuống hơn 1/3 kể từ năm 2012. Bởi vậy, Mỹ đã quyết định đi mượn vũ khí, trang bị của đồng minh để huấn luyện thay vì tốn kém chi phí chuyển số trực thăng, xe tăng này tới châu Âu trong thời gian ngắn.
Trung tướng Ben Hodges, chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết việc quân Mỹ thiếu lực lượng và vũ khí, trang bị cần thiết cho các hoạt động quân sự là một “nguy cơ với NATO”, và hành động mượn xe tăng, trực thăng và các trang thiết bị quân sự khác của các đồng minh là “cần thiết”.
Tướng Hodges nói rằng việc cắt giảm ngân sách và trang bị ở châu Âu đã khiến Mỹ “không đủ năng lực tình báo cần thiết” và kết quả là họ đã bị “bất ngờ” trước các động thái của Nga đối với Ukraine và Syria. “Chúng tôi không còn nhiều chuyên gia nói tiếng Nga như trước đây, và cá nhân tôi đã bị bất ngờ trước những cuộc tập trận bất ngờ và cả hành động can thiệp vào Syria của Nga. Đơn giản là chúng tôi không có đủ khả năng để quan sát và theo dõi họ đang làm gì”, ông Hodges tiết lộ.
Theo bình luận viên David Lawler của Telegraph, việc một lực lượng quân đội được coi là hùng mạnh nhất thế giới phải đi mượn vũ khí để tiến hành các hoạt động quân sự ở châu Âu là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm hiện diện. Lầu Năm Góc đã cắt giảm đáng kể chi tiêu quân sự trong vài năm qua, và các nguồn lực đang được dồn vào những điểm nóng khác ở châu Á và Trung Đông.
Khi sự hiện diện quân sự ở châu Âu ngày càng bị thu hẹp, Mỹ đang phải trông chờ vào sự hỗ trợ trang thiết bị nhiều hơn của Anh. Tuy nhiên, Anh vừa mới tuyên bố sẽ duy trì 2% GDP cho chi tiêu quân sự, và “nếu Anh cắt giảm khoản ngân sách này, áp lực sẽ đè nặng lên các quốc gia châu Âu khác”, tướng Hodges nói.
Cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ có hơn 200.000 quân đồn trú ở châu Âu, nhưng hiện nay lực lượng này chỉ còn khoảng 30.000 người. Trong khi đó, nhiều quan chức quân sự châu Âu đã kêu gọi Mỹ cần tăng cường tiềm lực quân sự cho các nước đồng minh châu Âu để họ có thể tự bảo vệ mình.
Chính quyền Mỹ mới đây đã cắt giảm quân số đồn trú ở Iraq và Afghanistan và sẽ tiếp tục cắt giảm trong tương lai. Một số quan chức Mỹ cảnh báo động thái cắt giảm ngân sách quá lớn sẽ đẩy quân đội Mỹ vào tình thế nguy hiểm trong trường hợp Mỹ phải đồng thời tiến hành hai cuộc chiến lớn.