Kể từ tháng 6 tới nay, lưu vực sông Trường Giang liên tục mưa lớn khiến 27 tỉnh thành của Trung Quốc hứng chịu ngập lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Những ngày qua, đập Tam Hiệp đón đỉnh lũ cao nhất lịch sử, buộc phải mở 11 cửa xả lũ để giải vây, lưu lượng xả có lúc lên tới 49.200 mét khối /giây, các tỉnh phía hạ lưu như Tứ Xuyên, Giang Tây, Hồ Bắc… bằng phẳng như bình địa, dân chúng lầm than. Đập Tam Hiệp hiện tại đang dần ứng nghiệm với câu nói từ nhiều năm trước: công trình họa nước hại dân.
Ảnh: Tổng hợp.
Hoàng Hà và Trường Giang là hai con sông lớn tượng trưng cho long mạch của dân tộc Trung Hoa nên người Trung Quốc còn được gọi là “con cháu của rồng”. Đập Tam Hiệp được khởi công xây dựng vào tháng 12 năm 1994 và hoàn thành vào cuối năm 2012, kéo dài suốt 18 năm. Con đập nằm chắn ngang đoạn giữa sông Trường Giang chẳng khác nào chặt đứt long mạch, không chỉ là họa nước hại dân, phá hoại môi trường tự nhiên, mà còn gây ra bao tội lỗi thiên cổ khôn lường.
Tam Hiệp thành tội danh thiên cổ, Phan Gia Tranh nằm mơ thấy mình xuống địa ngục
Nhà thiết kế chính của đập Tam Hiệp, viện sĩ của ĐCSTQ và Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, Phan Gia Tranh cũng nhận thức rất rõ tính nguy hiểm của công trình đập Tam Hiệp. Ông từng liệt kê “20 tội trạng” của công trình này và tin rằng không nên xây dựng: nhấn chìm diện tích đất đai, cây cối lớn, vi phạm nhân quyền di dời chỗ ở người dân, gây ra động đất, nhấn chìm các di tích văn vật, gây chất lượng nước suy giảm, cản trở giao thông đường thủy, nguy cơ vỡ đập…
Sau khi tham gia xây dựng công trình, Phan Gia Tranh đã tự mình trải nghiệm tình hình di dân. Ông thuật lại: “Nơi đó giống như đêm trước khi sắp đối mặt với một trận đại dịch và trận chiến lớn, trên đất khắp nơi là dấu vết lộn xộn, cả một vùng hỗn loạn thê lương”. Ông cũng từng sám hối rằng: “Chúng tôi thật sự có lỗi với những người phải di dân”.
Tội nghiệt không chỉ là những điều này. Trong quá trình khởi động dự án Tam Hiệp, có biết bao cuộc chiến chính trị bẩn thỉu và giao dịch quyền lực tiền bạc được ẩn giấu bên trong, hậu quả để lại như một thanh gươm sắc nhọn treo trên đầu những người dân lưu vực sông Trường Giang. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá về Dự án Tam Hiệp năm đó, Phan Gia Tranh vẫn tuyên bố rằng công trình đập Tam Hiệp chính là “bức trường thành gang thép, vô cùng kiên cố, tồn tại vạn năm”.
Phan Gia Tranh mất ngày 13 tháng 7 năm 2012. Ông từng kể lại cơn ác mộng của mình trong “giấc mộng Tam Hiệp”: Ông mơ thấy mình bị xét xử tại “tòa án môi trường sinh thái quốc tế” và bị kết án “trục xuất ra khỏi nhân loại, vĩnh viễn rơi vào ma đạo, bị đưa đến âm tào địa phủ, chịu nỗi khổ lăng trì”.
Theo cách nói của Phật giáo, con người có lục đạo luân hồi, tất cả tội lỗi và nghiệp chướng của một người gây ra khi còn sống thì sau khi chết đi phải giải quyết sạch sẽ. Cơn ác mộng của Phan Gia Tranh có lẽ là sự báo trước của trời cao về số phận sau khi chết đi của ông. Còn chúng ta không biết liệu bản thân Phan Gia Tranh có phải vì sợ quả báo và cảm nhận tội lỗi một cách sâu sắc nên mới kể ra cơn ác mộng của mình hay không.
Ngày 24 tháng 7, kỹ sư thiết kế đập Tam Hiệp Trịnh Thủ Nhân qua đời vì bệnh tật tại Vũ Hán. Trịnh Thủ Nhân là viện sĩ của Viện công trình ĐCSTQ, từng giữ chức Tổng Kỹ sư Ủy ban Thủy lợi Trường Giang, ông còn phụ trách thiết kế toàn bộ quá trình thi công hiện trường của các công trình lớn như bến Ô Giang, dẫn lưu đập Cát Châu, thiết kế chặn dòng chảy, vách núi ngăn sông. Tháng 12 năm 1994, đập Tam Hiệp bắt đầu được xây dựng, Trịnh Thủ Nhân đảm nhận vị trí thiết kế công trình, thường xuyên ở lại hiện trường thi công. Nguyên nhân căn bệnh gây ra cái chết cho Trịnh Thủ Nhân không được các phương tiện truyền thông nhắc tới.
Là một chuyên gia học giả, Phan Gia Tranh đã đưa ra những đánh giá đúng đắn ngay từ đầu, và thậm chí đưa ra 20 mối nguy hiểm của dự án Tam Hiệp. Nhưng đáng tiếc, với tư cách là một đảng viên, ông vẫn chọn lựa cắt đứt lương tri ban đầu của mình.
Ở Trung Quốc đại lục, rất nhiều người đã được thể nghiệm nhiệt huyết sôi sục khi bị ĐCSTQ mê hoặc che mắt bằng những chính sách có vẻ như vô cùng chính xác, anh minh và nhất quán. Khi quy luật khách quan và khái niệm đạo đức cho chúng ta biết rằng điều đó là không thể được, thì những logic điển hình của đảng sẽ xuất hiện một cách kỳ lạ: Một là, khoa học là toàn năng, con người có thể chiến thắng ông trời. Hai là, không thể vì 20 tội trạng kia mà không xây dựng con đập khổng lồ này. Ba là, lực lượng phản đối đập Tam Hiệp chủ yếu dựa vào lực lượng đối lập phương Tây.
Vì thế, Phan Gia Tranh đã “thay mặt cho người dân Trung Quốc” tuyên bố: “Các con sông không bao giờ được phép chảy tự do”. Phan Gia Tranh, Tiền Chính Anh và những người khác đã trở thành những người ủng hộ hết mình cho việc xây dựng đập Tam Hiệp, thậm chí họ đã rất tức giận ngay khi nghe tin có người phản đối đập Tam Hiệp. Năm 2007, Phan Gia Tranh đã viết thư cho nguyên Thứ trưởng Bộ thủy điện Lý Nhuệ, yêu cầu ông này không tiếp tục phát biểu ý kiến phản đối dự án Tam Hiệp.
Nhà cầm quyền đập Tam Hiệp Giang Trạch Dân mơ thấy mình xuống địa ngục và bị tra tấn
Mọi người đều biết rằng Giang Trạch Dân bắt đầu sự nghiệp của mình bằng vụ thảm sát các sinh viên ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn. Sau khi đến Bắc Kinh, để củng cố quyền lực, ông ta đã ép buộc tất cả các đảng viên phải ủng hộ việc xây dựng đập Tam Hiệp. Trong suốt thời gian đó, bất kể Hoàng Vạn Lý và Lý Nhuệ viết thư phản đối, ông ta cũng tiến hành đe dọa bắt họ phải im lặng.
Thật trùng hợp là, Giang Trạch Dân cũng tiết lộ bản thân từng mơ thấy mình bị đày xuống địa ngục và bị tra tấn ở đó. Vì những tội ác tày trời là tàn sát các sinh viên ngày 4 tháng 6 và bức hại Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân đã nhận được lời cảnh báo từ cơn ác mộng xuống địa ngục sớm hơn Phan Gia Tranh.
Khoảng 8 giờ 30 phút sáng ngày 5 tháng 6 năm 2004, Giang Trạch Dân vội vã đến Chiên Đàn Lâm Tự trên núi Cửu Hoa tỉnh An Huy để dâng hương. Theo tiết lộ nội bộ, Giang Trạch Dân khởi hành vào ngày 4 tháng 6, hôm đó ông ta đứng ngồi không yên, dù khuyên giải thế nào cũng phải nhanh chóng đến núi Cửu Hoa. Sau đó Giang Trạch Dân tiết lộ rằng vì hôm trước ông ta đã có một giấc mơ cực kỳ kinh khủng, thấy mình dưới địa ngục chịu cực hình.
Người ta suy đoán rằng chỉ hai tội đầu tiên đã đáng để Giang Trạch Dân xuống địa ngục rồi, lại cộng thêm tội xây đập Tam Hiệp. Theo như nhà Phật nói, những kẻ tội lỗi đầy mình không thể cứu sẽ bị hủy diệt hoàn toàn cả thể xác và thần hồn.
Đập Tam Hiệp không phải là vấn đề khoa học, mà chính là vấn đề của ĐCSTQ
Lý Nhuệ và Hoàng Vạn Lý là hai đại nguyên lão của phe phản đối đập Tam Hiệp. Cuối cùng, họ đều ý thức sâu sắc rằng: vấn đề của đập Tam Hiệp thực chất không phải là vấn đề khoa học, dân sinh hay kinh tế, mà chính là vấn đề của ĐCSTQ.
Lý Nhuệ nói: “[Trong thể chế của ĐCSTQ] những ý kiến đúng đắn bị phủ nhận, những ý kiến sai lầm lại được trưng dụng; việc sử dụng người tài cũng là đào thải người tốt, cất nhắc sử dụng kẻ bất tài”.
Những chuyên gia nổi tiếng phản đối Dự án Tam Hiệp thực sự hầu hết là những tiến sĩ, thạc sĩ từng học ở nước ngoài, điều này ở một mức độ nào đó thể hiện một tư tưởng khách quan và khắt khe của phương Tây.
Hoàng Vạn Lý, tiến sĩ công trình đại học Illinois, Hoa Kỳ, giám đốc kiêm kỹ sư trưởng của cục thủy lợi tỉnh Cam Túc. Vào thập niên 80, ông đã đề xuất một báo cáo phản đối việc xây dựng Tam Hiệp: “ Đập cao Tam Hiệp họa nước hại dân, xin hãy ra quyết định dừng thi công”. Khi đó ông đã cầu xin những người ra quyết định cho ông nửa giờ để giải thích lý do tại sao Tam Hiệp không được xây dựng, nhưng ông đã bị phớt lờ.
Hoàng Vạn Lý đã dự đoán nếu con đập được xây dựng, cuối cùng sẽ nổ tung. Đập Tam Hiệp từng được Hoàng Vạn Lý dự đoán sẽ gây ra 12 hậu quả thảm khốc như: khí hậu bất thường, động đất thường xuyên, suy thoái sinh thái, lũ lụt nghiêm trọng… Đến nay 11 hậu quả đầu tiên đều đã ứng nghiệm, còn điều cuối cùng là “cuối cùng sẽ nổ tung” chỉ e cũng chẳng còn xa nữa.
Hầu Học Dục, tiến sĩ Đại học bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc là thành viên của tổ môi trường sinh thái luận chứng công trình Tam Hiệp. Ông đã không đồng ý ký tên vào bản báo cáo luận chứng của tổ này. Lý do được nêu ra là: “Tôi cho rằng, nhìn từ góc độ ảnh hưởng tài nguyên và môi trường sinh thái, vấn đề của dự án Tam Hiệp không phải là sáng hay tối, con đập cao bao nhiêu, mà cơ bản là có nên xây hay không”.
Chu Bồi Nguyên, tiến sĩ khoa học học viện công nghệ California, Hoa Kỳ, viện sĩ viện khoa học Trung Quốc, viện phó viện hàn lâm khoa học, ý kiến của ông có hai điểm chính như sau: Một là “vấn đề nạo vét bùn đất… vẫn chưa có giải pháp phù hợp cho vấn đề phù sa ở Trùng Khánh ở cuối hồ chứa.” Hai là “Tàu thuyền đi qua đập phải đi qua năm cấp âu thuyền, chỉ cần 1 cấp trong đó xảy ra vấn đề đều sẽ khiến tuyến đường thủy vàng này bị đứt đoạn”.
Lục Khâm Khản, thạc sĩ thủy lợi đại học Colorado, Hoa Kỳ, ủy viên Chính Hiệp Toàn Quốc, cố vấn tổ kiểm soát lũ lụt của ủy ban luận chứng dự án Tam Hiệp, cũng không ký tên lên báo cáo luận chứng kiểm soát lũ. Ý kiến của ông là: “xây dựng công trình Tam Hiệp, thành phố Vũ Hán “đội một chậu nước to trên đầu”, không thể hạ thấp mực nước lũ, cũng không thể giảm lượng nước lũ tích trữ của các vùng lân cận, chứ đừng nói đến vùng hạ du như Giang Tây, An Huy”.
Cũng có người sau khi xem xét phân tích thực tế về Tam Hiệp càng kiên quyết lên tiếng nói sự thật, đưa ra ý kiến phản đối, điển hình như nguyên Thứ trưởng Bộ thủy điện, thứ trưởng thường vụ ban tổ chức Trung Ương – Lý Nhuệ. Ông luôn kiên quyết phản đối công trình Tam Hiệp. Sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc thông qua dự án Tam Hiệp, ông từng nhiều lần viết thư cho các quan chức cấp cao để khuyên can. Nguyên Thứ trưởng bộ thương nghiệp Vương Hưng Nhượng nhấn mạnh vào vấn đề di dân của Tam Hiệp: “Di chứng di dân mà dự án Tam Hiệp gây ra sẽ khiến cho mọi công trình trước đó trở nên “nhỏ bé không đáng kể”.
Dương Lãng, cựu tổng biên tập “Nhật báo thanh niên Trung Quốc” từng viết bài “Kiếm treo trên đầu”, bài viết chất vấn Tam Hiệp dưới góc độ quốc phòng. Cũng phản đối dự án Tam Hiệp còn có nhà kinh tế học nổi tiếng Mao Vu Thức.
Đập Tam Hiệp là thảm họa cho đất nước và nhân dân
Tháng 4 năm 2012, trang mạng tài chính Trung Quốc đã đăng tải bài viết “Anbound: Dự án Tam Hiệp đang trở thành một hố sâu không đáy”, nói rằng Dự án Tam Hiệp là một trong những siêu dự án lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nó không chỉ có vốn đầu tư khổng lồ, mà còn để lại rất nhiều vấn đề.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc, chuyên gia thủy lợi, đã đề cập trong bài báo “Phản công của tập đoàn Tam Hiệp – lợi ích quá lớn, không nói đến tổn thất” rằng 180 tỷ nhân dân tệ đầu tư vào Dự án Tam Hiệp là Quỹ Tam Hiệp do người dân đóng góp. Nhưng đến nay thì người dân đã không còn cả gốc và lãi. ĐCSTQ đã không thực hiện lời hứa của mình.
Tháng 5 năm 2014, có phương tiện truyền thông của đại lục còn đưa tin, rằng kể từ khi xây dựng Dự án Tam Hiệp vào năm 1994, hơn 500 tỷ nhân dân tệ đã được người dân trên cả nước đóng góp, thế nhưng ngay cả sự tiện lợi khi sử dụng điện họ cũng không được hưởng. Không chỉ vậy, còn phải hứng chịu những thảm họa như hạn hán nghiêm trọng, nhiệt độ cao, lũ lụt, động đất thường xuyên xảy ra hàng năm.
Tháng 6 năm 2013, Văn phòng Kiểm toán ĐCSTQ thông báo đã phát hiện tổng cộng 76 vụ án phạm pháp và tội phạm kinh tế trong dự án đập Tam Hiệp, 113 người có liên quan, số tiền vi phạm lên đến 3,445 tỷ NDT. Có người đã tiết lộ thông tin: Số tiền đầu tư khổng lồ của tập đoàn Tam Hiệp đã bị biển thủ để phát triển bất động sản, và phần lớn số tiền trong vòng tròn này đều chảy về tập đoàn Giang Trạch Dân.
Đoàn kiểm tra của ĐCSTQ và văn phòng kiểm toán cũng thừa nhận rằng dự án Tam Hiệp đã trở thành một cỗ máy kiếm lời tư nhân, xâm phạm tài sản nhà nước, lũng đoạn tài nguyên công, tham ô mục nát, dường như đến mức không thể kiểm soát.