Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửDàn đồng ca chủ nghĩa dân tộc Đại Hán (Phần 7 )

Dàn đồng ca chủ nghĩa dân tộc Đại Hán (Phần 7 )

Việc kiểm duyệt Internet của Trung Quốc đã gây phẫn nộ trong Quốc hội và giới truyền thông Hoa Kỳ. Các công ty của Hoa Kỳ như Cisco, Yahoo, Microsoft và Google, để làm ăn tại thị trường hấp dẫn như Trung Quốc, phải ngậm bò hòn làm ngọt và hợp tác với chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm duyệt các tìm kiếm.

Yahoo bị chửi bới nhiều nhất vì đã giúp các cơ quan an ninh của Trung Quốc lần ra Sư Đào, một nhà báo đã gửi tên lên mạng tiết lộ chỉ thị của Ban Tuyên truyền cấm những bài viết về lễ kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn. Sư Đào đã bị kết án 10 năm tù một cách vô lý.

Chính phủ Hoa Kỳ (Đài VOA và Đài Châu Á Tự do) đã tài trợ cho nỗ lực của các “hacktivist” – “nhà hoạt động hack” như Bill Xia, một số người sống lưu vong, đặc biệt thông minh và theo Pháp Luân Công, phát triển các các phần mềm cho phép người dân Trung Quốc vượt tường lửa của Đảng để tiếp cận các thông tin ngoài Trung Quốc, bao gồm cả những thông tin về vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Xia nói rằng mỗi ngày có cả trăm nghìn người sử dụng phần mềm Freegate hay hai hệ thống chống kiểm duyệt khác do anh phát triển. Cuộc chiến trên mạng giữa các cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc và các nhà hoạt động nhân quyền Hoa Kỳ đến nay chưa vượt tầm kiểm soát trong quan hệ giữa hai chính phủ. Nhưng một ngày kia, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể bắt đầu than phiền về cái mà họ coi là một sự vi phạm thù địch chủ quyền quốc gia trên mạng của họ.

Ban Tuyên truyền

Là một cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban Tuyên truyền có quyền lực hơn cả các bộ của chính phủ hay Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, và giữ vai trò chủ đạo trong quá trình kiểm duyệt truyền thông. Ban Tuyên truyền Đảng Cộng sản đã đổi tên tiếng Anh thành “Publicity Department” (Ban Công khai) để nghe cho có vẻ đổi mới. Tuy vậy ở Trung Quốc, nó vẫn được gọi là Ban Tuyên truyền và chức năng lãnh đạo đối với cảnh sát thông tin hầu như không có gì thay đổi mặc dù có mở rộng hơn để bao gồm cả truyền thông thương mại mới. Hoạt động qua mạng lưới các cơ quan trực thuộc ở các tỉnh và thành phố trên cả nước, Ban Tuyên truyền chuyển chỉ thị đến tòa soạn các ấn phẩm vài lần một tuần qua fax hay điện thoại về những chủ đề không được đưa tin và những chủ đề cần phải chú trọng. Những chỉ thị này được đưa lên bản tin của ban biên tập. Thông thường, khoảng 1/3 chỉ thị được đưa ra trực tiếp từ trung ương, khoảng 2/3 còn lại là từ cơ quan tuyên truyền địa phương – mà theo các nhà báo là thường chặt chẽ hơn của trung ương.

 Ban Tuyên truyền trung ương và các cơ quan trực thuộc dưới địa phương lập các ủy ban gồm khoảng mười quan chức đã nghỉ hưu gọi là “Nhóm Phản biện” để phân tích, đánh giá các tin bài và đề ra hình phạt. Sau khi tổng biên tập Lý Đại Đồng của tờ Băng điểm công khai đặt câu hỏi về quyền lực của các nhóm này, một người am hiểu đã tiết lộ thông tin chi tiết về hoạt động của họ cho báo chí Hồng Kông. Sau mười năm kể từ khi thành lập năm 1994, Nhóm phản biện trung ương đã đưa ra 8.136 bình luận, trung bình mỗi ngày hai bình luận.

 Dưới thời Giang Trạch Dân từ 1990 đến 2003, nhiều nhà quan sát cho rằng quyền lực Ban Tuyên truyền là dựa vào nhà lãnh đạo kỳ cựu của ban là Đinh Quan Căn, một lãnh tụ cựu binh trong cuộc Vạn lý trường chinh, nhân vật có tư tưởng bảo thủ, cặp bài trùng với Đặng Tiểu Bình. Nghe đồn họ Giang phải để cho Đinh và bộ máy tuyên truyền tự do vì Đặng Tiểu Bình, trước khi chết, đã gửi một bức thư cho Giang đề nghị bảo vệ Đinh bạn của ông.

Sau khi Đinh nghỉ hưu năm 2002, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông Lý Trường Xuân tiếp quản công việc tuyên truyền này trong Ban thường vụ Bộ Chính trị. Các nhà báo tỏ ra hy vọng khi Lý, vừa mới nhậm chức, có bài phát biểu quan trọng ủng hộ truyền thông gần gũi với công chúng và sự thật chứ không phải máy móc theo các định hướng của Đảng. Bộ sậu lãnh đạo mới của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã xử lý cuộc khủng hoảng SARS theo hướng báo hiệu một phong cách báo chí cởi mở mới mẻ – tổ chức các cuộc họp báo kịp thời và phê phán việc bưng bít thông tin về SARS, vốn có thể dễ dàng đổ lỗi cho các lãnh đạo tiền nhiệm.

Mặc dù vậy, những tín hiệu tích cực này chẳng kéo dài được bao lâu. Vài tháng sau, Ban Tuyên truyền băt đầu đâu lại vào đấy, đóng cửa các tờ báo, sa thải phóng viên. Ban này còn truy cứu việc cho phép các công ty nước ngoài tham gia vào điều hành và sản xuất nội dung cho các đài truyền hình Trung Quốc, khiến Rupert Murdoch và lãnh đạo các công ty truyền thông quốc tế khác thất vọng.

Kể từ đó, rất nhiều biên tập viên đã bị trừng phạt vì đã đẩy tới giới hạn của tự do báo chí. Một số dũng cảm đứng lên đấu tranh. Một biên tập viên bị sa thải đã đăng bài dồn dập trên một website trí thức để tự minh oan, và ban biên tập của một tờ báo nổi tiếng khác ở Bắc Kinh đã đình công phản đối việc các biên tập viên của họ bị sa thải. Lý Trường Xuân, khi còn là lãnh đạo tỉnh Quảng Đông chưa bao giờ được các nhà báo địa phương coi là bạn bè, bắt đầu hành xử giống như một Đinh Quan Căn khác. Có người cho rằng Lý Trường Xuân tham vọng. Là ủy viên trẻ nhất của Thường vụ Bộ Chính trị, ông ta có thể đang cố gắng tạo dấu ấn để được thăng tiến vào năm 2007. Một số nhà báo, tuy nhiên, lại cho rằng đây là xu hướng thụt lùi trong bộ máy quan liêu thủ cựu của Ban Tuyên truyền – đa phần các quan chức cấp cao đã ngồi đây cả thập kỷ và không muốn thay đổi. Các nhà báo và nhà quan sát chính trị khác lại quy việc đàn áp báo chí cho Hồ-Ôn và các ủy viên khác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, những người vẫn ủng hộ truyền thống cộng sản là tăng cường kiểm soát thông tin đến với công chúng.

Trong một cuộc khủng hoảng, Ban Tuyên truyền thường tự quyết định mà không phối hợp với các nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn, sau vụ va chạm giữa chiến đấu cơ của Trung Quốc với máy bay do thám của Hoa Kỳ năm 2001, Ban Tuyên truyền chỉ đạo đăng tin rằng máy bay Hoa Kỳ đã “xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc trái phép”, trong khi sự thật là chiếc máy bay này đang bay trên vùng nước mà theo luật quốc tế, Trung Quốc có một số đặc quyền kinh tế nhưng vãna là vùng nước quốc tế. Theo một nguồn am hiểu chính trị Trung Quốc: “Dòng chữ trên xuất hiện trong các tin bài đầu tiên về cuộc khủng hoảng đã gây khó cho việc cho ra những quyết định linh hoạt sau đó”.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới