Vào tù thăm con mới hay tin con trai đã chết từ hơn 16 tháng trước, bà Ngọc run rẩy bàng hoàng, không hiểu nổi tại sao con bà đã chết ngần ấy thời gian mà gia đình không hề hay biết.
Vợ chồng ông Đứng trình bày sự việc đau lòng
Ông Trần Đứng vừa có đơn kêu cứu về việc con trai ông là Trần Anh Tuấn (SN 1981, trú phường Vĩnh Thọ, Nha Trang, Khánh Hòa) đã chết hơn 16 tháng khi đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Xuân Phước (Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng tại Phú Yên) nhưng gia đình không hề hay biết.
Ông Đứng kể, năm 2001, con trai ông phạm tội “giết người” và bị cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt giam ngày 25/6/2001. Bản án số 07 ngày 22/1/2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt con trai ông 12 năm tù về tội danh nói trên. Ngày 21/3/2002, phạm nhân Tuấn đến chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Xuân Phước (Tổng Cục VIII, Bộ Công an, đóng tại Phú Yên).
Từ ngày con trai phạm tội và bị công an bắt, vợ chồng ông Đứng đau xót thương nhớ, nhưng vì gia cảnh nghèo khó nên ít có điều kiện đi thăm con. 12 năm con trai ngồi tù, số lần ông bà tới thăm con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo án phạt, ngày 25/6/2013 Tuấn mãn hạn tù. Tuy nhiên do cuộc mưu sinh nghèo khó, lại già cả nên ông Đứng và vợ – bà Trần Thị Ngọc (SN 1965) không để ý đến ngày tháng con về.
Đầu tháng 10/2014, ngồi nhớ con, bà Ngọc mới ngờ ngợ rằng con trai hình như đã mãn hạn tù, sao không thấy con về. Ngày 13/10, ông Đứng lên xã ký giấy xác nhận của chính quyền để bà Ngọc qua Phú Yên thăm Tuấn.
Bà Ngọc kể, khi bà vào trạm giam thì cán bộ trại giam cho biết con trai bà đã chết vào ngày 12/6/2013 tại Bệnh xá Phân trại số 2, Trại giam Xuân Phước do bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối.
Tin dữ như sét đánh khiến bà Ngọc run rẩy, bàng hoàng. Bà không thể giải thích được vì sao con trai bà chết hơn 16 tháng mà gia đình không nhận được thông báo để đến nhận xác.
Bà Ngọc đến gặp người có thẩm quyền tại Trại giam Xuân Phước để hỏi rõ sự việc. “Giám thị trại giam cùng cán bộ Phòng Giáo dục nói với tôi là đã làm đúng thủ tục theo quy định, trại đã gửi thông báo, giấy báo tử về nơi ở của con tôi là phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang”, bà Ngọc nói.
Bà Ngọc cũng được trại giam cấp một bộ hồ sơ liên quan đến cái chết của con bà để làm bằng chứng “đối chất” với phường. Bà Ngọc cho rằng phường Vĩnh Thọ đã nhận giấy tờ về cái chết của con bà nhưng phường không thông báo nên mới có chuyện người ta chôn con bà ở trại giam.
Vợ chồng ông Đứng cầm đơn đi thăm con mới hay tin con đã chết |
Ngày 16/10/2014, bà Ngọc 2 lần đến phường Vĩnh Thọ để trình bày sự việc. “Tôi đến phường để hỏi phường có nhận giấy báo tử của con tôi không, phường trả lời không nhận giấy báo tử nào cả. Vợ chồng tôi đưa giấy tờ ra cho phường coi rồi cán bộ phường nói phường không có trách nhiệm thông báo đến gia đình”, bà Ngọc bức xúc nói và cho biết bà đã làm tờ đơn nhờ phường xác nhận là “không nhận” để làm bằng chứng nhưng phường không ký.
Trả lời về vụ việc, ông Phạm Nguyễn Tất Nhiên, cán bộ Tư pháp phường Vĩnh Thọ, cho biết phường có nhận được 2 văn bản của trại giam Xuân Phước thông báo về việc phạm nhân Tuấn chấp hành xong hình phạt tù và việc phạm nhân này chết. Ngoài ra, phường không nhận bất kỳ giấy tờ nào thêm. Trong 2 văn bản thông báo của trại giam, ghi rõ chủ thể nhận (kính gửi- PV) là UBND phường Vĩnh Thọ.
Ông Nhiên cho rằng, phường nhận 2 văn bản nói trên để biết chứ không có trách nhiệm thông báo đến gia đình. “Việc thông báo phạm nhân chết là trách nhiệm của trại giam. Có thể trại giam đã gửi giấy tờ thông báo nhưng gia đình phạm nhân Tuấn đã chuyển đến địa phương khác sinh sống từ rất lâu (hiện sống tại xã Phước Đồng, Nha Trang – PV) nên có thể giấy tờ không đến được với gia đình”, ông Nhiên nói.
Ông Trình Xuân Minh Thế, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ, cho rằng phường hoàn toàn không nhận bất kỳ công văn phản hồi nào từ trại giam về việc không tìm được địa chỉ gia đình phạm nhân Tuấn. Nếu nhận công văn phản hồi thì phường đã thông báo để tìm địa chỉ gia đình này.
Mấy ngày qua, vì quá đau buồn trước cái chết của con và bức xúc trước sự tắc trách của các cơ quan, chính quyền, bất chấp mưa nắng, lại thường bị đau tim, ông Đứng vẫn lọ mọ mang đơn đi “gõ cửa” các cơ quan công quyền tỉnh Khánh Hòa để tìm một lời giải đáp.