Friday, October 18, 2024

Biển “nóng”

Biển Đông là một trong những nơi “nóng” nhất, chứ chưa hẳn đã chỉ là  Trung Đông. Thoạt đầu, nhận định này vẻ như không thuyết phục. Là bởi, Trung Đông, bao năm nay ùng oàng súng đạn, tên lửa, đại bác, chết cơ man là người, hại cơ man là của. Nhưng…

Tên lửa DF-26 trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bắc Kinh, TQ

Một sự thật khó cãi, là: Trung Đông ùng oàng bom đạn; cây hòa bình dường như chưa bao giờ, và có thể còn rất lâu nữa, mới xanh lá. Tuy thế, nhìn chung, chiến sự liên miên nơi miền đất sa mạc, khô cằn đó vẫn chỉ là những cuộc đối đầu có quy mô mang tính cục bộ giữa những quốc gia hồi giáo chưa thể gọi là lớn, càng chưa thể định danh là cường quốc quân sự số 1, số 2…

Còn Biển Đông, nếu không kể các cuộc gây hấn, đâm húc; không tính các cuộc thử tên lửa, kể cả thử tên lửa đạn đạo nhằm vào “mục tiêu di động trên biển” của Bắc Kinh; không tính tới các cuộc ra, vào nghênh ngang cùng lúc hai, ba cụm tàu sân bay của Washington; không tính tới các hoạt động quân sự có tính diễn tập của các quốc gia liên quan khác… nhằm bắn tới đối thủ những thông điệp kiểu “ta đây chẳng sợ bố con thằng nào”, từ nhiều năm nay, ngoài việc Trung Quốc cưỡng chiếm đảo trái phép của Việt Nam năm 1988, nơi này chưa diễn ra các cuộc đấu súng thực sự. Vậy mà, những gì đang diễn ra tại Biển Đông không hề chứng tỏ đây là vùng biển “lạnh”, ngược lại, thể hiện rằng: đây là vùng biển rất “nóng”, thậm chí “nóng” nhất.

Tại sao vậy?

Thứ nhất, “hai con hổ chẳng thể cùng chuồng”. Tình cảnh Biển Đông hiện nay là như thế. Yêu sách “đường chín đoạn” nhằm thôn tính gọn Biển Đông của Trung Quốc thì đã rõ. “Hổ Tàu” vẻ như có lý để nghĩ rằng: mấy “con rồng”, “con sói”, “con cáo” như Việt Nam, Philippines, Malaysia, hoặc thêm vài con khác nữa, dẫu ương ngạnh, cũng chả là gì, trước sau họ cũng nuốt gọn. Nhưng gần đây, sau thời gian lờn vờn, con “hổ Mỹ” bỗng hung hăng như vừa được ai cho uống thêm liều “mật gấu”, nhảy bổ vào Biển Đông – “tranh chuồng” với “hổ Tàu”. Điều đó thể hiện trong tuyên bố chính thức của ông ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 13/7.

 Bắc Kinh tức điên. Tức vì ngoài cái giọng nhân danh bảo đảm hòa bình, ổn định, thượng tôn tự do trên biển, tự do giao thương và phản đối bất kỳ hành động sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, trong tuyên bố chính thức, Washington bác bỏ hầu như hoàn toàn các yêu sách “đường 9 đoạn của Trung Quốc một cách cụ thể, rằng: “Chúng tôi (Mỹ) đang truyền đi thông điệp rõ ràng: Tuyên bố của Trung Quốc đối với các các tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông, cũng như các biện pháp cưỡng ép nhằm kiểm soát chúng, là hoàn toàn phi pháp”.

Dư luận quốc tế chẳng chút khó khăn để nhận ra, dù không đề cập trực tiếp, nhưng thực sự, Mỹ đã công nhận phán quyết giữa năm 2016 của Tòa trọng tài (PCA) trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc.

Thực trạng đó nói lên rằng: Xung đột hiện nay tại Biển Đông giữa Trung Quốc và phương Tây do Mỹ cầm đầu thật khó điều hòa. Chuyện kết thúc càng là điều xa vời.

Đặc biệt, cùng với “ăn miếng, trả miếng” trong cuộc chiến thương mại bắt đầu từ hai năm trước, căng thẳng mỗi tháng như thêm một nấc thang khi cả Mỹ và Trung Quốc thi nhau có những hành động quân sự gây hấn. Thời gian chưa đầy 2 tháng trở lại đây, sau tuyên bố 13/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã có những hành động quân sự  phô trương cấp tập.

Mỹ đã triển khai tàu đổ bộ đồng hành cùng tàu khu trục của Hải quân Australia tiến hành tuần tra trong khu vực. Cũng Mỹ, điều 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và USS Barry đi tới vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Không chịu lép, Trung Quốc đơn phương phong tỏa một khu vực trên biển để tiến hành một cuộc tập trận hải quân gần Hoàng Sa.

Tức thì hải quân Mỹ đã triển khai 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tới vùng biển này. Chưa hết, như cảm thấy số máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ vận tải của hải quân và máy bay Tuần dương P8-Poseidon là chưa đủ, không quân Mỹ điều động thêm 1 máy bay ném bom chiến lược B52 nhằm tăng cường hiện diện tại Biển Đông…

Trung Quốc chẳng lép. Mỹ cậy tàu sân bay tối tân thì Trung Quốc “cậy gần bờ”. Nghĩ là làm, Bắc Kinh phóng thử luôn hai tên lửa gồm DF-26B từ Thanh Hải và DF-21D từ Chiết Giang ra Biển Đông sáng 26/8. Tên lửa DF-26 có tầm bắn 4.000 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, có thể dùng để tấn công mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Trong khi đó, DF-21 có tầm bắn khoảng 1.800 km và truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả phiên bản DF-21D là tên lửa đạn đạo diệt hạm đầu tiên trên thế giới hay “sát thủ diệt tàu sân bay”.

Ngoài miệng nói rằng đây là diễn tập, chẳng nhằm vào ai, nhưng Trung Nam Hải lại mượn danh một mạng xã hội để thập thò thông tin cho dư luận thấy “đây là phản ứng (của Trung Quốc) đối với những rủi ro tiềm tàng từ các máy bay chiến đấu và tàu quân sự Mỹ ngày càng thường xuyên đến Biển Đông”.

Nghĩa là, Trung Quốc làm một động thái cảnh cáo Mỹ thông qua một giải pháp ngoại giao mới đáng đi vào từ điển: “ngoại giao tên lửa”.

Nói dại, một khi cả hai bên đều muốn chứng tỏ, khẳng định “ta là nhất”, không bên nào chịu “nhún nhường”, dù chỉ một ly, chẳng ai dám chắc không thể xảy ra một điều nghiêm trọng, tồi tệ nào đó giữa hai cường quốc mà tương quan có thể ví như “kẻ tám lạng, người nửa cân” này.

RELATED ARTICLES

Tin mới